Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thu phí quá cao, doanh nghiệp vận tải chọn đi quốc lộ 1

(ĐTTCO)- Với mức thu phí dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận dự kiến sẽ áp dụng cao nhất lên đến khoảng 432.000 đồng/xe khi đi toàn tuyến, một số doanh nghiệp cho biết họ sẽ chọn đi quốc lộ 1 thay vì đi cao tốc này. Mức thu phí của các trạm vùng ĐBSCL hiện nay cao nhất chỉ có 196.000 đồng/xe.
    Doanh nghiệp vận tải chọn đi quốc lộ 1 nếu cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận thu phí quá cao. Ảnh: Trung Chánh
    Doanh nghiệp vận tải chọn đi quốc lộ 1 nếu cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận thu phí quá cao. Ảnh: Trung Chánh

    Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã có đề xuất thu phí đường bộ cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận giai đoạn 1 với mức giá thấp nhất khoảng 108.000 đồng/xe và cao nhất là 432.000 đồng/xe khi đi toàn tuyến.

    Trao đổi với liên quan đến mức phí dự kiến sẽ chính thức áp dụng với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự kiến thu phí từ ngày 1-7) như nêu ở trên, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang, cho biết đơn vị này vừa có khảo sát nhỏ với các doanh nghiệp thành viên, kết quả cho thấy, trường hợp mức phí chính thức áp dụng quá cao, doanh nghiệp vận tải sẽ chọn đi quốc lộ 1.

    Theo ông Xuân, vận tải hàng hoá hiện nay rất khó để tăng giá cước vận chuyển thêm, bởi giữa các doanh nghiệp có sự cạnh tranh khốc liệt, trong khi nguồn hàng sau đợt Covid-19 không được dồi dào như trước đó.

    Chính vì vậy, theo ông Xuân, doanh nghiệp sẽ chọn đi đường không có trạm thu phí vì giá xăng dầu đã quá cao rồi, không kham nổi nếu cộng thêm phí cao tốc.

    Trao đổi với KTSG Online, đại diện một doanh nghiệp vận tải ở Tiền Giang cho biết toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 7 trạm thu phí đang hoạt động, bao gồm trạm Bạc Liêu, Bến Lức – Đức Hoà, Cần Thơ – Phụng Hiệp, Sóc Trăng, cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu và T1. Tuy nhiên, mức cao nhất trong số các trạm này cũng chỉ ở mức 196.000 đồng/lượt như của trạm T1.

    Theo vị này, với mức phí dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến áp dụng cao nhất khi đi toàn tuyến khoảng 432.000 đồng có nghĩa mức giá ở dự án này cao hơn gấp đôi so với mức giá cao nhất của các dự án đang thu phí ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

    Vị chủ doanh nghiệp này nói rằng, đây là gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp vận tải, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đã liên tục tăng cao như thời gian qua. “Nếu mức giá thu phí này chính thức được áp dụng mà không có điều chỉnh hợp lý hơn, tôi chọn đi quốc lộ 1”, vị này nói.

    Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thuỷ sản CAFATEX, cho rằng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được xây dựng rất đẹp, tuy nhiên, việc không xây dựng làn dừng khẩn cấp sẽ tiềm ẩn rủi ro tai nạn, kẹt xe rất cao. “Đầu tư như thế này có thể nói đã bỏ ra 9 đồng rồi, nhưng còn 1 đồng nữa mà không bỏ ra là quá dở”, ông Kịch ví von và cho biết, điều đó sẽ làm giới hạn hiệu quả của dự án.

    Trong khi đó, về mức giá vé thu phí như nêu trên, ông Kịch cho rằng, cần phải nghiên cứu lại giá thu. “Song song chuyện thu quá nhanh, số tiền quá lớn chắc chắn sẽ là gánh nặng đối với doanh nghiệp”, ông nói.

    Theo ông Kịch, thu cao có thể giúp doanh nghiệp dự án hoàn vốn nhanh, nhưng điều này sẽ khiến doanh nghiệp, nông dân, thậm chí cả nền kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chịu nổi. “Có được thêm đoạn cao tốc này nó quý cho miền Tây, cho người dân, nhưng mức thu này là không phù hợp nên Chính phủ cần xem xét lại”, ông Kịch cho biết.

    Các tin khác