(ĐTTCO) - Vấn đề doanh nghiệp cần hiện nay không chỉ dừng lại ở việc giảm giá điện, hỗ trợ các chi phí phát sinh... Quan trọng hơn cả là họ cần được tiêm vaccine đầy đủ, cần chính sách linh hoạt và tiêu chí cụ thể về một mô hình hoạt động an toàn. Trên cơ sở đó sẽ triển khai sản xuất phù hợp và tự chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng.
Triển khai Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM vừa ký ban hành Kế hoạch số 2715 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. TPHCM yêu cầu duy trì, ổn định sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy; nâng tỉ lệ khoảng 5-10% doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch.
4 phương án duy trì sản xuất
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng chống dịch theo một trong 4 phương án.
Trong đó, phương án 1, DN tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp”. Phương án 2, DN tiếp tục thực hiện phương án “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc phương án “1 cung đường 2 điểm đến” mở rộng; cho phép DN tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc. Phương án 3, DN tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.
“Người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh” và “nơi ở xanh” theo “một cung đường xanh”. Phương án 4, DN có thể kết hợp các phương thức tại các phương án nêu trên.
Theo các DN, trong số 4 phương án nêu trên thì phương án 2 và 3 có thể phù hợp cho nhiều DN. Tuy nhiên, theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể từ cơ quan chức năng và các quận huyện nên DN vẫn phải chờ.
Theo Tổng Cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, có gần 80.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất tháng 7-2021 so với cùng kỳ của 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 cũng trên đà giảm mạnh. Trong đó, TPHCM giảm mạnh nhất 19,4%. Kế đến là Long An giảm 14,6%, Cà Mau giảm 13,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%..
Các tỉnh, thành còn lại đến nay vẫn duy trì đà tăng trưởng dương. Tuy nhiên, với diễn biến bệnh còn phức tạp dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong những tháng tới.
Ví dụ yêu cầu công nhân phải đi làm qua “cung đường xanh”, song đó là những con đường nào hoặc công nhân lưu trú ở “vùng xanh” là họ đến lưu trú tập trung tại một nơi an toàn hay được về nhà trong những “vùng xanh”; ai thẩm định cho việc đó...
Bàn về mô hình phù hợp cho DN, ông Trương Chí Thiện cho rằng, mỗi DN có đặc thù nên việc áp dụng một mô hình sản xuất chung, cứng nhắc sẽ rất khó. Theo ông Thiện, nên xem xét cho phép áp dụng “2 tại chỗ” (ăn và làm việc tại chỗ), nhưng được phép đi về buổi tối. Nếu được về nhà, người lao động cũng không dám đi đâu, vì bản thân họ cũng có ý thức phòng chống dịch.
Nếu được áp dụng mô hình “2 tại chỗ”, công ty sẽ yêu cầu công nhân ký cam kết chỉ đi đến công ty và về nhà. Công ty sẽ đi chợ giúp cho công nhân, đến chiều sẽ chia phần cho từng người mang về nhà nấu ăn để hạn chế tối đa việc ra ngoài.
Đại diện Công ty Vissan cũng mong muốn được sản xuất bình thường khi hoạt động lại, hoặc áp dụng nghiêm quy định “1 cung đường 2 điểm đến”. DN sẽ buộc công nhân ký cam kết chỉ về tại nhà và đến công ty, chia theo ca và dây chuyền để hạn chế tiếp xúc, thực hiện nghiêm 5K, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Kiến nghị nhiều giải pháp trợ lực
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, với 4 giải pháp mà UBND thành phố vừa đưa ra, nhiều DN hội viên đang nghiên cứu một cách cẩn trọng.
Mỗi DN có đặc thù nên việc áp dụng một mô hình sản xuất chung, cứng nhắc sẽ rất khó.
Thực tế hiện nay, hầu hết các DN đã chủ động điều chỉnh lại mô hình sản xuất cho phù hợp trên cơ sở vẫn duy trì “3 tại chỗ”. Một số DN khác đang cân nhắc chuyển sang phương án “4 xanh”. Tuy nhiên, “cung đường xanh” và “nơi ở xanh” không nằm ở sự quyết định của DN, mà rất cần sự hỗ trợ, đồng hành xuyên suốt từ chính quyền địa phương.
DN cũng mong mỏi thành phố tăng độ phủ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho lực lượng lao động, đồng thời các DN đang rất cần sự triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ DN về công tác y tế, xét nghiệm, lưu thông, vận chuyển, nhân lực từ chính quyền thành phố để sản xuất và lưu thông được thông suốt.
Để gỡ khó cho DN, UBND TPHCM đã kiến nghị Chính phủ giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân đối với các khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí, hỗ trợ phun thuốc khử khuẩn, tiêm vaccine…
Về chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DN, UBND TPHCM đã đề xuất hàng loạt giải pháp. Trong đó, phân loại DN thành 3 nhóm để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp tình trạng hoạt động của DN: DN đã giải thể, phá sản; DN đang tạm ngừng hoạt động; DN đang hoạt động.
Góp ý với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, UBND thành phố kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý 1-2022 và có thể đến hết tháng 6-2022.
Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cần nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). Về chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, UBND TPHCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021. Riêng các DN ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020 và 2021 thì mức giảm là 50%.
UBND TPHCM đã đề xuất hàng loạt giải pháp để gấp rút trợ lực cho DN ổn định, yên tâm sản xuất kinh doanh. Ảnh: Zing
Đặc biệt, UBND TPHCM kiến nghị cho phép DN được khấu trừ chi phí phòng chống dịch Covid-19 để duy trì sản xuất trong các khoản nộp ngân sách.
Bình luận về các giải pháp tổng thể hỗ trợ của UBND TPHCM, một số DN cho rằng, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, hơn lúc nào các DN rất cần sự trợ giúp của Nhà nước.
Vấn đề DN cần hiện nay không chỉ dừng lại ở việc giảm giá điện, hỗ trợ các chi phí phát sinh, quan trọng hơn cả là họ cần được tiêm vaccine đầy đủ, cần chính sách linh hoạt và tiêu chí cụ thể về một mô hình hoạt động an toàn. Trên cơ sở đó họ sẽ triển khai sản xuất phù hợp và tự chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng.
4 nhóm giải pháp
Bộ KH-ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Dự thảo đưa ra 4 nhóm giải pháp cấp bách, được xây dựng trên cơ sở kiến nghị của DN tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ ngày 8-8.
Các nhóm giải pháp bao gồm: phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả; lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN; tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Ở nhóm giải pháp các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trọng tâm là ưu tiên và bổ sung tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động tại DN ở các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, và các DN trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu; người lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho thương nhân, DN thu mua, tạm trữ lúa, gạo.
Để giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dự thảo nghị quyết yêu cầu Bộ LĐTB-XH hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho DN đến tháng 6-2022. Bộ Công thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của DN logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được giao khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ban hành; thuế ưu đãi với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng chống Covid-19 sau khi được Chính phủ thông qua.
Bộ VH-TT-DL nghiên cứu cho phép các DN lữ hành được tạm thời rút tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và quốc tế; giảm thời gian giải quyết rút tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống 30 ngày.