Cùng thời điểm này năm ngoái, anh bạn tôi là phó giám đốc một chi nhánh NHTM nhà nước triệu tập anh em gồm nhà báo, luật sư, chuyên gia, đại gia và doanh nghiệp dự bữa tiệc thịnh soạn, nhờ hỗ trợ tìm các “chiến hữu” có nguồn vốn nhàn rỗi gửi về NH, vì anh ta phải chịu sức ép định mức huy động vốn.
Và cuối cùng bạn tôi cũng hoàn thành vượt kế hoạch với trên 70 tỷ đồng với lãi suất huy động rất hời vào thời điểm ấy: 12%/năm.
![]() |
Ảnh minh họa: LONG THANH |
Mới đây, anh bạn này lại huy động anh em như hồi năm ngoái trở lại, không ăn nhậu mà chỉ ra quán cà phê và cầu cứu: “Các chiến hữu có quen doanh nghiệp nào uy tín cần vốn giới thiệu giúp mình để cho vay, vì hiện nay mình cũng lại phải chịu sức ép tìm đầu ra, lãi suất cho vay 12-13%/năm”.
Anh cho biết từ sau Tết Nguyên đán đến nay NH chưa ký được một hợp đồng cho vay nào, người vay thì có nhưng chẳng có hồ sơ nào qua vòng thẩm định suôn sẻ. Trong khi đó liên tục nhận được thông báo của khách hàng vay đòi trả vốn, nếu cho vay lại lãi suất thấp hơn.
Chỉ trong vòng 1 năm, dòng vốn ra vào đã đảo chiều chóng mặt, lên đỉnh rồi rớt xuống. Điều này cho thấy người vay mà cụ thể là doanh nghiệp khó tính toán được vòng quay sản xuất trong dài hạn, nếu có vay chỉ dám tính theo kiểu “mì ăn liền”, còn người gửi tiền cảm thấy bị hụt hẫng.
Tuy nhiên, nếu như trước đây huy động vốn đã khó thì nay cho vay khó gấp bội phần, bởi tìm đầu ra có uy tín để trả nợ, tránh “lâm thế” nợ xấu trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn cho đầu ra sản phẩm là điều không dễ.
Cho đến thời điểm hiện nay doanh nghiệp cần vốn đa phần là bất động sản, mà đã dính vào lĩnh vực này thì đừng mong đến NH, ngoại trừ không có nợ xấu và vay đầu tư dự án có khách hàng mua. Nhưng có khách hàng mua thì cần gì đến NH và những dự án như vậy có lẽ tìm “đỏ mắt”.
Một loại doanh nghiệp thứ hai cần vốn là vay trung, dài hạn đầu tư mở rộng sản xuất. Nền kinh tế khó khăn, chứng minh được kế hoạch kinh doanh có lợi nhuận để trả nợ trong dài hạn mà không có “bảo kê” của một tổ chức nào xem như đừng “mơ” vay vốn NH.
Tuy nhiên, cũng khó trách NH, vì họ cũng là đơn vị kinh doanh nên phải tính toán và điều hành theo cơ chế thị trường. Nợ xấu cũ chưa giải quyết, cho vay mới không khéo lâm tiếp vào nợ xấu coi như phá sản.
Một vị giám đốc doanh nghiệp từng tâm sự, cách đây gần 1 năm, doanh nghiệp ông tìm được một NH cho vay 50 tỷ đồng với lãi suất 16%/năm là coi như mừng hú vía. Gần đây, ông tìm được NH cho vay chỉ với lãi suất 13%/năm.
Tưởng là nhẹ gánh, nhưng khi đến trả nợ trước hạn tại NH nọ mới tá hỏa vì trong hợp đồng vay vốn có ràng buộc sẽ bị phạt trả vốn trước hạn từ 0-8%/tổng dư nợ. Và trường hợp của doanh nghiệp ông quy vào mức phạt 8%.
Tức là nếu doanh nghiệp muốn vay NH hàng khác lãi suất 13%/năm phải chấp nhận mất số tiền 400 triệu đồng, còn hơn là số tiền giảm lãi suất từ 16%/năm xuống còn 13%/năm.
Một câu chuyện khác, mới đây phó giám đốc một NH tiết lộ, chính anh vừa làm thủ tục vay tiêu dùng tại một NH nước ngoài trú tại TPHCM với số tiền 1 tỷ đồng, lãi suất 9,75%/năm trong thời hạn trả góp và lãi 13 năm và sẽ điều chỉnh theo lãi suất thị trường.
Trả trước hạn năm đầu phạt 3%, năm thứ hai phạt 2%, năm thứ ba phạt 1% và năm thứ tư trở đi không phạt. Anh này kể, nếu vay ở NH do anh làm lãnh đạo khó có mức lãi suất này, còn vay NH nước ngoài tuy khó khăn hơn nhưng họ quy định chi tiết và rạch ròi, dễ cho khách hàng.
Nói như vậy để thấy rằng sức ép lãi suất buộc phải hạ theo cung cầu thị trường, từ đó mới có thể khai thông nguồn vốn cho các lĩnh vực khác, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra và cũng là lo lắng nhất cho các NH là khi hạ lãi suất, nguồn vốn nhàn rỗi có tiếp tục chảy vào NH hay vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ…
Nhưng nhiều chuyên gia minh chứng, thời điểm hiện nay nếu đầu tư vào bất động sản xem ra cũng chưa hiệu quả vì thị trường vẫn còn đang “đóng băng” và tâm lý nhà đầu tư vẫn chờ “giá xuống nữa”. Đầu cơ USD xem ra vẫn chưa là giải pháp sinh lời hiệu quả, bởi NHNN tuyên bố sẽ cố giữ tỷ giá ổn định trong năm nay và lâu nay giá USD cũng ít “nhảy múa”.
Chứng khoán muốn nhảy vào phải là những nhà đầu tư “có máu mặt” còn không thì không nên “nướng vào”. Giá vàng đã được dự báo xuống đáy, nhưng chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có khoảng cách khá xa nên cũng không an toàn. Nói tóm lại, giữ VNĐ cho đến thời điểm hiện nay vẫn có lợi hơn.