CEO Dave Calhoun không phải là gương mặt xa lạ trong ngành hàng không. Ông có hơn 26 năm kinh nghiệm làm việc và quản lý tại Công ty con General Electric Aviation, chuyên nghiên cứu và phát triển động cơ máy bay phản lực thuộc Tập đoàn General Electric.
Đương đầu thử thách
Đương đầu thử thách
Dave Calhoun sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Virgina vào năm 1976, đã được nhận vào làm việc tại Tập đoàn General Electric. Ông nhanh chóng được thăng tiến thành quản lý cao cấp tại General Electric Aviation. Nhưng ngay sau 9 tháng tiếp nhận vị trí giám đốc điều hành General Electric Aviation, ông đã phải đương đầu với thử thách đầu tiên trong sự nghiệp của mình.
Sáng thứ ba ngày 11-9-2001, máy bay mang số hiệu 11 của Hãng hàng không United Airlines và máy bay 175 của Hãng hàng không American Airlines bị 19 tên khủng bố Al-Qaeda chiếm quyền kiểm soát, đã lao thẳng vào 2 tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố New York. Vụ khủng bố đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người dân và hơn 6.000 bị thương, tàn phá và gây thiệt hại hơn 10 tỷ USD cơ sở hạ tầng, tổng chi phí thiệt hại liên quan lên đến 3.000 tỷ USD.
Ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra, lệnh cấm bay trong vòng 4 ngày đã được chính phủ Mỹ ban hành để tránh các cuộc tấn công có nguy cơ tiếp tục. Sau khi lệnh cấm bay có hiệu lực, toàn bộ ngành hàng không Mỹ phải chịu tác động mạnh mẽ. Nhiều đường bay phải hủy bỏ khiến hàng loạt hãng hàng không đệ đơn phá sản, gây ra thiệt hại lên đến 1,5 tỷ USD chỉ trong vòng 4 ngày.
Chưa dừng lại ở đó, cuộc khủng hoảng hàng không Mỹ kéo dài đến 4 năm sau đó, vì nhiều hành khách lo ngại tính an toàn. Đã có 13 doanh nghiệp hàng không nộp đơn đề xuất chính phủ hỗ trợ khoản vay nhằm tránh sụp đổ liên hoàn. Đáp lại lời đề nghị của các doanh nghiệp, Tổng thống Bush và Quốc hội Mỹ đã ký quyết định cung cấp khoản vay có trị giá lên đến 15 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhằm cứu vãn cho tình thế khó khăn hiện tại.
General Electric Aviation cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngành hàng không. 2 tuần sau sự kiện 11-9, General Electric Aviation đã công bố dự báo doanh thu giảm đến 25% trong những năm tới. Tỷ lệ hành khách sử dụng dịch vụ hàng không giảm xuống hơn 50% đã tác động đến các ngành công nghiệp liên quan đến hàng không, General Electric Aviation đã phải cắt giảm hơn 4.000 nhân công nhằm đảm bảo ngân sách hoạt động.
Nhà máy sản xuất máy bay của Boeing.
Vấn đề càng khó khăn hơn khi General Electric là tập đoàn quốc gia, nằm dưới sự quản lý của chính phủ Mỹ. Chính vì thế, Dave Calhoun được yêu cầu phải đưa ra những chính sách hợp lý bằng mọi giá nhằm giữ General Electric Aviation ổn định và trở thành đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp hàng không khác vượt thoát khủng hoảng. Đây có thể là thử thách, nhưng đồng thời cũng là thời cơ để ông chứng minh năng lực xử lý khủng hoảng.
Trong khi cuộc khủng hoảng diễn ra, Dave Calhoun đã tìm ra được “chìa khóa” giải quyết. Ông nhận ra rằng Tập đoàn General Electric và Công ty General Electric Aviation luôn nhận được sự hậu thuẫn “khổng lồ” từ chính phủ Mỹ, hàng loạt dự án nghiên cứu phát triển động cơ phản lực được chính phủ đặc biệt quan tâm và tài trợ. Thậm chí trong suốt giai đoạn khủng hoảng, dù chính phủ phải hỗ trợ vốn vay cho hàng loạt doanh nghiệp hàng không khác, nhưng nguồn vốn chính phủ vẫn không ngừng đầu tư vào General Electric, đặc biệt là các dự án nghiên cứu các thế hệ động cơ mới của General Electric Aviation.
Xây dựng chính sách từ lợi thế
CEO Dave Calhoun quyết định sử dụng lợi thế doanh nghiệp “con cưng” của chính phủ, đã tiến hành hàng loạt dự án nghiên cứu, phát triển các công nghệ hàng không mới cũng như các thế hệ động cơ mới cho ngành hàng không tương lai. Dave Calhoun đã cùng hãng Safran Aircraft Engines, doanh nghiệp sản xuất động cơ máy bay có hơn 70 năm tuổi đời của Pháp và là đồng minh của General Electric Aviation kể từ năm 1974, chia sẻ công nghệ cải tiến động cơ.
Với nguồn tài trợ dồi dào từ chính phủ Mỹ cùng sự hợp tác với Safran Aircraft Engines, Dave Calhoun đã tung ra thị trường hàng không sản phẩm nghiên cứu mới của General Electric Aviation. Bên cạnh đó, thay vì tung ra hàng loạt sản phẩm mới một lúc, Dave Calhoun quyết định đánh vào thị trường theo từng giai đoạn, giúp công ty nắm rõ những phản ứng của thị trường.
Trong đó, nếu thị trường ưa chuộng các sản phẩm mới của General Electric Aviation, Dave Calhoun sẽ tiếp tục tấn công mạnh nhằm thu được doanh số cao nhất. Ngược lại nếu có bất kỳ sai sót, hãng sẽ nhanh chóng giải quyết ngay lập tức, tránh tạo sự cố liên hoàn cho các dòng sản phẩm.
Với việc kết hợp cùng Safran Aircraft Engines, Dave Calhoun không chỉ cùng hợp tác chia sẻ công nghệ mà còn là một kênh phân phối các sản phẩm của General Electric Aviation đến thị trường châu Âu. Đầu tiên, Dave Calhoun phân phối các dòng sản phẩm cải tiến từ động cơ GE90 là GE90-115B cho các dòng máy bay Boeing 777 và động cơ nâng cấp GP7000 cho các dòng máy bay Airbus A380 cũng như dòng sản phẩm GE CF34 dành cho máy bay quân sự.
Tiếp theo, liên minh General Electric Aviation-Safran Aircraft Engines tiếp tục tung ra thị trường một sản phẩm mang tính đột phá mới, công nghệ LEAP (Động cơ dẫn lối hàng không). Công nghệ LEAP giúp động cơ phản lực hoạt động hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu và thực hiện nhiều giờ bay hơn. Cùng với việc tung ra công nghệ LEAP, Dave Calhoun tung ra gói hỗ trợ tài chính lên đến 5 tỷ USD dành cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn để có thể sở hữu được công nghệ tân tiến nhất này.
Với gói hỗ trợ tài chính này, Dave Calhoun đã mang về hàng trăm hợp đồng thương mại cho General Electric Aviation. Tháng 7-2011, hãng sản xuất máy bay Boeing đặt hàng 100 chiếc máy bay sử dụng công nghệ LEAP từ hãng hàng không American Airlines, đây là lần đầu tiên Boeing công bố với thế giới dòng máy bay Boeing 737 MAX mới, sau này gây ra hàng loạt sự cố trong những năm qua.
Tiếp theo đó, Hãng hàng không Southwest Airlines cũng đã đặt hàng 150 máy bay Boeing 737 MAX có động cơ sử dụng công nghệ LEAP. 8 năm sau khi ra mắt công nghệ LEAP, General Electric Aviation đã thu về 1.801 hợp đồng thương mại với các hãng hàng không và các tập đoàn sản xuất máy bay, mang lại cho công ty hơn 170 tỷ USD doanh thu, tạo sự tăng trưởng ổn định trở lại cho ngành hàng không sau sự kiện ngày 11-9. Riêng CEO Dave Calhoun đã được vinh danh “huyền thoại” General Electric Aviation vì những đóng góp cho công ty, mà còn tạo nên động lực dẫn dắt sự phát triển của ngành hàng không dân dụng nước Mỹ.
Hy vọng kỳ tích mới Boeing
Trước khi được bổ nhiệm trở thành CEO của Boeing vào đầu năm nay, Dave Calhoun đã được mời làm giám đốc điều hành công ty truyền thông Nielsen cũng như tập đoàn đa ngành Caterpillar.
Sau hàng loạt sự cố kỹ thuật của dòng máy bay Boeing 737 MAX, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã không còn kiên nhẫn với cựu CEO Denis Muillenberg. Ngày 13-1-2020, Dave Calhoun đã được bổ nhiệm trở thành tân CEO của Boeing, với hy vọng sẽ đưa tập đoàn vượt thoát giai đoạn khó khăn, như cách ông đã từng thực hiện tại General Electric Aviation.
Dave Calhoun được xem là sự lựa chọn đúng đắn nhất của Boeing vào thời điểm này, vì ông chính là người đã tạo ra và hiểu rõ nhất về dòng máy bay Boeing 737 MAX trong quá khứ. Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, CEO Dave Calhoun cho biết ông sẽ làm mọi cách để khắc phục sự cố của dòng máy bay Boeing 737 MAX và sớm đưa dòng máy bay này nhanh chóng trở lại bầu trời. Dave Calhoun khẳng định việc đầu tiên cần làm là gắn kết toàn thể nhân viên tại Boeing, nhằm tạo sự hỗ trợ tối đa cho những chính sách mới.
Trước mắt, ông sẽ xây dựng lại quy trình, triển khai chính sách nhằm lấy lại sự tin tưởng của các nhà hành pháp, các chính trị gia tiến tới bãi bỏ lệnh cấm bay dòng 737 MAX. Bởi 737 MAX được xem là dòng máy bay mang về doanh thu nhiều nhất cho Boeing, kể từ khi chuyến bay đầu tiên cất cánh năm 2011 đến nay, đã có hơn 2.000 đơn hàng đặt mua, mang về hàng trăm tỷ USD cho Boeing. Hy vọng trong tương lai, CEO Dave Calhoun sẽ tạo nên được kỳ tích cho Boeing như ông đã giúp các doanh nghiệp trong quá khứ.