Cha đẻ của ngành dự báo thời tiết Francis Beaufort

(ĐTTCO) - Một trong những ngành khoa học giúp hàng triệu người thoát khỏi cơn cuồng nộ của thiên nhiên là lĩnh vực dự báo thời tiết. Tuy nhiên, ít ai biết được người khai sinh ra ngành khoa học dự báo thời tiết chính là cậu bé bỏ học nửa chừng.

Cha đẻ của ngành dự báo thời tiết Francis Beaufort

Bỏ học nhưng không ngừng học

Francis Beaufort là hậu duệ của những người theo đạo Tin lành Huguenot người Pháp. Đây là những người đã chạy trốn khỏi cuộc chiến tôn giáo tại Pháp vào thế kỷ XVI. Cha của ông là Daniel Augustus Beaufort, một giáo sĩ Tin lành đến từ Navan (Ireland), và là thành viên của Viện Hàn lâm Hoàng gia Ireland. Cha ông chính là tác giả của bản đồ Ireland vào năm 1792.

Francis lớn lên ở Wales và Ireland. Năm 14 tuổi ông bỏ học giữa chừng để đi biển, nhưng vẫn tự học và kết giao với nhiều nhà khoa học và nhà toán học ứng dụng vĩ đại nhất thời bấy giờ như Mary Somerville, John Herschel, George Biddell Airy và Charles Babbage. Năm 15 tuổi, Francis gặp tai nạn đắm tàu do một biểu đồ bị lỗi.

Ông đã nghiên cứu ra Thang đo sức gió Beaufort. Thang sức gió Beaufort, hay đơn giản là cấp gió, là thang đo dựa trên trạng thái của mặt biển hay các trạng thái sóng. Thang sức gió này được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, dùng trong việc xác định cường độ gió, dự báo và cảnh báo thiên tai. Thang sức gió Beaufort nguyên gốc có 12 cấp, hiện vẫn đang được công nhận và sử dụng chính thức bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (VMO) trên phạm vi toàn cầu.

Những năm gần đây, do xuất hiện nhiều cơn bão mạnh, vượt quá mốc cho phép của Thang Beaufort nguyên gốc, nhiều nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông đã sử dụng Thang Beaufort mở rộng, với các cấp bão từ 12 cho đến 17, bổ sung thêm 5 cấp so với ban đầu.

Còn tại Việt Nam, sau những thiệt hại do các cơn bão Chanchu, Xangsane năm 2006 gây ra với sức gió trên cấp 12, Việt Nam đã bắt đầu sử dụng Thang Beaufort mở rộng. Theo văn bản mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Thang sức gió ở Việt Nam chỉ được quy định đến cấp 17 và trên cấp 17.

Trưởng thành từ Hải quân

Francis Beaufort lần đầu tiên ra khơi vào năm 1789, trên chiếc thuyền East Indiaman Vansittart của Công ty Đông Ấn (Anh). Con tàu sau đó bị đắm, tất cả đều thiệt mạng trừ cậu bé Francis. Sau khi trở về nhà năm 1790, Francis bắt đầu sự nghiệp hải quân của mình bằng cách gia nhập thủy thủ đoàn của tàu HMS Latona, với tư cách là một học viên sĩ quan. Chính trong môi trường hải quân, ông đã học hỏi và tích lũy kinh nghiệm về hàng hải và dự báo thời tiết.

Năm 1829, Francis được bầu làm Viện sĩ của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia, và cùng năm đó, ở tuổi 55 - tuổi nghỉ hưu của hầu hết những người đương thời trong ngành hành chính - Francis được bổ nhiệm làm chuyên gia Thủy văn gia của Hải quân Anh. Ông đã phục vụ ở vị trí đó trong 26 năm, lâu hơn bất kỳ chuyên gia thủy văn nào khác.

G.S. Ritchie (1966-1971), cũng là chuyên gia Thủy văn gia, đã mô tả giai đoạn này là "Thời kỳ đỉnh cao" hoạt động khảo sát của hải quân. Phạm vi địa lý của hoạt động khảo sát đã được mở rộng đáng kể, cả ở vùng biển trong nước và ở nước ngoài. Trong những năm đầu ở vị trí này, Francis đã phát triển các phiên bản đầu tiên của Thang đo lực gió và Mã hóa ký hiệu thời tiết.

Năm 1831, một chi nhánh khoa học của Bộ Hải quân Anh được thành lập, ngoài Cục Thủy văn còn bao gồm các đài quan sát thiên văn lớn tại Greenwich, mũi Hảo Vọng (châu Phi), Văn phòng Niên giám hàng hải và đồng hồ bấm giờ. Trên cương vị quản lý, Francis đã chỉ đạo một số cuộc thám hiểm và thử nghiệm hàng hải lớn trong thời kỳ đó.

Ông đóng vai trò lãnh đạo trong việc tìm kiếm nhà thám hiểm John Franklin, người đã mất tích trong chuyến đi vùng cực cuối cùng của mình để tìm kiếm Hành lang Tây Bắc huyền thoại.

Từ hàng hải chuyển sang nhà khoa học

Francis quan tâm đến các vấn đề khoa học vượt ra ngoài ranh giới của hàng hải. Là thành viên hội đồng của Hội Hoàng gia, Đài quan sát Hoàng gia, và Hội Địa lý Hoàng gia, Francis đã sử dụng vị trí và uy tín của mình với tư cách là một nhà quản lý cấp cao, để hoạt động như một "người trung gian" cho nhiều nhà khoa học thời bấy giờ.

Francis đại diện cho các nhà địa lý, nhà thiên văn học, nhà hải dương học, nhà trắc địa và nhà khí tượng học tại Văn phòng Thủy văn. Năm 1849, ông đã hỗ trợ xuất bản “Sổ tay hải quân về nghiên cứu khoa học”, để hỗ trợ cả nhân viên hải quân và những người đi biển nói chung trong các cuộc điều tra khoa học, từ thiên văn học đến dân tộc học.

Francis đã đào tạo Robert FitzRoy, người được giao nhiệm vụ chỉ huy tạm thời tàu khảo sát HMS Beagle, sau khi thuyền trưởng trước đó của tàu tự tử. Khi FitzRoy được bổ nhiệm lại làm chỉ huy cho chuyến đi thứ hai nổi tiếng của Beagle, ông đã yêu cầu Francis "tìm một quý ông có học thức và khoa học" làm bạn đồng hành trong chuyến đi.

Francis đã mời Charles Darwin, người sau này đã dựa vào những khám phá của ông để xây dựng nên thuyết tiến hóa mà ông trình bày trong cuốn sách “Nguồn gốc các loài”. Sau đó, khi Francis thuyết phục Hội đồng Thương mại thành lập một Bộ phận Khí tượng học, và Fitzroy trở thành giám đốc đầu tiên của bộ phận này.

Sử dụng nhiều mối quan hệ của mình, Francis đã giúp tìm nguồn tài trợ cho chuyến đi Nam Cực (1839-1843) của James Clark Ross, để thực hiện các phép đo từ tính trên cạn, phối hợp với các phép đo tương tự ở châu Âu và châu Á. Francis đã thúc đẩy việc phát triển các Bảng thủy triều xung quanh bờ biển Anh, xuất bản ấn bản đầu tiên của Bảng thủy triều Đô đốc vào năm 1833. Điều này đã truyền cảm hứng cho các nghiên cứu tương tự cho châu Âu và Bắc Mỹ.

Vào thời điểm Francis nghỉ hưu, Bảng thủy triều Đô đốc thực sự là một nguồn tài nguyên trên toàn thế giới với 2.000 biểu đồ bao phủ mọi vùng biển.

Năm 1840, ông được bầu vào Hiệp hội Triết học Mỹ. Ông mất ngày 17-12-1857, thọ 83 tuổi tại Sussex, Anh. Ông được chôn cất tại vườn nhà thờ St John, London. Ngôi nhà của ông ở London, số 52 phố Manchester, Westminster, được đánh dấu bằng một tấm bảng màu xanh lịch sử ghi lại nơi cư trú và những thành tựu của ông.

Ở tuổi 72, Francis nghỉ hưu khỏi Hải quân Hoàng gia với cấp bậc Chuẩn Đô đốc. Ông được phong tước “Ngài Francis Beaufort" vào năm 1848, một danh hiệu danh dự tương đối muộn so với tầm quan trọng của vị trí của ông từ năm 1829 trở đi.

Các tin khác