Bởi trên thực tế, nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi, vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ.
Lãi cao cản trở khả năng trả nợ?
Tại hội thảo diễn ra gần đây, TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), kiến nghị cần có quy định giới hạn trần lãi suất cho vay và giới hạn các loại phí quản lý khoản vay để cân bằng quyền lợi chính đáng giữa bên vay và bên cho vay.
Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) được thực hiện theo quy định của NHNN về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng. CTTC ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Như vậy, pháp luật chưa có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa đối với hình thức vay tiêu dùng của các tổ chức tài chính.
Theo TS. Thanh, Việt Nam hiện được đánh giá mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao so với các nước khác. Hiện lãi vay tiêu dùng của Ấn Độ khoảng 12-48%/năm, Brazil 30-70%/năm, Mỹ 8-36%/năm, Trung Quốc 10-40%/năm.
Trong khi đó, Việt Nam có mức lãi, phí của hoạt động cho vay tiêu dùng tương đối cao 40-50%/năm, cá biệt một số trường hợp có lãi vay lên đến 85%/năm, khó có thể chấp nhận được, gây rủi ro cho bên cho vay. Trên thực tế nhiều trường hợp người vay không đồng ý trả gốc và lãi vì cho rằng tiền lãi quá cao vượt quá khả năng gánh vác của họ.
Kiểm soát lãi vay thông qua áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng, sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích của người vay.
TS. Lê Thị Hoàng Thanh cũng chia sẻ, các nước kiểm soát lãi vay thông qua áp dụng lãi suất trần các khoản vay tiêu dùng, sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng tiêu dùng. Bởi trong hợp đồng vay người vay sẽ không có quyền thỏa thuận về mức lãi suất với TCTD.
Ngược lại, bên cho vay có thể đưa ra mức lãi suất, phạt vi phạm và các mức phí không có cơ sở, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người vay. Vì thế, việc áp dụng lãi suất trần nhằm mục đích bảo vệ người vay không đủ khả năng để nhận thức và bảo vệ mình khi vay với lãi suất cao. Chẳng hạn, Nhật Bản áp dụng trần lãi suất vay tiêu dùng 20%/năm và quy định các khoản tiền ngoại trừ nợ gốc (phần thưởng, phí kiểm tra, phí hoa hồng, phí giảm giá...) đều được tính là lãi suất.
Giải pháp nào cho thị trường?
Giới hạn trần lãi suất cho vay đã được bàn luận từ nhiều năm và cũng có nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất trên. Song cũng có quan điểm cho rằng cho vay tiêu dùng áp trần lãi suất 20%/năm theo Bộ luật Dân sự, sẽ không có CTTC nào dám cho vay.
Những cá nhân vay tiêu dùng tại CTTC là đối tượng có thu nhập thấp, chưa có hoặc có lịch sử tín dụng không tốt khó tiếp cận vốn NH. Cho vay tiêu dùng trừ cho vay mua nhà và ô tô có thế chấp, còn lại đều là tín chấp. Trong khi thông tin người vay còn thiếu chính xác, không minh bạch và tính tuân thủ của bên đi vay yếu. Rủi ro cho vay của các CTTC theo đó cao hơn các NHTM.
Không chỉ vậy, các CTTC còn tiêu tốn nhiều chi phí cho đội ngũ kinh doanh, chi phí để lắp đặt các hệ thống, quy trình tự động để khởi tạo, theo dõi các khoản vay nhỏ ngắn hạn. Đặc biệt, lãi suất huy động đầu vào của các CTTC cũng cao vì họ không được huy động tiền gửi, phải đi vay của các tổ chức khác để cho vay tiêu dùng. Vay lãi cao nên cho vay lại cũng phải cao. Chi phí vốn cao, rủi ro cao, nếu lãi suất thấp họ sẽ không dám cho vay.
Bàn đến vấn đề lãi suất, ông Marcin Figlus, Giám đốc khối quản trị rủi ro CTTC TNHH NH Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), cho biết các tổ chức tài chính đều không muốn đưa lãi suất cho vay lên quá cao. Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay đang đẩy CTTC tiêu dùng đối diện với nhiều thách thức. Họ không có cơ chế để thu hồi nợ với những người không trả tiền vay, trong khi chi phí đòi nợ ngày càng tăng cao. Điều đó dẫn đến không thể giảm lãi suất, đồng thời còn phải siết các tiêu chí cho vay tiêu dùng.
Với hàng loạt khó khăn bủa vây, hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC đang bị kéo lùi. Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 9 toàn hệ thống có 84 TCTD triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 CTTC tiêu dùng. Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, khoảng 2,7 triệu tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ của các CTTC khoảng 134.279 tỷ đồng, chiếm khoảng 5%. Mức dư nợ này đã sụt giảm mạnh khoảng 40% so với cuối năm ngoái. Ngược lại, nợ xấu vay tiêu dùng tăng 10-15%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, cho vay tiêu dùng năm nay có tỷ lệ tăng trưởng thấp có nguyên nhân chủ quan do các CTTC chưa có chế tài xử lý khách hàng cố tình không trả nợ. Nhiều trường hợp khách hàng chống đối, vu khống tố cáo đến chính quyền khi cán bộ công ty đến đòi nợ. Tình hình này khiến hoạt động thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, khiến một số CTTC phải giảm cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu phát sinh.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho rằng để khơi thông kênh tín dụng tiêu dùng cần nỗ lực từ cả 2 phía, chấp hành tốt quy định của pháp luật trong quá trình cho vay và sử dụng vốn vay. Cụ thể, người vay cần xác định rõ nghĩa vụ “vay là phải trả”, trong khi bên cho vay cần phải làm tốt hơn nữa, cả về thủ tục lẫn lãi suất vay.
Một giải pháp khác cũng được giới chuyên gia tài chính đề xuất, là sớm có giải pháp áp dụng việc chấm điểm tín dụng cá nhân. Theo đó, lãi suất vay tiêu dùng sẽ căn cứ trên điểm tín dụng. Điểm tín dụng thấp sẽ không thể vay tiền hoặc sẽ phải vay với lãi suất cao và ngược lại. Quy định như vậy sẽ buộc người đi vay tuân thủ kỷ luật để cải tiến điểm tín dụng, còn bên cho vay cũng ít rủi ro hơn.