Chấm điểm tín dụng cá nhân: Giảm rủi ro nợ xấu

(ĐTTCO) - Ở nước ta, hoạt động cho vay tiêu dùng luôn được đánh giá tiềm năng, song rủi ro nợ xấu tiềm ẩn không nhỏ do thiếu điểm tín dụng cá nhân. 
 
ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính - NH, xung quanh tầm quan trọng của điểm tín dụng cá nhân trong cho vay tiêu dùng và điều kiện để xây dựng hệ thống này tại Việt Nam.
PHÓNG VIÊN: - Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có hệ thống điểm tín dụng cá nhân nên hoạt động cho vay tiêu dùng của các NH và công ty tài chính (CTTC) đối mặt với nhiều rủi ro. Quan điểm của ông như thế nào?

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Đúng là ở Việt Nam chưa có xếp hạng điểm tín dụng cho tất cả mọi người như nước ngoài. Các NH và CTTC sử dụng công cụ tài chính để kiểm soát được rủi ro cho vay tiêu dùng thông qua điều tra về thu nhập của khách hàng cá nhân, khách hàng kinh doanh có tài sản bảo đảm.
Cho vay chỉ dựa trên thu nhập có độ rủi ro cao, do đó NHNN cũng muốn siết quản lý rủi ro với các TCTD phi NH. Tại dự thảo thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của TCTD phi NH, NHNN yêu cầu các TCTD phi NH phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không quá 3%. Đây là yêu cầu cần thiết, vì nếu không kiểm soát chặt sẽ đi vào phân khúc của thị trường tài chính độ rủi ro cao và sẽ trả giá rất đắt cho vấn đề nợ xấu.

- Theo ông, Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng hệ thống xếp hạng điểm tín dụng cá nhân phục vụ hoạt động cho vay tiêu dùng?

- Tôi cho rằng xây dựng hệ thống điểm tín dụng cá nhân tại Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được, không có trở ngại nào. Ở Hoa Kỳ có 3 công ty chấm điểm tín dụng cá nhân. Ban đầu, mỗi người được chấm 800 điểm, sau đó 3 công ty này dựa vào bộ tiêu chí của họ để tính điểm. Tất cả NH cho vay ra đều gửi thông tin cho các công ty này.
Những người dân có nợ xấu, công việc không ổn định hoặc có những vi phạm khác sẽ bị trừ điểm. Đây là vấn đề kỹ thuật chúng ta có thể làm được, nhưng NHNN phải là cơ quan chủ trì việc đó, hoặc có thể giao cho một công ty tư nhân làm việc đó. Ngoài ra, tại Hoa Kỳ còn có một công cụ Việt Nam đang thiếu, đó là chỉ số an sinh xã hội. Người dân Hoa Kỳ đi học hay làm việc trong công ty, mở tài khoản NH… đều có số an sinh xã hội.
Chấm điểm tín dụng cá nhân: Giảm rủi ro nợ xấu ảnh 1
Do thiếu chỉ số an sinh xã hội nên dù các NH cho vay ra, CIC (một tổ chức của NHNN có nhiệm vụ lập ra hồ sơ khách hàng có giao dịch vay vốn, tín dụng với NH) cũng thu thập thông tin vay lại khó tập trung thông tin tín dụng của một cá nhân. Do đó, về lâu dài cũng cần áp dụng số nhận diện cá nhân để có thể tập trung được được tất cả tin tức cá nhân từ tất cả các TCTD.- Nếu Việt Nam phát triển được hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, việc chấm điểm tín dụng cá nhân có thuận lợi hơn, thưa ông?
- Đúng vậy, nếu phát triển được một nền kinh tế không dùng tiền mặt, tất cả giao dịch đều qua tài khoản cũng đóng góp một phần cho việc chấm điểm tín dụng cá nhân. Vì chấm điểm tín dụng phải qua giao dịch không dùng tiền mặt của cá nhân, qua tài khoản vay, qua tiền gửi…
Do đó, càng nhiều người dân có tài khoản NH, sử dụng dịch vụ NH là điều tiên quyết để chấm điểm tín dụng cá nhân quốc gia. Nhưng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam còn vướng mắc do thói quen của người dân và do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tại Việt Nam, người dân khi ra đường phải mang tiền mặt mới an tâm vì rất nhiều thành phần kinh tế yêu cầu tiền mặt, điểm nhận thanh toán qua thẻ rất ít. Hiện chỉ có khoảng 30% các cơ sở kinh doanh buôn bán chấp nhận thanh toán bằng thẻ, 70% thanh toán bằng tiền mặt. 

Vì thế, đầu tư hạ tầng phát triển thanh toán tiền mặt là khoản đầu tư cần phải làm để trong tương lai có được một nền kinh tế phi tiền mặt. Còn nếu không đầu tư, 10-20 năm sau Việt Nam vẫn là nền kinh tế sử dụng tiền mặt, từ đó gây ra nhiều hậu quả và một trong số các hậu quả là không xây dựng được điểm tín dụng cá nhân một cách chính xác. NHNN phải đứng ra để chủ trì một chương trình, chiến lược để Việt Nam trở thành nền kinh tế phi tiền mặt.
Theo đó phải có số nhận diện cá nhân cho tất cả mọi người để mọi giao dịch cá nhân đều được tổng hợp qua số nhận diện đó. Bên cạnh đó, thúc đẩy khuyến khích người dân sử dụng tài khoản NH. Trong chiến lược này, NHNN phải là trung tâm thu thập dữ liệu, cung cấp dữ liệu cá nhân cho các TCTD và TCTD phi NH để chấm điểm và cho vay nhanh chóng. Điều đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch về vấn đề này.

- Ông dự báo khi nào Việt Nam mới có thể giảm thiểu việc thanh toán dùng tiền mặt?

- Theo tôi ít nhất phải 10 năm nữa, với điều kiện phải thay đổi thói quen của người dân. Một thói quen sẽ thay đổi tùy theo phương tiện thanh toán. Nếu trên thị trường có nhiều điểm chấp nhận thẻ, nhiều điểm chấp nhận thanh toán qua hệ thống NH, người dân cũng sẽ đáp ứng.
Hiện nay, các NH cũng đang dần mở rộng mạng lưới hoạt động về vùng nông thôn, theo đó, người nông dân cũng sẽ tiếp cận được hệ thống NH, tiếp cận được sản phẩm NH nên khoảng 10 năm nữa Việt Nam có thể tiến tới nền kinh tế phi tiền mặt.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác