Chậm "xanh hoá", nhiều ngành hàng gặp bất lợi trong các FTA

(ĐTTCO)- Trong hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, muốn tăng tính cạnh tranh, giữ được đơn hàng thì thực hiện “xanh hoá” trong sản xuất, chế biến là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi doanh nghiệp.
Để giữ được đơn hàng, thúc đẩy “xanh hoá” toàn ngành dệt may đang là vấn đề bức thiết đặt ra.
Để giữ được đơn hàng, thúc đẩy “xanh hoá” toàn ngành dệt may đang là vấn đề bức thiết đặt ra.

Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng “xanh hóa” các ngành kinh tế. Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số. Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

“Xanh hóa” tăng tính cạnh tranh

Định hướng phát triển bền vững ngay từ những ngày đầu thành lập, bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty CP Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, DN được tham gia Hợp phần Tiết kiệm nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức.

“Hiện tại, rác ở nhà máy được phân loại, không dùng than đốt lò hơi mà dùng lá quế đã chưng cất tinh dầu, khí và nước trước khi thải ra môi trường phải được lọc sạch. DN sẵn sàng triển khai các phương án hướng đến việc phát triển bền vững, tiết kiệm nguồn tài nguyên như điện, nước và bảo vệ môi trường”, bà Huyền chia sẻ.

Nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn hơn để tiếp cận được nhiều thị trường khó tính, ông Phùng Văn Sâm, Giám đốc Công ty Hanfimex – chuyên sản xuất và chế biến nông sản cho hay, DN không ngại khó khăn để đầu tư vào vùng trồng hữu cơ, nâng cao khả năng chống chịu của câu trồng với thời tiết, khí hậu và sâu bệnh, đặc biệt giúp xây dựng uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Hanfimex được tham gia hợp phần Tiết kiệm nguồn tài nguyên và sản xuất tuần hoàn do GreentoCompete Hub hỗ trợ để có những cải tiến giúp giảm chi phí tài nguyên điện, tiết kiệm tài nguyên nước. DN cũng quyết định đầu tư vào năng lượng mặt trời cho nhà máy hiện tại, đồng thời áp dụng các giải pháp tiết kiệm nguồn tài nguyên khi xây dựng nhà máy mới”, ông Sâm chia sẻ.

Năm 2021, xuất khẩu dệt may đã có những khởi sắc rõ rệt so với năm 2020 và dự kiến năm 2022, “bức tranh” xuất khẩu tiếp tục thêm phần tươi sáng. Tuy nhiên, trong hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, muốn tăng cạnh tranh, giữ được đơn hàng, thúc đẩy “xanh hoá” toàn ngành dệt may đang là vấn đề bức thiết đặt ra.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), bên cạnh cơ hội xuất khẩu dệt may khả quan hơn trong thời gian tới, yêu cầu “xanh hoá” ngành dệt may là một trong những vấn đề nổi cộm được DN toàn ngành dành nhiều sự quan tâm. Hiện nay, đa số DN trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đều phải tuân thủ những yêu cầu liên quan đến “xanh hóa” trong sản xuất như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường, cắt giảm phát thải.

“Nếu DN không có những giải pháp thay đổi trong sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, sạch hơn, tiết kiệm nước và các nguồn tài nguyên, sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường, DN sẽ mất lợi thế cạnh tranh, thậm chí đứng trước nguy cơ bị mất đơn hàng”, ông Giang chỉ rõ.

Xanh hóa là yêu cầu tất yếu

Một số chuyên gia dệt may nhận định, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các FTA thế hệ mới đã ký kết. Trong các FTA này đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để DN hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín và thương hiệu của DN, của ngành dệt may đối với người tiêu dùng. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình “xanh hóa” nhanh ngành dệt may là một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn tiếp theo.

Phân tích sâu hơn về vấn đề “xanh hoá” ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang cho rằng, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà DN bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình được xây dựng trên nền tảng của các DN dệt may. Các nhãn hàng đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của DN về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu khi sản phẩm của DN được đưa ra tiêu thụ trên thị trường thế giới cũng như trong nước.

Chậm "xanh hoá", nhiều ngành hàng gặp bất lợi trong các FTA ảnh 1
“Xanh hóa” các ngành công nghiệp giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.

Đánh giá chương trình “xanh hóa” ngành dệt may đã được triển khai trong 3 năm qua, ông Trần Như Tùng, Trưởng ban Phát triển bền vững của Vitas khẳng định, chương trình đã góp phần tích cực cải cách ngành dệt may Việt Nam, tác động vào hoạt động quản trị ngành và môi trường, mang lại nhiều lợi ích về xã hội, kinh tế.

“Sự chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may đang giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm nhẹ sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của quá trình sản xuất đến môi trường, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, uy tín, thương hiệu của DN Việt”, ông Tùng cho biết.

Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, song đây cũng là thách thức không nhỏ với DN quy mô nhỏ và vừa vì nguồn tài chính còn hạn chế, thiếu đội ngũ nhân sự triển khai. Trong bối cảnh đó, mỗi DN cần chủ động đề ra những bước đi phù hợp với điều kiện của DN như chủ động nguồn cung nguyên liệu, xây dựng nguồn nhân lực với tư duy phát triển bền vững.

Các tin khác