Hỗ trợ khách Trung Quốc tại điểm đến
Bộ VH-TT-DL nhận định Trung Quốc là thị trường nguồn gửi khách đứng đầu thế giới về lượng khách và khả năng chi tiêu. Nhiều điểm đến trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường khách lớn, có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp doanh thu lớn cho ngành du lịch. Trong thời gian qua, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm tỉ lệ từ 25-28% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Năm 2016, thị trường khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt, tăng 51% so với năm 2015 và tăng trung bình 20% năm trong giai đoạn 2010-2016. Trong 4 tháng đầu năm 2017, khách Trung Quốc đạt gần 1.272.000 lượt, tăng 61,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, so với lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài và lượng khách Trung Quốc đến một số nước trong khu vực thì số lượng trên vẫn còn khiêm tốn. Gần đây, hoạt động kinh doanh đón khách Trung Quốc tại một số địa phương được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4176/VPCP- KGVX ngày 25-4-2017 của Văn phòng Chính phủ trong việc đề xuất giải pháp tổng thể quản lý, phát triển thị trường khách Trung Quốc, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội từ thị trường khách Trung Quốc, Bộ VH-TT-DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và cách thức ứng xử đối với thị trường khách Trung Quốc.
Cần có sự thống nhất trong nhận thức về bản chất của tour giá rẻ đón khách Trung Quốc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị kinh doanh đón khách Trung Quốc cũng như đem lại lợi ích chung cho điểm đến, cho đất nước; tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng của khách Trung Quốc, tạo động lực phát triển du lịch trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Tăng cường công tác quản lý điểm đến, nâng cao năng lực đón tiếp, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng trong việc giải quyết khiếu nại của khách du lịch nói chung và khách Trung Quốc nói riêng; phát triển lực lượng nhân viên hỗ trợ khách Trung Quốc tại điểm đến, đặc biệt vào các dịp cao điểm, khách tập trung đông.
Chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành, phân công, làm rõ trách nhiệm của các ngành liên quan trong việc phối hợp quản lý chất lượng dịch vụ, hàng hóa phục vụ khách Trung Quốc.
Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch và thương hiệu, hình ảnh điểm đến.
Chỉ đạo Sở DL, Sở VH-TT-DL và các cơ quan liên quan trên địa bàn tiến hành rà soát, phân loại các cơ sở cung ứng dịch vụ thường xuyên phục vụ khách Trung Quốc. Cung cấp thông tin về các cơ sở dịch vụ trên website chính thức để hỗ trợ du khách.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp lữ hành kinh doanh đón khách du lịch Trung Quốc, cần bảo vệ, tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc của Việt Nam có năng lực, uy tín, chất lượng với các đối tác Trung Quốc nhằm khẳng định thương hiệu và xây dựng môi trường kinh doanh lữ hành lành mạnh.
Khuyến khích phát triển các trung tâm, điểm bán hàng, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch lành mạnh, hoạt động đúng pháp luật; đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm có chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủ công nghiệp của địa phương để phục vụ khách du lịch.
Đây là giải pháp hết sức quan trọng góp phần đa dạng hóa dịch vụ, tăng chi tiêu của khách du lịch, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đồng thời hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh lữ hành, tạo ra sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao.
Đề xuất 4 nhóm giải pháp chấn chỉnh “tour 0 đồng”
Liên quan tới vấn đề “tour 0 đồng” với những nguy cơ làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch cần phải “trị tận gốc” việc bán đoàn khách đi tour giá rẻ, “tour 0 đồng”.
Theo đó, doanh nghiệp lữ hành nào của Việt Nam trực tiếp ký kết với doanh nghiệp nước ngoài về việc đón đoàn khách sẽ phải có trách nhiệm đối với khách vào Việt Nam cho đến khi khách rời Việt Nam mới hết trách nhiệm. Nếu du khách không được đảm bảo quyền lợi và xảy ra sự cố thì sẽ xử lý cả doanh nghiệp trực tiếp ký kết và doanh nghiệp nhận tiếp đón.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh cần đẩy mạnh quản lý để hình ảnh điểm đến Việt Nam vẫn hấp dẫn, khách vẫn đến, doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận, Nhà nước vẫn thu được thuế, người dân vẫn có việc làm thay vì gây ra phản ứng tiêu cực như hiện nay.
Điều quan trọng nhất là quyền lợi du khách phải được đảm bảo, không thể xảy ra tình trạng vì tour giá rẻ mà ép khách mua hàng, đồng thời chấn chỉnh tình trạng hướng dẫn viên trái phép, hướng dẫn viên sử dụng thẻ giả; doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phi pháp tại Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã đề xuất 4 nhóm giải pháp để xử lý, chấn chỉnh kinh doanh tour giá rẻ, “tour 0 đồng” nhằm giảm thiểu mặt tiêu cực của “tour 0 đồng”, duy trì tăng trưởng khách quốc tế đến.
Cụ thể là chủ động định hướng cho các địa phương có giải pháp mềm dẻo, linh hoạt để vừa quản lý tốt, vừa giữ được thị trường khách Trung Quốc; tập trung chấn chỉnh tình trạng khoán tour, lừa đảo ép khách mua hàng không đảm bảo chất lượng; xử lý sai phạm của các cửa hàng khép kín, chỉ bán cho khách du lịch Trung Quốc, đồng thời khuyến khích phát triển đa dạng hóa dịch vụ và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để bổ trợ, tăng chi tiêu tại chỗ của khách du lịch; giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên theo cách linh hoạt.