Chấn chỉnh hình ảnh nhếch nhác tại chợ nổi Cái Răng

(ĐTTCO) - Không chỉ là đầu mối mua bán hàng hóa, nông sản của địa phương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chợ nổi Cái Răng còn là điểm tham quan du lịch đặc sắc của thành phố Cần Thơ.
Thương hồ gặp khó khi vận chuyển hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng.
Thương hồ gặp khó khi vận chuyển hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng.

Tuy nhiên, gần đây, cảnh nhếch nhác, ô nhiễm trên sông và hai bên bờ, tình trạng chèo kéo khách... đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của khu chợ nổi độc đáo này.

Điều dễ thấy tại chợ nổi Cái Răng là sự lộn xộn, nhếch nhác của các hàng quán, ghe thuyền. Dự án kè bờ sông, ứng phó biến đổi khí hậu hai bên bờ sông đang được thành phố Cần Thơ thi công, vật tư xây dựng xếp ngổn ngang. Các bãi đất đá bị đào bới, xếp thành từng đống lớn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan của chợ nổi mà còn khiến các thương hồ gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa.

Ông Huỳnh Văn Hùng làm nghề kinh doanh ở chợ nổi Cái Răng cho biết, nhiều du khách khó chịu vì sự nhếch nhác của chợ nổi, cũng như tiếng ồn của việc thi công công trình.

Những thương hồ buôn bán nhiều năm tại chợ nổi Cái Răng cho biết, chợ càng ngày càng nhếch nhác, các xuồng lớn chở cát qua lại thường xuyên cùng những cảnh chèo kéo... khiến lượng khách ngày càng ít. Đời sống khó khăn khiến không ít thương hồ bỏ nghề, số còn lại cũng đang phải vật lộn mưu sinh. Mà thương hồ là những “nhân vật chính” ở chợ nổi Cái Răng, tạo nên cảnh giao thương với hàng hóa và ghe xuồng của mình.

Chị Phạm Thị Thu Hà có hơn 20 năm bán hàng ở chợ nổi Cái Răng, chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày thu nhập của gia đình tôi được khoảng 300 nghìn đồng, bây giờ có khi chỉ được khoảng 100 nghìn đồng. Chúng tôi chở ghe bán hoa quả, bây giờ hai bên sông đang xây dựng bờ kè, chỗ đổ hàng lên bờ bị thu hẹp dần. Cùng một lượng hàng, trước đây chỉ cần năm người để vận chuyển, bây giờ phải gấp đôi do hai bên bờ cát, đá quá nhiều. Nếu tình trạng này tiếp diễn, có khi chẳng bao lâu nữa chúng tôi phải bỏ thuyền lên bờ tìm việc khác”.

Theo một số hướng dẫn viên du lịch tại chợ nổi Cái Răng, nếu dự án kè hai bên bờ sông không được thi công nhanh thì chắc chắn lượng khách sẽ ít đi đáng kể. Bên cạnh đó, không có bãi tập kết nông sản thông thoáng tại bờ kè thì việc vận chuyển hàng hóa sẽ rất khó khăn.

Đại diện một công ty du lịch chia sẻ, bây giờ, khách ngồi xuồng khi nhìn lên toàn thấy cát đá, rồi lại thấy tiểu thương, hì hục chuyển đồ thì chẳng ai còn muốn tới. Cùng với đó, các vấn đề ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch chợ nổi đến nay vẫn chưa thể khắc phục được như việc “cò” chèo kéo khách tham quan. Có lần, công ty đưa đoàn khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đi tham quan chợ nổi, vừa đến nơi, “cò” đã vây quanh xe để chèo kéo, đến mức có người không dám xuống xe.

Nhiều du khách đã có cái nhìn thiếu thiện cảm về khu chợ nổi vốn là điểm tham quan hấp dẫn nhất thành phố Cần Thơ. Anh Phạm Trung, du khách từ Hà Nội, cho biết, cảm giác được đi thuyền xuôi dòng từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng và trải nghiệm văn hóa ẩm thực, chứng kiến cảnh mua bán hàng hóa trên sông nước khá thú vị.

Tuy nhiên, các loại hình du lịch ở đây chỉ ở mức “đi một lần cho biết” vì dịch vụ khá nghèo nàn. Chưa kể, khi đi thuyền, khách dễ dàng chứng kiến cảnh hàng quán quy hoạch thiếu bài bản. Rác thải trên sông rất nhiều, chứng tỏ ý thức thu gom rác thải, bảo vệ môi trường của các hộ kinh doanh lẫn du khách chưa cao...

Lo ngại những hình ảnh không đẹp sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chợ nổi Cái Răng, chính quyền thành phố Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh. Vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng năm 2023.

Theo đó, yêu cầu Ủy ban nhân dân quận Cái Răng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tác động của công trình xây dựng bờ kè sông đối với cuộc sống của thương hồ tại chợ nổi Cái Răng ngay trong quý II/2023. Cùng với đó, rà soát các hạng mục công trình mời gọi đầu tư xây dựng bến tàu, điểm dừng chân tại chợ nổi Cái Răng; các điều kiện sống thiết yếu (vệ sinh môi trường, điện, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh...) của thương hồ và khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ dân này để kịp thời có hỗ trợ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã có đề xuất tiếp tục phối hợp Viện Kinh tế Xã hội thành phố Cần Thơ hoàn chỉnh đề cương đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Chợ nổi Cái Răng đến năm 2030” trình Ủy ban nhân dân thành phố; tổ chức một số hoạt động biểu diễn nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử... trên loại hình phương tiện phù hợp vào đêm nhằm góp phần phát triển kinh tế đêm và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể...

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, trước mắt, cần thành lập Ban Quản lý chợ nổi Cái Răng để việc quản lý chợ được chặt chẽ; quan tâm đến văn hóa ứng xử của thương hồ; giải quyết vấn đề rác thải; tổ chức loại hình nghệ thuật để phát triển cả ngày lẫn đêm; thậm chí, quy hoạch bờ kè có thể bổ sung cửa, ngõ để làm vựa trái cây cho thương hồ...

Song song đó, thành phố tiếp tục điều chỉnh bổ sung đề án bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng được phê duyệt vào năm 2016; hoàn tất đề cương đề án đến năm 2030, thậm chí là tầm nhìn đến năm 2045 để mời gọi nhà đầu tư.

Các tin khác