Chân dung Thủ tướng trẻ nhất nước Pháp

(ĐTTCO) - Ngôi sao chính trị mới của nước Pháp, Gabriel Attal, đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất đất nước khi mới 34 tuổi, và là người đứng đầu chính phủ đồng tính công khai đầu tiên, khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm hôm 9-1.

Chân dung Thủ tướng trẻ nhất nước Pháp

“Macron thứ hai”

Là người trung thành với Macron lâu năm, Attal được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục trong cuộc cải tổ chính phủ gần đây nhất vào tháng 7-2023. Ngay sau khi đảm đương chức vụ này, Attal đã có một quyết định tạo sóng dư luận: Cấm abaya (loại váy dài truyền thống của phụ nữ Hồi giáo) ở các trường công lập.

Attal trích dẫn nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa thế tục trong không gian công cộng của Pháp khi ban hành lệnh cấm. Các chính trị gia cánh tả và trung tả cáo buộc ông vi phạm quyền cá nhân khi lợi dụng cử tri cánh hữu. Tuy nhiên, theo nhiều cuộc thăm dò ý kiến, ông vẫn là một trong những chính trị gia được yêu thích nhất ở Pháp.

Việc bổ nhiệm Attal có thể làm tiếp nối những chỉ trích rằng chính phủ của Macron theo chủ nghĩa tinh hoa, bởi Attal sinh ra trong một gia đình khá giả ở ngoại ô Paris và được đào tạo tại thủ đô nước Pháp, nơi ông lấy bằng từ Sciences Po và Đại học Paris-Panthéon-Assas. Attal sinh ngày 16-3-1989.

Cha ông là luật sư và nhà sản xuất phim mang nửa dòng máu Do Thái Alsace và một nửa gốc Do Thái Tunisia. Mẹ của ông mang dòng máu Pháp và Hy Lạp-Nga, từng là nhân viên một công ty sản xuất phim.

Chỉ trong hơn 1 thập niên (từ 2006), ông Attal đã thăng tiến từ một tân binh trong Bộ Y tế lên đến chức vụ nhà nước cao thứ hai ở Pháp. Tại Pháp, Thủ tướng chịu trách nhiệm thực thi chính sách đối nội, đặc biệt là các biện pháp kinh tế và điều phối đội ngũ bộ trưởng của chính phủ, trong khi Tổng thống là người nắm quyền lực đáng kể về chính sách đối ngoại và các vấn đề châu Âu, đồng thời là Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang của đất nước.

Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Eurasia Group, cho biết trong một bài phân tích bằng văn bản: Là người phát ngôn ban đầu cho phong trào chính trị trung dung của Marcon và cho chính phủ trong thời kỳ đại dịch, Attal được coi là “có sức lôi cuốn và hiếu chiến”.

Attal thậm chí còn được so sánh với Macron, người trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại khi đắc cử ở tuổi 39. “Gabriel Attal, Macron mới?” là tiêu đề trên tuần báo tin tức Le Point hồi tháng 9. Hôm 9-1, nhà lập pháp cánh tả Mathilde Panot đã đăng trên mạng xã hội: “Áp dụng câu châm ngôn ‘bạn không bao giờ được phục vụ tốt hơn một mình’, Macron quyết định bổ nhiệm một Macron trẻ”.

Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal ngày 11-1-2024 đã công bố nội các mới, trong đó “bạn trai” của ông là Stephane Sejourne được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng.

Mặc dù Macron không như kỳ vọng khi ông trở thành Tổng thống trẻ nhất lịch sử Pháp hiện đại, nhưng gần 7 năm cầm quyền của ông đã để lại dấu ấn. Xếp hạng ủng hộ của ông hiện khá thấp.

Ông đang ở trong tình thế khó khăn sau 1 năm bất ổn xã hội, được thúc đẩy bởi những cải cách không được lòng dân đối với hệ thống lương hưu của Pháp, vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên và luật nhập cư bảo thủ. Và đảng cực hữu ở Pháp đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6. Rahman đánh giá Macron đang cần “một khởi đầu mới và một gương mặt mới”.

Có thể Macron đang hy vọng rằng một phần “ánh sáng” của Attal sẽ truyền sang ông. “Gabriel Attal là Macron 2.0. Bằng cách bổ nhiệm anh ấy, Tổng thống kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ sự nổi tiếng, sự mới mẻ, năng lượng, sự thông minh và sự đột phá của một chính trị gia sáng sủa, trẻ trung, được giới truyền thông yêu thích và nhanh trí” - Sebastien Maillard, một cộng tác viên trong chương trình châu Âu của Chatham House, viết trong một email.

Việc bổ nhiệm Attal, người được coi là thuộc phe trung tả trong chính trường, cũng có thể là một nỗ lực của Macron nhằm cân bằng các mâu thuẫn chính trị. “Sau cải cách lương hưu và luật di cư được thông qua vào năm ngoái, nhiệm kỳ thứ hai của Macron được coi là nghiêng về cánh hữu. Với Attal, Tổng thống Pháp cố gắng quay trở lại cốt lõi của những gì đã tạo nên thành công chính trị của ông ở trung tâm của quang phổ” - Maillard nói.

Những thách thức của tân Thủ tướng

Mặc dù Attal dường như thuận buồm xuôi gió, nhưng ông sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược trong những tháng tới khi tìm cách giúp ông Macron củng cố di sản của mình và chống lại phe cực hữu. Anh sẽ phải xoa dịu các nhà lập pháp đang cảnh giác với chính phủ của Macron sau khi chính phủ này phớt lờ sự chấp thuận của họ để ban hành những thay đổi chính sách lớn.

Rahman nói: “Việc bổ nhiệm Attal là sự thừa nhận rằng giai đoạn cải cách triệt để của kỷ nguyên Macron đã kết thúc. Không có đa số trong Quốc hội và cũng không có hy vọng đạt được đa số trong cuộc bầu cử sớm, Macron buộc phải chuyển sang giai đoạn nhẹ nhàng hơn, đồng thuận hơn trong nhiệm kỳ tổng thống của mình”.

Thử thách lớn đầu tiên của Attal sẽ là giảm thiểu lợi ích của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Giới phân tích tin rằng Attal sẽ trở thành gương mặt đại diện trên thực tế của Chủ nghĩa Macron trong các cuộc bầu cử ở châu Âu.

Ông Macron hy vọng Attal sẽ có thể thu hẹp khoảng cách dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu của phe cực hữu, dẫn đầu bởi phó của bà Marine Le Pen, Jordan Bardella, người cũng là người đáng tin cậy và có sức ảnh hưởng công chúng, và thậm chí còn trẻ hơn ở tuổi 28.

Nhà phân tích Maillard cho biết sự cạnh tranh giữa Attal và Bardella sẽ vượt xa sự cạnh tranh giữa Macron và nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen khi Macron đang tranh cử nhiệm kỳ đầu tiên tại vị. “Nếu Attal thành công, anh ấy chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm chính trị của Macron trong cuộc đua tổng thống vào năm 2027” - Maillard nói.

Attal hiện sống với “bạn trai” là Stéphane Séjourné. Ông Séjourné (sinh năm 1985) là một luật sư, chính trị gia người Pháp được bầu làm Thành viên Nghị viện châu Âu năm 2019. Ông Séjourné đã cố vấn cho ông Emmanuel Macron trong chiến dịch bầu cử tổng thống Pháp năm 2017. Năm 2022, ông Séjourné trở thành Tổng thư ký của Đảng Phục hưng.

Các tin khác