PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau dịch xu hướng du lịch của người dân đã có những thay đổi như thế nào. Ngành du lịch cần có những chương trình kích cầu ra sao để mang lại hiệu quả tốt trong thu hút khách, nhất là khi sắp vào cao điểm hè?
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ: - Sau dịch du khách đã có những thay đổi khá mạnh mẽ, ưu tiên chọn những điểm đến có tính an toàn cao, di chuyển bằng phương tiện cá nhân và đi những chuyến ngắn ngày, có cự ly gần trong nội vùng. Mùa hè năm nay sẽ ngắn hơn (khoảng 6-7 tuần) nhưng là cơ hội tốt cho du lịch hồi phục.
Để phục vụ tốt nhất cho du khách, ngành du lịch phải xác định tiêu chí đầu tiên là an toàn (điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn), từ đó xây dựng những sản phẩm an toàn và thân thiện. Đồng thời ngành du lịch phải liên kết với nhau thật chặt chẽ.
Theo đó, cả hệ thống phải liên kết với nhau từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm tham quan… mỗi đơn vị phải chấp nhận chịu thiệt trong giai đoạn đầu để mang đến sản phẩm du lịch với giá tốt, chất lượng đảm bảo nhằm kéo du khách quay trở lại.
Nói đây là thời điểm vàng để di du lịch vì có nhiều đơn vị lữ hành đã tung ra những sản phẩm với mức giảm giá lên tới 40-50%. Làm được như vậy bởi hàng không tung ra nhiều đường bay 0 đồng, dịch vụ lưu trú cũng giảm 30-40%, các điểm tham quan giảm 70%.
Các công ty lữ hành xây dựng lại thành tour để bán cho du khách. Lúc này không ai bàn đến lợi nhuận chỉ giải bài toán làm sao phát động được thị trường khách, vì nếu không có khách mọi chương trình cũng vô nghĩa.
- Lâu nay việc liên kết giữa các đơn vị trong ngành du lịch vẫn khá lỏng lẻo, thậm chí khi Hiệp hội Du lịch tung ra liên minh kích cầu du lịch, nhiều người cho rằng chỉ mang tính “thời vụ”. Vậy làm sao để liên kết, liên minh được vững vàng, thưa ông?
- Đúng là trước dịch liên kết giữa các đơn vị trong ngành du lịch khá lỏng lẻo, vì khi đó lượng khách nhiều, sức ép thị trường không lớn, mỗi đơn vị chạy một cách vẫn có khách.
Nhưng trong giai đoạn sau dịch, bước vào trạng thái bình thường mới, tức tất cả đều không có khách, liên kết này đòi hỏi phải chặt chẽ và thực chất để kéo khách trở lại. Mắt xích nào kết nối không thực chất sẽ bị loại khỏi hệ thống ngay.
Việc hình thành liên minh kích cầu du lịch vào thời điểm tháng 2 vừa qua, ở góc nhìn tích cực có thể thấy chúng ta có tính đối phó nhanh nhưng không duy trì lâu dài, không tạo được tính bền vững trong du lịch. Để tạo nền móng phát triển du lịch bền vững, các mối quan hệ trụ cột phải được xây dựng, nuôi dưỡng thường xuyên trong khuôn khổ với những quy trình rõ rệt.
Trong đó, vai trò Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng như hiệp hội du lịch địa phương hết sức quan trọng. Cùng với đó cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh/thành) cũng phải có trách nhiệm. Cuối cùng là vai trò của DN. Nếu không có liên kết của 3 hệ thống này, chúng ta sẽ mãi ăn đong, đối phó.
- Kích cầu, giảm giá các tour du lịch đang được triển khai trên diện rộng. Nhưng giai đoạn này cần có thêm những giải pháp đột phá cho du lịch?
- Tôi đang kiến nghị Nhà nước áp dụng chính sách hỗ trợ cho du khách khi đi du lịch nội địa. Cụ thể, du khách khi đến đăng ký tour tại công ty lữ hành sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và số tiền này được trừ vào tiền mua tour. Khoản tiền này được DN hạch toán bình thường nhưng Nhà nước sẽ hỗ trợ lại bằng cách trừ vào thuế VAT của DN.
Với cách làm trên, nếu với quy mô 10 triệu khách đi du lịch, Nhà nước sẽ chi ra khoảng 10.000 tỷ đồng cho gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, nếu du khách bỏ ra 3 triệu đồng cho 1 tour du lịch nội địa, DN sẽ thu về được 30.000 tỷ đồng.
Và với nguyên tắc lan tỏa của du lịch, công ty du lịch thu 3, xã hội thu 7, dòng tiền chảy vào xã hội khoảng 70.000 tỷ đồng. Từ đó, hàng trăm ngàn người lao động có việc làm, hàng ngàn công ty sẽ hoạt động trở lại.
Tôi cho rằng chính sách này vừa có tác dụng thúc đẩy nhu cầu nội địa, khuyến khích người dân đi du lịch, vừa đem lại nguồn thu cho DN và Nhà nước. Nếu Chính phủ có chính sách tốt, thực hiện chiến dịch kích cầu hiệu quả, quy mô thị trường nội địa từ nay đến cuối năm sẽ đạt khoảng 35 triệu lượt khách.
Trên thực tế việc hỗ trợ tiền cho du khách đi trong nước đã có nhiều quốc gia tiến hành. Thí dụ, Nhật Bản đã 3 lần liên tiếp thực hiện trong các đợt khủng hoảng và đều rất thành công.
- Với Vietravel từ thời điểm mở cửa trở lại đến nay đã có những dấu hiệu tích cực cho việc phục hồi hay chưa. Dự báo từ nay đến cuối năm sẽ như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi mở cửa trở lại từ ngày 13-5 và đến nay đã thu hút được hơn 10.000 lượt khách, với doanh thu trên 70 tỷ đồng. Đây cũng là tín hiệu hết sức tích cực vì chúng ta đang đi từ vạch xuất phát không còn khách đến khi khách quay trở lại.
Tuy nhiên Vietravel với 3 nhánh thị trường là khách nội địa, khách inbound, khách outbound, nên theo tính toán ban đầu năm nay nếu Việt Nam mở cửa thị trường sớm (trong tháng 7) Vietravel thiệt hại khoảng 40%, còn mở muộn thiệt hại sẽ khoảng 60%.
Chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ mở cửa một số thị trường an toàn vào tháng 7 theo nguyên tắc “tôi an toàn - bạn an toàn - chúng ta cùng an toàn”. Hiện nay chúng ta đang lo ngại việc dịch trở lại nên cần có sự chọn lọc nhưng cũng không thể đóng cửa quá chặt, vì nếu như vậy có thể để mất cơ hội vào tay các nước khác.
Việt Nam đã thành công trong việc từng bước khống chế dịch nhưng chúng ta cũng cần tính đến các bước đi nhanh để phục hồi kinh tế, trong đó có ngành du lịch.
- Xin cảm ơn ông.