Chấp nhận 'sống chung' với nợ xấu nhưng phải minh bạch

(ĐTTCO) - Nợ xấu của hệ thống ngân hàng (NH) đã phình to, thậm chí có nơi tăng gấp đôi gấp ba trong năm 2023, dù Thông tư 02/2023/TT-NHNN (TT02) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, vẫn đang có hiệu lực.

Chấp nhận 'sống chung' với nợ xấu nhưng phải minh bạch

Chưa dừng lại ở đó, nợ xấu còn được dự báo sẽ tăng tiếp trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và kinh tế chưa hồi phục rõ rệt.

Nợ xấu năm 2023 phình to

Theo thống kê, tính đến 31-12-2023, tổng dư nợ tại 28 NH đã công bố báo cáo tài chính gần 10,06 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Đáng chú ý, so với đầu năm, tất cả các NH đều tăng trưởng tín dụng dương, nhưng tổng nợ xấu tại 28 NH cũng tăng rất mạnh, thời điểm cuối năm 2023 gần 195.000 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm.

Vietbank là NH duy nhất có tổng dư nợ xấu nội bảng sụt giảm trong năm 2023 (giảm 10,9% xuống 2.071 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm), các NH còn lại đều có nợ xấu phình to.

Trong bảng xếp hạng nợ xấu, BIDV đứng vị trí thứ 2 trong Top 10 NH có số dư nợ xấu cao nhất hệ thống, với 22.229 tỷ đồng (tăng 22,9% so với năm 2022). VietinBank ở vị trí thứ 3 với 16.608 tỷ đồng (tăng 5%), Vietcombank đứng thứ 6 với 12.455 tỷ đồng (tăng 59,9%). VPBank có số dư nợ xấu cao nhất hệ thống với mức 28.344 tỷ đồng (tăng 12,8%).

Đáng chú ý, nhiều NH có mức tăng nợ xấu bằng lần. Số dư nợ xấu năm 2023 của Techcombank đạt xấp xỉ 6.000 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2022, từ 0,71% tăng lên 1,16%. Khối nợ xấu của MSB cũng tăng hơn gấp đôi, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,71% thời điểm đầu năm lên đến 2,87% vào cuối năm 2023.

TT02 có mục đích tốt, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, gia hạn TT02 phải thay đổi hình thức và nội dung. Đồng thời, cần sớm phát triển thị trường mua, bán nợ của NHTM tại Việt Nam để hỗ trợ cho hoạt động xử lý nợ xấu tương lai khi các cơ chế hỗ trợ đóng lại.

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU

Thậm chí, TPBank ghi nhận nợ xấu tăng gấp 3 lần cuối năm 2022 lên 4.200 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ xấu, nợ nghi ngờ (nhóm 4) của 28 NH tăng mạnh nhất với mức tăng 78%, kế đó là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 30%, và nợ dưới chuẩn (nhóm 3) tăng 27%.

Cả năm 2023, có đến 22/28 NH tăng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay so với đầu năm. Trong đó, có 5 NH tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng cho phép 3%.

Nhưng lại khó xử lý

Năm 2024, giới phân tích dự báo rủi ro nợ xấu sẽ tiếp tục tăng lên. Vì tăng trưởng tín dụng nhằm “hòa tan tan nợ xấu”, khó giữ được tốc độ tăng trưởng như 2 tháng cuối năm 2023, cũng như các động lực tăng trưởng kinh tế 2024 chưa có nhiều chuyển biến rõ ràng. Ngoài ra còn có các khoản nợ xấu tiềm ẩn, vì các NH vẫn đang cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo TT02.

Số liệu từ NHNN cho biết, sau gần 8 tháng triển khai TT02 (lũy kế từ ngày 24-4-2023 đến 30-11-2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp hồi phục chậm. Lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn kỷ lục vào năm 2024 trong bối cảnh thị trường bất động sản dự báo chưa có nhiều đột phá. Hàng loạt vấn đề trên cho thấy, khả năng trả nợ của khách hàng sẽ còn bị ảnh hưởng.

Đầu năm nay, Luật Các TCTD (sửa đổi) bổ sung các quy định đối với 4 nhóm vấn đề lớn, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo hướng luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14. Tuy nhiên, đây chưa phải tin vui, vì không như kỳ vọng của các nhà băng, tức quyền thu giữ tài sản bảo đảm tại Nghị quyết 42 có tác động lớn đến việc xử lý nợ xấu đã không được đưa vào Luật.

Theo đó, tương lai sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi nợ, vì nếu người vay cố tình không trả nợ hoặc không bàn giao tài sản đảm bảo để xử lý, phía NH cũng sẽ không thể làm gì được. Đây là vấn đề “căng” đối với hệ thống NH trong thời gian tới.

Hòa hoãn nhưng cần minh bạch

Ở thời điểm hiện tại, trước tình trạng nợ xấu dâng cao, lãnh đạo các NH đã đồng loạt kiến nghị NHNN gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo TT02, để tạo điều kiện cho các NH giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng nhằm góp phần kìm hãm sự gia tăng của nợ xấu. Bởi khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần, nhưng vẫn cần có thêm thời gian vì thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Lãnh đạo một NH đề xuất NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 31-12-2024, và đề nghị phân bổ trích lập dự phòng bổ sung trong 3 năm, tối đa đến ngày 31-12-2025 trích đủ 100%; với các khoản nợ được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho phép TCTD không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh nhóm nợ theo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) ngay trong kỳ phân loại nợ.

Trong cuộc họp với các NH, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, NHNN nhất trí với chủ trương kéo dài TT02. Tuy nhiên, thời gian kéo dài thêm bao lâu, trong nửa năm hay một năm, cần có đánh giá kỹ hơn. Phó Thống đốc đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan thanh tra, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ đề xuất cơ chế và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I-2024.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) chia sẻ, việc gia hạn TT02 là bắt buộc. Bởi không gia hạn, nợ xấu sẽ gia tăng và các doanh nghiệp sẽ bị phát mãi tài sản cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế. Song nếu gia hạn, cần sửa đổi thông tư này rõ hơn. Cụ thể là các NH vẫn phải báo cáo 2 con số: một con số là nợ xấu thực tế và một con số là nợ xấu được giãn nợ, hoãn nợ theo TT02.

Vì hiện nay nếu tính đầy đủ, nợ xấu NH sẽ cao hơn rất nhiều so với con số công bố. Chính vì thế, thị trường không biết rõ tình hình sức khỏe của hệ thống tài chính, hệ thống NH như thế nào. Khi không minh bạch, có thể gây rủi ro và thiệt hại đối với những bên có liên quan và cả nền kinh tế.

Các tin khác