Châu Phi bị đánh cắp (K2): Móc túi người dân

Đa số người dân châu Phi có thu nhập thấp. đã vậy, họ còn bị móc túi những đồng tiền còm cõi của mình bởi hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đa số người dân châu Phi có thu nhập thấp. đã vậy, họ còn bị móc túi những đồng tiền còm cõi của mình bởi hàng giả, hàng kém chất lượng.

Hàng dỏm tràn ngập

Châu Phi với hơn 800 triệu dân sinh sống là châu lục đứng thứ 3 trên thế giới về dân số nhưng lại là châu lục đứng nhất về mức độ đói nghèo. Dù giàu tài nguyên nhưng thu nhập đến với các nước châu Phi hoặc nhanh chóng chảy vào túi các chủ đầu tư nước ngoài và quan chức tham nhũng, hoặc phải dùng để thanh toán các khoản vay nợ nên hầu hết châu Phi nghèo vẫn hoàn nghèo. Giá nhân công rẻ mạt, người dân khốn khó.

Đã vậy, lợi dụng trình độ nhận thức của người dân thấp kém cũng như hoàn cảnh khó khăn buộc họ phải mua hàng giá rẻ, những tay buôn ma lanh đã mang hàng kém chất lượng, hàng giả đổ vào châu Phi. Trong dòng hàng giá rẻ thì đồ “made in China” xâm chiếm thị trường.

Ước tính trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, chỉ riêng các nước Kenya, Uganda, Rwanda, Burundi và Tanzania đã thiệt hại hơn 600 triệu USD mỗi năm vì hàng giả của Trung Quốc.

“Bãi rác” của phương Tây

Cùng lúc, do nhu cầu sử dụng hàng công nghệ ngày càng tăng nhưng khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế và túi tiền quá ít ỏi, nên người dân châu Phi chuộng dùng hàng điện tử second hand, khiến cho châu lục này trở thành điểm đến yêu thích của các thứ đồ điện tử đã qua sử dụng ở phương Tây.

Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, mỗi năm có 20-50 triệu tấn rác điện tử nên đối với giới công nghiệp chất thải, có thể nói “đánh hàng” sang châu Phi là một công đôi chuyện, vừa có chỗ “đổ rác” miễn phí, vừa thu được tiền “bán rác”.

Thế nên, mặc cho các quy định quốc tế ngăn chặn mang rác thải điện tử đổ sang các nước đang phát triển, hàng núi rác điện tử phương Tây vẫn chồng chất ngày càng cao ở châu Phi.

Đặc biệt, 2 nước Ghana và Nigeria đang nổi lên như những mục tiêu mới của hàng điện tử đã qua sử dụng. Theo tổ chức môi trường BAN có trụ sở ở Seattle (Hoa Kỳ), mỗi tháng có khoảng 500 container các thiết bị điện tử second hand nhập khẩu vào Nigeria.

Và theo các nguồn tin địa phương ở Ghana và Nigeria, chỉ chừng 25% các loại hàng đã qua sử dụng nhập từ phương Tây có thể sử dụng, phần còn lại thật ra là rác điện tử vì không thể sử dụng hay sửa chữa gì được nữa. Những thứ vô dụng không thể bán bị vứt bỏ ở các bãi rác “chui”.

Phần lớn chúng chứa những thành phần độc hại như chì, thủy ngân, clo dioxin. Tổ chức Hòa Bình Xanh cho biết trong các mẫu xét nghiệm thu thập tại một bãi rác điện tử ở thủ đô Accra của Ghana, hàm lượng kim loại độc hại cao gấp 100 lần mức bình thường, đe dọa môi trường và sức khỏe người dân.

Thuốc giả hại chết người

Bất nhẫn hơn, hầu hết hàng giả tuồn vào châu Phi là dược phẩm. Ở châu Phi, không hiếm những cảnh đau lòng khi các gia đình nghèo khó vét đến đồng tiền cuối cùng đi mua thuốc chữa bệnh cho người thân, nhưng người thân chẳng những không thuyên giảm mà còn bệnh trầm trọng hơn.

Họ không hay biết rằng mình là nạn nhân của thuốc giả, mà nếu như có nghi ngờ đi nữa họ cũng chỉ còn cách chấp nhận may nhờ rủi chịu khi mà dược phẩm giả tràn lan ở thị trường châu Phi.

Các vấn đề y tế cấp bách của châu lục, sự yếu kém của bộ máy quản lý, nhận thức kém của người dân đều là những yếu tố biến châu Phi thành điểm tập kết thuốc giả. Những nhà sản xuất vô lương tâm đã cho ra lò những thứ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, hoặc thậm chí không hề chứa bất kỳ thành phần dược phẩm nào trong đó.

Do tính chất không chính thức của hệ thống y tế châu Phi nên khó theo dõi dữ liệu chính xác. Dù vậy, một số nghiên cứu gần đây cho chúng ta biết rằng khoảng 1/3 thuốc chống sốt rét ở Uganda và Tanzania là thuốc giả hoặc kém chất lượng.

Thuốc giả, đặc biệt thuốc chống sốt rét, đã đẩy nhiều bệnh nhân châu Phi vào lưỡi hái của tử thần.

Thuốc giả, đặc biệt thuốc chống sốt rét,
đã đẩy nhiều bệnh nhân châu Phi vào lưỡi hái của tử thần.

Phần lớn thuốc giả có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ. 2 quốc gia này có các cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới cả về nguyên liệu thuốc và thuốc thành phẩm. Chánh Thanh tra dược phẩm của Uganda David Nahamya tiết lộ: “Những gì chúng tôi biết là nếu một ai đó muốn làm giả một thứ thuốc nào đó, họ chỉ cần mang mẫu sang Trung Quốc và người Trung Quốc sẽ nhân bản nó ra hàng loạt”.

Laurie Garett, quan chức theo dõi y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại Hoa Kỳ, cho biết: “Chưa ai thống kê xem bao nhiêu người dân châu Phi đã chết vì thuốc giả, nhưng chắc chắn vai trò của Trung Quốc trong bi kịch này là rất lớn”.

Các chuyên gia báo động thuốc giả vừa vô dụng, vừa có thể khiến bệnh nhân tử vong. Nguy hiểm hơn, các chuyên gia đã nhận thấy những dấu hiệu thuốc giả gây ra tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc ở khu vực Đông Phi, có nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng y tế ở nhiều nước châu Phi.

Nick White, Chủ tịch Mạng lưới toàn cầu chống sốt rét (Wwarn), nói: “Đó là một vấn đề lớn nhưng do nó không có vẻ sôi sục sắp phun trào mà âm thầm diễn tiến trong một thời gian dài nên người ta ít để ý tới”. Trong khi đó, vì những mối quan hệ lợi ích thâm sâu nên các bên liên quan (chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các công ty dược) cũng không sẵn lòng công bố tai họa thuốc giả sát thủ ở châu Phi là một cuộc khủng hoảng y tế.

Các tin khác