Từ công ty suýt phá sản 'vụt sáng' thành Top 7 toàn cầu

(ĐTTCO) - Từ công ty suýt phá sản và liên tục chịu sự điều tra của các cơ quan quản lý liên bang, nhưng hiện nay Tesla lại là tập đoàn có vốn hóa lớn thứ 7 trên thế giới.

Từ công ty suýt phá sản 'vụt sáng' thành Top 7 toàn cầu

Khởi đầu suôn sẻ

Tháng 7-2003, các kỹ sư Thung lũng Silicon Martin Eberhard và Marc Tarpenning chính thức thành lập Tesla Motors (tên của nhà phát minh kỹ sư người Mỹ gốc Serbia nổi tiếng Nikola Tesla). Sau đó, Ian Wright, nhân sự thứ ba của công ty, đã tham gia cùng cặp đôi này.

Đến tháng 2-2004, Elon Musk tham gia vào công ty với tư cách là nhà đầu tư lớn nhất, thông qua số tiền mặt kiếm được từ việc bán cổ phần tại PayPal. Kế đến là J.B. Strausel với tư cách là Giám đốc kỹ thuật. Cả 5 người đàn ông đều được coi là những người đồng sáng lập.

Nguyên mẫu xe Tesla Roadster lần đầu tiên được Tesla tiết lộ vào tháng 7-2006, trước khi bắt đầu giao hàng 2 năm sau đó. Roadster là chiếc xe điện đầu tiên của Tesla, nên sự ra đời của nó là bước ngoặt cho kỷ nguyên mới của xe điện. Tesla đã bán 2.450 chiếc Roadster với giá 109.000 USD/chiếc cho đến khi dòng xe này ngừng sản xuất vào tháng 1-2012.

Những người nổi tiếng mua xe này bao gồm: diễn viên George Clooney, diễn viên Matt Damon, nhạc sĩ Michael “Flea” Balzary, cựu Thống đốc California kiêm ngôi sao điện ảnh Arnold Schwarzenegger.

Thời kỳ khó khăn

Cuối những năm 2000 là thời kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp Mỹ và ngành công nghiệp ô tô. Chrysler và General Motors đều bị phá sản do cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, trong khi Ford Motor cũng lao đao. Tháng 12-2008, đến lượt Tesla tiến đến bờ vực sụp đổ với dự báo sẽ hết tiền vào đêm Giáng sinh.

Trong nỗ lực tuyệt vọng để huy động 20 triệu USD vốn cổ phần mới để duy trì Tesla, Musk đã chuyển sang các nhà đầu tư của mình. Tuy nhiên, một nhà đầu tư lớn là VantagePoint Capital do Alan Salzman đứng đầu đã phản đối kế hoạch này.

Musk và Salzman đã bất đồng quan điểm trong nhiều tháng về định hướng chiến lược của Tesla. Salzman ủng hộ Tesla trở thành nhà cung cấp bộ pin cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống như Chrysler. Còn Musk phản đối kịch liệt, tin rằng động thái như vậy sẽ là một sai lầm khi xét đến tình trạng tồi tệ của ngành công nghiệp ô tô truyền thống.

Musk kể: "Salzman khăng khăng rằng chúng tôi phải gắn bó với một công ty ô tô lâu đời, trong khi tôi nghĩ rằng con tàu đó thực sự đang chìm". Căng thẳng leo thang đến mức Salzman cố gắng loại Musk khỏi vị trí CEO của Tesla trong một cuộc họp HĐQT không chính thức. Kimbal Musk, ông trai của Elon và là thành viên HĐQT, đã phản đối kịch liệt động thái này và chặn cuộc bỏ phiếu nhằm loại Elon Musk.

Salzman yêu cầu Musk đến thăm văn phòng của VantagePoint để phác thảo nhu cầu vốn của Tesla, một động thái khiến Musk tức giận hơn nữa. Cuộc họp được lên lịch vào lúc 7 giờ sáng, thời gian không phù hợp với lịch trình thức khuya của Musk. Musk cảm thấy Salzman cố tình gây khó khăn cho ông.

Trước sự sống còn của Tesla, Musk không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách vượt qua quyền phủ quyết của Salzman. Ông đã tái cấu trúc kế hoạch tài chính để tránh phát hành thêm vốn chủ sở hữu và thay vào đó là gánh thêm nợ. Số phận của Tesla phụ thuộc vào cuộc hội nghị đêm Giáng sinh.

Trong hội nghị đó, VantagePoint, cùng với các nhà đầu tư khác, cuối cùng đã ủng hộ kế hoạch của Musk. Quyết định giải cứu vào phút chót này đã ngăn Tesla khỏi phá sản và bảo vệ giấc mơ xe điện vào thời điểm các công ty ô tô lớn của Mỹ đã từ bỏ sản xuất xe điện.

“Nếu mọi chuyện diễn ra theo hướng khác, Tesla sẽ chết và có thể là giấc mơ về xe điện trong nhiều năm. Vào thời điểm đó, tất cả các công ty ô tô lớn của Mỹ đã ngừng sản xuất xe điện” - Musk kể lại.

Đối mặt kiện tụng chết người

Năm 2016, Elon Musk đã đưa ra lời hứa đầu tiên liên quan đến Autopilot và sau đó là hệ thống hỗ trợ người lái xe tự lái hoàn toàn. Ông nói Tesla sẽ có thể lái xe tốt hơn con người trong vòng 3 năm. Ông cũng cam kết chủ sở hữu có thể "triệu hồi" một chiếc Tesla "bất cứ nơi nào được kết nối bằng đường bộ và không bị chặn bởi biên giới"; tính năng này có giới hạn khoảng cách là 213 feet (64,9m), theo hướng dẫn sử dụng Model Y của Tesla.

Cuối năm đó, nhiều người đã tử vong trong các vụ việc liên quan, bao gồm Joshua Brown ở Ohio. Người đam mê Tesla này đã tử vong ở Florida sau khi chiếc Model S của ông đâm vào một chiếc xe tải, sau đó các cơ quan quản lý an toàn ô tô của Mỹ xác định nguyên nhân do quá phụ thuộc vào Autopilot. Vụ tai nạn là ca tử vong đầu tiên liên quan đến Autopilot tại Mỹ.

Sau đó còn một số vụ tai nạn xảy ra và dẫn đến kiện tụng. Tháng 10 năm ngoái, Tesla đã giành chiến thắng trong phiên tòa xét xử đầu tiên của bồi thẩm đoàn tại Mỹ về vụ tai nạn Autopilot gây tử vong.

Tuy nhiên, công ty phải đối mặt với ít nhất một chục vụ kiện khác ở nước này. Tesla cũng thấy mình đang gặp rắc rối với các cơ quan quản lý, người tiêu dùng và nhà đầu tư, những người cho rằng hoạt động tiếp thị FSD và Autopilot của công ty là gây hiểu lầm và lừa dối.

“Hồi sinh” Tesla

Những vụ tai nạn và các vụ kiện đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào Tesla lẫn Elon Musk. Năm 2018, cả thế giới đều tin rằng Tesla đang trên bờ vực phá sản. Mercedes thậm chí đưa ra dự đoán rằng công ty "sẽ phá sản vào mùa hè". Hãng BMW thì cho rằng Tesla sẽ chẳng bao giờ có thể sản xuất đại trà, trong khi tờ Wall Street khẳng định trường hợp của Tesla là một "cơn ác mộng về sản xuất".

Musk đã xác nhận điều đó trong một dòng Tweet của ông vào tháng 3-2020, cho biết trong giai đoạn từ năm 2017-2019, công ty đã nhiều lần đứng trước bờ vực phá sản chỉ 1 tháng do việc sản xuất Model 3 khó khăn. Ông gọi thời điểm đó là “địa ngục sản xuất và hậu cần”.

Elon Musk quyết định chuyển vào sống ngay tại nhà máy, mang theo quyết tâm và cả chiếc gối của mình. Musk sau đó đã tự mình kiểm tra từng trạm sản xuất, tự viết lại mã phần mềm khi cần thiết. Ông cũng không ngần ngại sa thải ngay lập tức những quản lý không cùng chí hướng; và có thể gọi nhà cung cấp lúc 3 giờ sáng để lấy linh kiện.

Một đêm, các công nhân còn phát hiện ông lấm lem dầu nhớt khi đang sửa một chiếc Model 3 mà các kỹ sư khác đã "bỏ cuộc". Ông nói với các kỹ sư: "Hoặc là chúng ta sửa chúng, hoặc sẽ tiêu đời!".

Và phép màu đã bắt đầu diễn ra. Tuần đầu tiên, công ty nhận được đơn đặt hàng 202 chiếc Model 3. Đến tháng thứ 3, công ty nhận đơn sản xuất 5.000 chiếc/tuần. Và đến cuối năm, Tesla lần đầu tiên có lãi, tiếng cười nhạo của những ông lớn ngành ô tô bắt đầu dừng lại.

Tesla từ một đối tượng bị cười nhạo đã trở thành mối đe dọa thực sự, chuyển mình mạnh mẽ và bắt đầu khiến cả ngành công nghiệp phải dè chừng. Tesla không chỉ tồn tại, mà còn bùng nổ mạnh mẽ.

Các hãng ô tô truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm và có hàng tỷ USD trong kho dự trữ, nhưng ngày nay, giá trị của Tesla mới thành lập 21 năm đạt 1.030 tỷ USD lớn hơn tổng giá trị của Big 4 ngành ô tô truyền thống là Toyota, GM, Ford và BMW cộng lại.

Các tin khác