Châu Phi đang trỗi dậy?

(ĐTTCO) - Một cơn gió mới đang thổi qua lục địa châu Phi, đánh thức sự tự tin của những quốc gia từ bờ biển đại dương đến chảo lửa Sahara. Đầu tháng 8, lãnh đạo của 17 quốc gia châu Phi đã tham dự cuộc họp chính thức tại Nga.
Các cường quốc trên thế giới đang cạnh tranh về tầm ảnh hưởng ở lục địa đen (Trong ảnh: Lãnh đạo của 17 quốc gia châu Phi đã tham dự cuộc họp chính thức tại Nga vào đầu tháng 8 vừa qua).
Các cường quốc trên thế giới đang cạnh tranh về tầm ảnh hưởng ở lục địa đen (Trong ảnh: Lãnh đạo của 17 quốc gia châu Phi đã tham dự cuộc họp chính thức tại Nga vào đầu tháng 8 vừa qua).

Cũng như Nga, các cường quốc khác đang nỗ lực cạnh tranh về tầm ảnh hưởng và quyền tiếp cập tài nguyên tự nhiên ở lục địa đen.

Thay đổi vai trò

Vào giữa tháng 6, 4 nguyên thủ châu Phi đã lên tàu hỏa tại Ba Lan để đến Ukraine, với mục tiêu: kết thúc xung đột ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Phi đã gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Kyiv, sau đó gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow.

Dù sáng kiến của châu Phi không mang lại bước tiến đột phá, nhưng đối với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và những người đồng cấp đến từ Senegal, Uganda và Congo, đó vẫn là một thành công, ít nhất vì những hình ảnh nó tạo ra. Thông điệp của họ: Châu Phi không còn hài lòng với việc chỉ thụ động nhận những can thiệp từ bên ngoài, mà đã là người chơi chủ động trong việc hình thành các vấn đề toàn cầu. Trước kia, các nhà lãnh đạo từ bán cầu Bắc đến châu Phi để điều phối giải quyết các cuộc khủng hoảng và xung đột, nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi.

Cuộc đua tại châu Phi không chỉ là cạnh tranh về tài nguyên quý của các nước lớn, còn mang trong mình sự mâu thuẫn và khó khăn giữa lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Lục địa đen vốn được xem như vùng gây rối, giờ đây là đối tác chiến lược được các cường quốc lớn quan tâm mạnh mẽ. Bởi tài nguyên của châu Phi, trong đó có dầu mỏ và khí đốt, cũng như lithium và cobalt… ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Các nhà lãnh đạo và công ty từ khắp nơi trên thế giới đang xếp hàng tại Senegal, Congo và Namibia. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và hiện nay cả châu Âu đều cố gắng tạo dựng tầm ảnh hưởng tại châu Phi thông qua các dự án hạ tầng. Một số người thậm chí nói về một cuộc "chạy đua mới tại châu Phi", ngầm so sánh với cuộc chinh phục thuộc địa thế kỷ 19 và 20 cũng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đối tượng săn đón

Moscow đang gửi những đội quân Wagner tới nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có Mali. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang cố gắng thực hiện các chiến lược hấp dẫn tại châu Phi để tránh mất thêm các quốc gia vào tay Moscow và Bắc Kinh. Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi giờ đây tự tin hơn. Họ có thể lựa chọn đối tác của mình, điều quan trọng là ai có đề nghị tốt nhất: Nga, Trung Quốc, Mỹ hay EU?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tích cực cạnh tranh thu hút sự quan tâm của châu Phi. Ngày 3-8, ông đã đón tiếp đại diện từ khoảng 50 quốc gia châu Phi, bao gồm 17 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, tại cuộc hội nghị ở St. Petersburg. Trong tương lai, cuộc cạnh tranh đối với tài nguyên tại châu Phi có thể ngày càng leo thang. Các cường quốc trên thế giới đang đổ về đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư và chiếm lĩnh thị trường.

Trung Quốc từ lâu đã nắm giữ vị trí đáng kể trong việc khai thác tài nguyên ở châu Phi, thông qua các hợp đồng khai thác khoáng sản và dự án hạ tầng. Nga cũng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua việc hỗ trợ quân sự và các thỏa thuận năng lượng.

Phương Tây, vốn đã có sự hiện diện và ảnh hưởng sâu rộng trước đây, lại đang phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể từ các đối thủ mới. Việc phải đối đầu với Trung Quốc và Nga trong cuộc đua tranh tài nguyên tại châu Phi, đã đặt ra thách thức mới cho các nước phương Tây, yêu cầu họ phải tìm cách tạo ra các đề xuất và chiến lược hấp dẫn hơn để cạnh tranh trong thị trường này.

Trong thời kỳ thực dân, các nước thống trị đã khai thác tài nguyên lục địa này và gửi chúng về châu Âu. Sau khi các quốc gia độc lập, các nước phương Bắc vẫn tiếp tục khai thác tài nguyên lục địa này, để lại sự nghèo đói và thiệt hại môi trường, cùng với tầng lớp quan chức tham nhũng cho các nước châu Phi.

Mâu thuẫn

Cộng hòa Dân chủ Congo đã trải qua thập niên nội chiến và bất ổn do cuộc đua tranh chấp tài nguyên. Tuy nhiên, trong thời đại hiện đại, cuộc đua này không còn bắt đầu bằng vũ khí cận chiến, thay vào đó nó tiến xa hơn với những thế trận chiến thuật tinh vi, như tại thị trấn Manono ẩn sâu ở phía Đông Nam Congo. Manono hiện đã trở thành nơi chứng kiến cuộc chiến giữa những lợi ích nước ngoài và nguyện vọng của cộng đồng địa phương.

Với các mỏ lithium to lớn, Manono đã biến thành điểm nóng của cuộc cạnh tranh chính trị đầy quyết liệt trên phạm vi toàn cầu. Lithium, được ví như "vàng trắng" của tương lai, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất pin, còn đóng góp quan trọng cho cuộc cách mạng năng lượng xanh.

Theo các chuyên gia địa chất, Manono đang ẩn chứa nguồn lượng khoáng sản lithium lớn nhất thế giới, nhưng chưa hề được khai thác tận dụng hết. Nigel Ferguson, CEO của AVZ Minerals, khẳng định: "Manono có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thế giới về lithium".

Tuy nhiên, cuộc đua này không chỉ xoay quanh việc sản xuất lithium, còn tập trung vào việc kiểm soát thị trường quốc tế. Năm 2018 Australia phát hiện lượng đá giàu lithium ở Manono, đã hợp tác với tập đoàn pin Trung Quốc CATL. Mối liên kết này dẫn đến việc Trung Quốc đầu tư 240 triệu USD để chiếm 24% cổ phần trong liên doanh khai thác lithium Dathcom.

Trong khi nhiều công ty châu Âu và Mỹ đang có ý định tham gia, sự không ổn định chính trị đã làm họ e ngại đầu tư vào Congo. Trong tình hình đó, hầu hết mỏ tài nguyên của Congo đang được xuất khẩu chủ yếu đến Trung Quốc.

Tình huống tương tự cũng đã xuất hiện ở Manono, khi một tập đoàn Trung Quốc khác đã cố gắng can thiệp vào thỏa thuận mà không có sự đồng thuận từ phía AVZ. Nghi ngờ đã nảy lên rằng, Trung Quốc đang tận dụng mối quan hệ chính trị của họ để loại bỏ công ty Australia. Hiện tại, AVZ vẫn chưa nhận được giấy phép khai thác tại Manono.

Bên cạnh cuộc đua ở Manono, khám phá tài nguyên dưới đáy biển năm 2015 tại biên giới giữa Senegal và Mauritania, đã mở ra những cánh cửa triển vọng cho cả 2 quốc gia này. Khí đốt tự nhiên dự kiến được khai thác ít nhất trong 30 năm tới, với sự tham gia của những tập đoàn năng lượng hàng đầu như BP và Kosmos, cùng với các doanh nghiệp quốc doanh của cả Senegal và Mauritania.

Mặc dù vậy, việc khai thác này vẫn tiếp tục tạo ra mâu thuẫn với ngư dân, khi ngư trường quý báu của họ đang bị ảnh hưởng.

Các tin khác