Giấc mơ chinh phục vũ trụ của nhân loại đã tăng tốc trong thời chiến tranh lạnh với cục diện "thư hùng" giữa 2 siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô. Sau đó, lần lượt các cường quốc khác tham gia cuộc đua vũ trụ.
Từ năm 1957-1975, cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã tập trung vào việc giành vị trí đầu tiên trong thám hiểm không gian, được xem là cần thiết cho an ninh quốc gia, biểu tượng cho sự ưu việt về công nghệ và ý thức hệ.
Phóng vệ tinh đầu tiên
Cuộc đua vũ trụ Liên Xô-Hoa Kỳ bắt nguồn từ chạy đua vũ khí xảy ra ngay sau chiến tranh thế giới II. Liên Xô và Hoa Kỳ đã nắm bắt được công nghệ tên lửa tiên tiến cũng như nhân lực trong lĩnh vực này của Đức, và đến năm 1955, cả 2 đã xây dựng các tên lửa đạn đạo có thể dùng để phóng các vật thể vào không trung.
Ngày 29-7-1955, Hoa Kỳ tuyên bố ý định phóng “các vệ tinh nhỏ quay quanh trái đất” trong khoảng thời gian từ tháng 7-1957 đến tháng 12-1958. Chỉ 4 ngày sau, Liên Xô quyết định thành lập một ủy ban có nhiệm vụ đánh bại kế hoạch không gian của Hoa Kỳ. Cuộc đua vũ trụ bắt đầu.
Cuộc đua vũ trụ Liên Xô-Hoa Kỳ đã kích thích sự gia tăng chưa từng thấy về chi tiêu cho giáo dục và nghiên cứu, giúp tăng tốc các tiến bộ khoa học, dẫn đến sự ra đời các công nghệ nhiều ích lợi. |
Tháng 2-1957, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô phê chuẩn chế tạo một vệ tinh đơn giản (prosteishy sputnik, PS-1). Nó là một quả cầu sáng bóng nặng khoảng 84kg, đường kính 58cm, có 2 máy phát vô tuyến trên tần số vô tuyến sóng ngắn khác nhau, có khả năng phát hiện thiên thạch và mật độ thượng tầng khí quyển Trái đất.
Áp lực thời gian tăng lên khi có tin tức rằng Hoa Kỳ có thể sẽ phóng vệ tinh vào ngày 4 hoặc 5-10 nhân một hội nghị năm địa vật lý quốc tế tại Viện Khoa học quốc gia ở Washington D.C.
Liên Xô quyết định mạo hiểm đi trước một bước. Tên lửa R-7 cải tiến được chuyển đến căn cứ tên lửa Tyura-Tam vào tháng 9 và chuẩn bị thực hiện sứ mệnh của mình tại vị trí phóng số một. Đúng 22 giờ 28 phút 34 giây giờ Moscow ngày 4-10-1957, tên lửa R-7 mang theo vệ tinh Sputnik 1 đã rời bệ phóng và sau vài phút đã đặt “mặt trăng nhân tạo” này vào quỹ đạo.
Tuy nhiên, Liên Xô chưa vội ăn mừng; họ im hơi lặng tiếng chờ đợi cho đến khi trạm theo dõi ở tít viễn đông Kamchatka nhận được những tiếng “bíp bíp bíp” đặc biệt đầu tiên từ thiết bị phát sóng vô tuyến của Sputnik 1, cho thấy Sputnik 1 sống khỏe và đang hoàn thành quỹ đạo đầu tiên của mình.
Khoảng 95 phút sau khi phóng, Sputnik đã bay giáp vòng ngang qua Tyura-Tam trong niềm vui vỡ òa của người Liên Xô. Đó là vệ tinh nhân tạo thành công đầu tiên bay vào quỹ đạo trái đất.
Đặt chân lên mặt trăng
Thành công vang dội của Liên Xô như dội gáo nước lạnh vào mặt Hoa Kỳ. Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower vội vã ra lệnh đẩy nhanh dự án vệ tinh và tên lửa dân sự Vanguard sớm hơn kế hoạch ban đầu. Ngày 6-12-1957, Vanguard rầm rộ ra mắt tại Cape Canaveral trước đông đảo khán giả được truyền hình trực tiếp (đây là sự kiện đếm ngược đầu tiên được trực tiếp phát sóng toàn quốc).
Nhưng chỉ vài giây sau khi phóng, nó đã nổ tung, trở thành một thất bại ê chề làm trò cười cho quốc tế. Có tài liệu cho biết tại Liên Hiệp quốc, đại biểu Liên Xô đã ngỏ lời trợ giúp Hoa Kỳ “theo chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia chậm tiến”! Gần 4 tháng sau Sputnik 1, Hoa Kỳ mới phóng thành công vệ tinh đầu tiên của mình Explore 1.
Neil Armstrong đặt chân lên Mặt trăng và nói câu bất hủ: |
Trong khi đó, Liên Xô tiếp tục dẫn trước trong việc đưa phi hành gia vào vũ trụ. Ngày 12-4-1961, người đầu tiên du hành vũ trụ Yuri Gagarin đã được phóng lên quỹ đạo quanh trái đất trong phi thuyền Vostok 1. Phi thuyền bay một vòng quanh Trái đất trong 108 phút và khi nó vòng lại phía trên Liên Xô, Gagarin được phóng ra khỏi phi thuyền rồi hạ cánh bằng dù. Cả thế giới đón chào thành công của Liên Xô nhưng điều này một lần nữa làm mất mặt Hoa Kỳ.
Ngày 20-4-1961, Tổng thống Kennedy đã đốc thúc Phó Tổng thống Johnson xem xét chương trình không gian của Hoa Kỳ. 1 tuần sau, ông Johnson có phản hồi trong đó đề xuất mục tiêu đáp phi thuyền có người lái lên mặt trăng, cho rằng đây là mục tiêu đặc biệt ý nghĩa mà Hoa Kỳ có thể thắng thế trước Liên Xô.
Trong bài diễn văn nổi tiếng “Chúng ta chọn mặt trăng”, Tổng thống Kennedy đã nêu ra những lý do ủng hộ chương trình Apollo tiến lên mặt trăng. Trong những năm sau đó, cả Hoa Kỳ và Liên Xô đều cố gắng tiếp cận, đưa phi thuyền vào quỹ đạo quanh mặt trăng.
Đúng 9 giờ 32 phút sáng ngày 16-7-1969, tên lửa Saturn V phóng lên từ Trung tâm không gian Kennedy ở bang Florida, mang theo phi hành đoàn Apollo 11 gồm đội trưởng Neil Armstrong, Michael Collins và Edwin Aldrin. Sau 3 ngày lênh đênh trong vũ trụ, phi thuyền đã vào quỹ đạo mặt trăng. Armstrong cùng Aldrin chuyển sang Module Mặt trăng và hạ cánh lúc 4 giờ 17 phút chiều ngày 20-7.
10 giờ 56 phút 15 giây tối cùng ngày, Armstrong đã mạo hiểm ra khỏi phi thuyền, đặt bước chân đầu tiên của loài người lên mặt trăng trong sự hồi hộp theo dõi của ít nhất 500 triệu khán giả truyền hình ở Trái đất.
(Còn tiếp)