Trước thời điểm vận hành thử toàn hệ thống, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành xây dựng gồm: 13,05km cầu cạn của tuyến đường sắt trên cao, toàn bộ đường ray, các bộ ghi chạy tàu, toàn bộ 12 nhà ga kèm hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận hành, 16 depot ( (là nơi quản lý, dừng đỗ và bảo dưỡng, sửa chữa toa tàu) cùng hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan cây xanh.
Dự án tiến hành nghiệm thu thành phần cho 5/5 chuyên ngành xây dựng, 9/11 chuyên ngành thiết bị, còn 2 chuyên ngành thiết bị công nghệ và đoàn tàu đang hoàn tất các thủ tục để nghiệm thu.
Theo ông Vũ Hồng Phương - quyền giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải), trong 20 ngày vận hành thử toàn hệ thống, các đoàn tàu sẽ chạy theo đúng biểu đồ để tổng thầu, tư vấn đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn. Cùng với đó là diễn tập các tình huống ứng phó khẩn cấp, nghiệm thu bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Trước khi vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày, tổng thầu cũng đã chạy thử 6-8 đoàn tàu/ngày để kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục chuyên biệt, kiểm tra giãn cách chạy tàu 2-3 phút/chuyến, các đoàn tàu chạy nối tiếp nhau 120 giây...
Trong thời gian này, nhân viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã phối hợp vận hành theo quy trình biểu đồ chạy thử 20 ngày.
Từ 12-12, các đoàn tàu được vận hành liên tục từ 5h-23h hằng ngày với lịch trình: giờ cao điểm chạy 9 đoàn tàu, ngoài giờ cao điểm chạy 6 đoàn tàu trên 2 hướng từ ga Cát Linh đầu tuyến đến ga Yên Nghĩa cuối tuyến.
Theo Bộ Giao thông vận tải, nhiệm vụ chính hiện nay của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu các hạng mục công trình thành phần, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống của tư vấn trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống trước khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước kiểm tra.
Trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống, liên danh tư vấn quốc tế độc lập do Bộ Giao thông vận tải thuê là Apave-Certifer-Tricc sẽ đưa ra đánh giá độc lập về an toàn, nếu đạt sẽ cấp chứng chỉ cho dự án.
Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng cũng kiểm tra đánh giá về kỹ thuật, an toàn của dự án. Nếu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đạt điều kiện sẽ được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Theo thiết kế, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km đi trên cao từ Cát Linh đến Hà Đông với 12 nhà ga trên cao.
Ngoài 11 chuyên ngành thiết bị, dự án có 13 đoàn tàu sản xuất tại Trung Quốc, mỗi đoàn 4 toa, chở hơn 900 người, tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, tốc độ khai thác bình quân 35km/h trên đường đôi, khổ 1,435m. Các đoàn tàu được khai thác với tần suất 3-5 phút/chuyến trong giai đoạn đầu, sau đó rút ngắn 2 phút/chuyến.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt đầu tư năm 2008 với thời gian thực hiện 5 năm, từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2013. Nhưng do triển khai chậm nên đến tháng 10-2011 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2015.
Tuy nhiên do nhiều lý do, vướng mắc nên dự án nhiều lần vỡ mốc tiến độ hoàn thành.
Cùng với chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD) lên 18.001 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 4.134 tỉ đồng.