Loay hoay chuyện “con gà, quả trứng”
Tại hội nghị sơ kết hoạt động của tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM hồi giữa tháng 3 vừa qua, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM chia sẻ, trước nay ngành cơ khí luôn bị đánh giá là rất yếu, nhưng nay không ít DN đang nỗ lực chuyển mình, quyết tâm đầu tư vì nếu không đón đầu không có sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng được nhu cầu của nhà mua hàng quốc tế.
Thế nhưng, hành trình đầu tư của DN cũng lắm gian nan. Trước hết là câu chuyện vốn, chẳng có DN nào đầu tư lại thiếu vai trò của ngân hàng. Song ngành cơ khí luôn bị đánh giá là hiệu quả không cao, nên ngân hàng cũng ngần ngại khi xét duyệt hồ sơ cho vay. Loay hoay đến khi có vốn lại vướng nhiều thủ tục do các nghị định thông tư chồng chéo.
Bằng chứng là khi đầu tư vào khu công nghệ cao TPHCM, nhóm 8 DN ngành cơ khí điện được cấp phép đầu tư từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018, nhưng đến nay mới có 2 DN bắt đầu khởi công.
Ông Tống lấy ví dụ, ngành cơ khí khuôn mẫu giờ phân vào công nghiệp nặng hay công nghiệp nhẹ thì tiến trình làm giấy phép xây dựng cũng sẽ khác nhau. Mà phân như thế nào cũng chưa rõ ràng. Khó cho DN và khó cho cả cán bộ các sở ngành khi đồng hành cùng DN.
Như đã nói không đầu tư đón đầu sẽ không có được sản phẩm đạt tiêu chuẩn của nhà mua hàng. Nhưng quyết tâm đầu tư không chỉ phải vượt qua rào cản vốn, giấy phép, thủ tục… mà khi có sản phẩm rồi làm sao để có khách hàng, để chen chân vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia là không đơn giản.
Vẫn biết Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh/thành đang nỗ lực kết nối để người mua hàng và các DN CNHT Việt Nam gặp nhau nhiều hơn. Thế nhưng vẫn có những DN đói thông tin.
Tại hội thảo kết nối DN công nghiệp ô tô – điện tử - cơ khí cuối năm 2020, ông Chu Trọng Thành, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Cao su Giải Phóng chia sẻ: “Chúng tôi gặp khó khi tìm kiếm thông tin các DN FDI hoặc các nhà mua hàng có nhu cầu mua linh kiện”.
Đó là chưa kể gặp được các tập đoàn đa quốc gia, có sản phẩm đạt tiêu chuẩn rồi cũng không dễ vào được chuỗi cung ứng. Lý do đầu tiên là giá thành các sản phẩm Việt thường cao hơn các đối tác từ nước ngoài. Lý do thứ hai là các tập đoàn đa quốc gia khi vào Việt Nam đã có sẵn nhóm DN phụ trợ, giữa họ có sự tin tưởng, ăn ý lẫn nhau nên thật khó để chen chân vào chuỗi mắt xích này.
Loay hoay chuyện “con gà quả trứng”, đầu tư trước hay tìm khách hàng trước đang khiến cho việc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của Việt Nam còn hạn chế. Đến nay Việt Nam mới có khoảng 300 DN tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Các DN FDI tuy đóng góp nhiều cho xuất khẩu của Việt Nam, nhưng cũng đồng thời là những nhà nhập khẩu lớn. Nghịch lý này khi nào mới kết thúc.
Chính sách cần đi vào thực tế
Chính sách cần đi vào thực tế
Đầu tư chuyên sâu, đẩy mạnh liên kết là điều mà nhiều chuyên gia thường nói khi muốn các DN cũng như các ngành CNHT Việt Nam mạnh lên. Vì đa số các DN CNHT Việt Nam là DN nhỏ, khả năng cung ứng hàng loạt thấp, khả năng kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao…
Điều này không phải DN không biết. DN mong mỏi sự liên kết ấy từ rất lâu thông qua việc muốn hình thành các cụm công nghiệp. Từ cụm công nghiệp cho ngành dệt may, da giày, đến cụm công nghiệp cho ngành cơ khí, nhựa, cao su…
Chỉ tính riêng Hội Cơ khí điện TPHCM đã kiên trì kiến nghị việc xây khu công nghiệp tập trung suốt 5 năm nay.
Bởi việc hình thành cụm công nghiệp không chỉ mang đến cơ sở hạ tầng đầy đủ mà còn làm giảm chi phí logistics, tăng tính chuyên môn hóa của từng DN khi DN không cần phải đầu tư quá nhiều máy móc, ôm đồm quá nhiều sản phẩm.
Đây cũng chính là tiền đề để các DN tham gia vào chuỗi cung ứng. DN mong mỏi, một số địa phương cũng đã có chính sách dành đất cho các cụm công nghiệp như TPHCM, nhưng đến nay cụm công nghiệp cho các ngành CNHT vẫn chưa thành hiện thực vì nhiều lý do.
Các DN hiện nay như những toa tàu đơn lẻ để có thể tiến vào nhà ga chung, nhưng chuỗi cung ứng cần có một đầu tàu đó chính là các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trên thực tế các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đều có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để các DN CNHT của họ phát triển.
Nếu nói đến các chính sách cho ngành CNHT thì đến nay không ít, nhưng theo các DN chính sách có nhưng hành trình đi vào thực tế lại quá gian nan. Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về những giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, trong đó có những nội dung DN rất quan tâm và đánh đúng vào mong mỏi của DN như: chính sách ưu đãi lãi suất với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo (Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất tối đa 5%/năm); nâng cao năng lực DN CNHT thông qua việc xây dựng các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng từ vốn đầu tư của trung ương và địa phương (cụ thể sẽ có 5 trung tâm trong đó có 3 trung tâm lĩnh vực cơ khí, 2 trung tâm lĩnh vực dệt may, da giày); phát triển chuỗi giá trị trong nước thúc đẩy liên kết giữa DN Việt Nam và DN đa quốc gia; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành, xây dựng đề án thí điểm các khu công nghiệp tập trung…
Nhưng mong mỏi Nghị định mới DN cũng không khỏi thấp thỏm liệu lần này có giống những lần trước đây, chính sách có nhưng khó đi vào thực tế. Nếu các Bộ, ngành không hiện thực hóa chính sách thì cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị của DN vẫn rất xa vời.
Ngành CNHT Việt Nam vẫn mãi chỉ là đứa trẻ không chịu lớn. Chúng ta sẽ chỉ hưởng lợi rất nhỏ từ sự dịch chuyển dòng đầu tư nhất là của các “đại bàng” công nghệ. Quan trọng hơn các mục tiêu đặt ra cho ngành CNHT Việt Nam theo Nghị định 115 cũng khó trở thành hiện thực.