Chỉ thị nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2017, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2017 đạt 5,1%, tuy cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm 2012, 2013 và 2014, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm gần đây là 2015 và năm 2016.
Mặc dù nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhưng nhiệm vụ của những tháng cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực.
Phấn đấu đạt các mục tiêu
Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2017 là khoảng 6,7%. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt nghiêm túc quan điểm của Chính phủ về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; nỗ lực và quyết tâm tối đa thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 của từng khu vực và một số ngành quan trọng của nền kinh tế như sau:
- Khu vực nông nghiệp tăng trưởng 3,05%. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ đô la;
- Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,91%. Cụ thể là khu vực công nghiệp tăng trưởng 7,34% (trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 13%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 11,5%); khu vực xây dựng tăng trưởng 10,5%;
- Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%. Trong đó, tăng trưởng về khách du lịch là trên 30%.
Căn cứ nhiệm vụ mục tiêu tăng trưởng của từng khu vực và một số ngành quan trọng của nền kinh tế, các cơ quan chức năng xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho từng ngành cụ thể, tạo động lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành, lĩnh vực; triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp đã đề ra; đồng thời tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện các giải pháp; hàng tháng, quý báo cáo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện.
Giải pháp trung, dài hạn
Về các giải pháp cơ bản năm 2017 và trong trung, dài hạn, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chủ động, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP; trong tháng 8 năm 2017 có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chi tiết sự chuyển biến của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.
Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ, tập trung vào hai nhóm giải pháp sau:
1- Nhóm giải pháp chung: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công, thu - chi ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công; cải cách thể chế, tập trung cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng suất lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế; điều chỉnh hợp lý theo lộ trình giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
2- Nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành lĩnh vực: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các ngành chủ yếu của nền kinh tế như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động; xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân sinh; dịch vụ, du lịch.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; sớm triển khai niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo quy định của pháp luật.
Trong tháng 6 năm 2017, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình xây dựng và kế hoạch tổ chức triển khai các giải pháp sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2017; định kỳ hàng tháng có báo cáo tình hình và kết quả thực đẩy tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.
Giải pháp nhanh để thúc đẩy tăng trưởng
Về một số giải pháp cần thực hiện nhanh để thúc đẩy tăng trưởng năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan triển khai trong tháng 6 năm 2017.
Cụ thể, Bộ Công Thương phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ đang tồn đọng, các dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách, đề xuất phương án xử lý theo thẩm quyền để sớm tái khởi động, nâng cao hiệu quả các dự án, doanh nghiệp này trong năm 2017.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong công tác tiêu thụ các loại khoáng sản tồn đọng, có giá trị; hoàn chỉnh phương án giá điện năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, báo cáo kết quả rà soát các biện pháp hàng rào kỹ thuật áp dụng để kiểm soát nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; đề xuất ban hành các quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa phù hợp với các cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.
Cùng với đó, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017, triển khai các giải pháp kỹ thuật phấn đấu mục tiêu sản lượng khai thác dầu thô trong nước đạt trên 13,28 triệu tấn trên cơ sở hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn khai thác mỏ và bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng triển khai giải pháp theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường; tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thông thoáng cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở; đề xuất phương án và kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất phương án ứng phó, đề xuất giải pháp đàm phán đối với khả năng thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra của Việt Nam, đảm bảo mục tiêu giữ được thị trường xuất khẩu quan trọng này; chủ động đề xuất và triển khai các giải pháp duy trì, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, tạo thị trường cho nông sản.
Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; kịp thời điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn chặt với thị trường và lợi thế của Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm; tăng cường theo dõi và chuẩn bị tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh ở cây trồng và vật nuôi, phòng chống thiên tai.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án bổ sung vốn cho Quỹ xúc tiến du lịch, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch quốc tế, phấn đấu đạt mục tiêu 13-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2017; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tiếp tục áp dụng chính sách miễn thị thực nhập cảnh đối với các quốc gia có lượng khách du lịch lớn đến Việt Nam, kế hoạch tiếp tục triển khai cấp thị thực nhập cảnh điện tử.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 đạt trên 18%; theo dõi sát diễn biến của tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao để có những đánh giá, giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Bộ Tài chính triển khai rà soát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu chi ngân sách, tránh tình trạng thất thu và lạm thu, thực hiện triệt để tiết kiệm chi; xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ việc phát hành và sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm trong việc thí điểm sử dụng mạng dùng chung để quản lý hóa đơn và thuế ngoài quốc doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và triển khai thực hiện trong các tháng cuối năm giải pháp huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế; giao Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công năm 2017; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phương án giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn (đợt 2) và năm 2017 trong tháng 6 năm 2017 (phần vốn còn lại); có phương án sớm triển khai phân bổ và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao; xây dựng các giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); phấn đấu mục tiêu tỷ trọng tổng đầu tư toàn xã hội trên GDP đạt 34-35%...