Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã giao Bộ Y tế đến năm 2020 giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối. Theo đánh giá của Bộ trưởng, việc giải quyết đã đạt hiệu quả hay chưa?
Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Giảm quá tải bệnh viện là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế. Nhiều đề án quan trọng đã được chỉ đạo triển khai mạnh mẽ như: giảm tải bệnh viện; cải tiến quy trình khám bệnh; bệnh viện vệ tinh; bác sĩ gia đình; nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh; chương trình hành động quốc gia nâng cao năng lực quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh... Kết quả khảo sát trực tuyến trên 1 triệu người bệnh cho thấy, tỷ lệ hài lòng khi điều trị nội trú đạt 75,6%, ngoại trú đạt 66,3%, nhiều bệnh viện có tỷ lệ người bệnh hài lòng tới 80% - 90%. Số liệu năm 2012 và năm 2018 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7% ở tuyến trung ương và ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%.
Rõ ràng, đây là sự chuyển mình ngoạn mục của ngành y tế, giảm tỷ lệ nằm ghép xuống hơn 3 lần, mang lại sự thoải mái và hài lòng cho người bệnh. Cùng với đó, mạng lưới 17 bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến trung ương đối với chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa là 98,5%; ung thư là 97%; sản khoa là 99%; nhi khoa là 73%. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quá tải vẫn còn diễn ra ở một số bệnh viện ở Hà Nội và TPHCM, do vậy cần tiếp tục các giải pháp quyết liệt. Sắp tới cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đi vào hoạt động đồng bộ ở tất cả các khu vực sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trung ương.
Bộ Y tế có những kế hoạch gì để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế trong năm 2019?
Ngành y tế phải đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ gắn với chế độ giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh đến tuyến huyện, trạm y tế cơ sở. Đây là động lực để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn, tạo uy tín, sự tin tưởng của người dân, thu hút người bệnh đến điều trị. Đồng thời ngành tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW (về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới) và xác định đó là kim chỉ nam cho hoạt động khám chữa bệnh.
Trong đó, ngành tập trung hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; ban hành tiêu chí đánh giá, thực hiện kiểm định độc lập, xếp hạng bệnh viện theo chất lượng phù hợp với thông lệ quốc tế; thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh; lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh và tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh.
Bộ Y tế đang đẩy mạnh y tế cơ sở, đặc biệt là mô hình 26 trạm y tế xã điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Xin Bộ trưởng cho biết, những giải pháp để y tế cơ sở bứt phá khi nhân lực và trang thiết bị của y tế cơ sở còn nhiều khó khăn?
Ngành y tế tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều nội dung quan trọng để y tế cơ sở thực sự trở thành nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có những đổi mới đột phá, thực chất về cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã/phường nhằm thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, liên tục, toàn diện và lồng ghép. Đồng thời, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho y tế cơ sở, ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước…
Bộ Y tế cũng đang tập trung hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để nhân rộng ra cả nước. Theo kế hoạch, đến hết quý 1, giải quyết cơ bản về cán bộ và trang thiết bị y tế cho 26 trạm y tế xã điểm và trạm y tế ở các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh thụ hưởng các dự án của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Liên minh châu Âu. Lộ trình đến năm 2025 bảo đảm khoảng 70% trạm y tế được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và đến năm 2030, toàn bộ các trạm y tế trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này.
Năm 2019, ngành y tế tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, chương trình, đề án thực hiện nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về tổ chức bộ máy, chăm sóc sức khỏe… Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe đến các cấp, các ngành, địa phương và người dân. Cùng với đó là chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng dân số về thể chất; hoàn thiện hệ thống chính sách về khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ ở các tuyến… |