Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 thuộc vành đai Orinoco của Venezuela, do PetroMacareo - Công ty liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Venezuela (PDVSA) - điều hành được hình thành năm 2010, với tổng vốn đầu tư hơn 12,4 tỷ USD; trong đó PetroMacareo vay 60% và 40% còn lại do các bên đóng góp. Phí hoa hồng (signature bonus) mà PVN phải trả để được quyền tham gia hợp đồng là 584 triệu USD.
Thực ra không phải do Venezuela ưu ái PVN khi lấy phí hoa hồng chỉ bằng một nửa so với Nga và Mỹ như một số thông tin, mà do trữ lượng dự kiến Junin 2 chỉ bằng một nửa so với 2 dự án của Nga và Mỹ. Năm 2013, sau khi nộp 2 lần phí hoa hồng lên đến 442 triệu USD trong khi chưa có bất kỳ giọt dầu nào được khai thác, dự án bị tạm dừng.
Bối cảnh Venezuela trước 2006 và 2006-2010
Bối cảnh Venezuela trước 2006 và 2006-2010
Công bằng mà nói, kinh tế Venezuela giai đoạn 2002-2008 liên tục tăng trưởng tốt, kết hợp với tiềm năng trữ lượng dầu lớn nhất thế giới tại vành đai Orinoco, Venezuela trở thành tâm điểm thu hút nhiều tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga.
Cho dù nhìn từ bất kỳ lăng kính nào, thật khó thể lý giải vì sao PVN lại đầu tư vào Junin 2. Chỉ có thể quay lại cách giải thích kinh điển rằng, phải chăng doanh nghiệp nhà nước là của chung nên ai cũng có thể đốt tiền tự do? |
Thập niên 1990, lạm phát trung bình của quốc gia này lên đến 50%. Gần với thời điểm PVN và PDVSA lập liên doanh, năm 2007 Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo lạm phát của Venezuela có thể lên đến 25,7% năm 2008 và 31% năm 2009, đây là mức lạm phát được xem cao nhất thế giới lúc bấy giờ. Lạm phát cao, lãi suất thực âm khiến cho đồng nội tệ bị mất giá nghiêm trọng. Giai đoạn này, Venezuela có chỉ số minh bạch và tham nhũng xếp hạng 162 trên 179 quốc gia.
Chính sách tháo 3 con số 0 ra khỏi mệnh giá đồng tiền vào năm 2007 (và lần mới đây năm 2018), là tóm lược súc tích nhất cho những rủi ro quốc gia mà nhà đầu tư xem xét khi rót tiền vào đây. Venezuela cho rằng làm như thế là để thực hiện chính sách chống lạm phát và nâng giá trị đồng tiền của mình. Một “chính sách kinh tế buồn cười” - nhiều nhà kinh tế đã nhận định như vậy.
PDVSA chỉ còn là cái xác
PDVSA chỉ còn là cái xác
Trong bài Oil's dark secret (2006), tờ Economist chỉ lấy PDVSA như là thí dụ điển hình cho hầu hết các công ty dầu hỏa quốc doanh trên thế giới có quản trị công ty yếu kém nhất. Họ sa thải 18.000 chuyên gia kỹ thuật và nhà quản lý chuyên nghiệp, để thay vào đó 100.000 người ủng hộ chính phủ. Trong khi chính đội ngũ các nhà chuyên nghiệp trước đó là những tài năng đã tạo nên danh tiếng của PDVSA ngang bằng với một số ít tập đoàn dầu hỏa hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Kể từ sự kiện này, Monaldi - một chuyên gia về dầu khí tại Rice University (Mỹ), từng cảnh báo PDVSA sẽ không bao giờ gượng dậy được nữa.
Giàn khoan PDV 39 tại mỏ Junin 2 - Venezuela.
Năm 2004, PDVSA bắt đầu ngừng cung cấp báo cáo tài chính cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ. Khác với các ngành nghề khác, báo cáo tài chính ngành dầu khí chuẩn quốc tế phải cung cấp đầy đủ các thông tin về sản lượng khai thác tiềm năng thượng nguồn, dòng tiền trong tương lai, các chi phí chìm (sunk costs), kế hoạch phân bổ vốn đầu tư... Việc ngừng cung cấp báo cáo tài chính khiến cho các đối tác của PDVSA càng gặp phải rủi ro nhiều hơn. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế sau đó đã từ chối xếp hạng tín nhiệm PDVSA.
PDVSA được xem như “nhà nước trong một nhà nước”. Hoạt động của nó phần lớn phục vụ cho các mục tiêu xã hội hơn là kinh tế, với việc phần lớn nguồn thu dầu hỏa và dòng tiền luân chuyển về một quỹ có tên Fonden, thay vì chuyển về ngân hàng trung ương như thời các chính phủ trước đó.
Do vậy khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật dầu hỏa xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có nguồn tài chính đáng kể để nâng cấp, là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng khai thác sụt giảm mạnh sau đó ở PDVSA. Tình hình sẽ khác đi nếu nguồn thu của PDVSA không bị chính phủ lấy đi phần lớn để đầu tư vào các hoạt động xã hội.
Sau cuộc khủng hỏang tài chính toàn cầu 2008, giá dầu rớt đột ngột từ gần 150 USD/thùng xuống còn 40 USD/thùng càng làm xấu thêm tình hình tài chính của PDVSA. Thời điểm này cũng có thêm nhiều cảnh báo về khả năng chi trả các khỏan nợ phát hành trái phiếu quốc tế của PDVSA. Năm 2010, tập đoàn này có khỏan nợ lên đến 21,9 tỷ USD, trong đó có 9,3 tỷ USD nợ các nhà cung cấp. Với khả năng tài chính như thế, làm thế nào PDVSA có thể cung ứng đủ vốn cho liên doanh PetroMacareo, chí ít cũng phải đúng tiến độ?
Vì sao PVN lại đầu tư vào Venezuela?
Vì sao PVN lại đầu tư vào Venezuela?
Chỉ cần nhìn vào một số dữ liệu cơ bản trong phần trên của bài viết, thử hỏi một nhà đầu tư có lý trí nào lại dám đầu tư vào ngành dầu khí Venezuela? Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí nằm trong nhóm danh mục hoạt động có rủi ro khá cao so với các ngành công nghiệp khác. Đặc thù này kết hợp với các yếu tố kinh tế-chính trị ngày càng xấu đi tại Venezuela giai đoạn 2006-2010, khiến cho rủi ro càng khó lường. Dù vậy, cùng thời điểm PVN đầu tư vào vành đai Orinoco trong năm 2010, cũng có đến 5 liên doanh khác của PDVSA với Mỹ, Nga, Trung Quốc...
PVN cũng giống như các đối tác khác của PDVSA, không thể không biết những rủi ro này. Và đương nhiên rủi ro càng cao phần thưởng càng lớn. Về vấn đề này, Monaldi của Rice University cho rằng, sự không minh bạch và độ tín nhiệm thấp của PDVSA đồng nghĩa Chính phủ Venezuela cũng mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Đây có thể là lời giải cho các hoạt động đầu tư nước ngoài của các đại gia dầu khí quốc tế vào ngành công nghiệp dầu hỏa Venezuela, hoặc để kiếm lời cao, hoặc vì các mục đích phi kinh tế.
Nếu PVN tuân theo triết lý này khi đầu tư vào Junin 2, thì việc thất bại sau đó cũng là điều có thể chấp nhận được, nếu đứng về phương diện đầu tư. Tất nhiên về phương diện vốn nhà nước, PVN là một tập đoàn kinh tế quốc doanh, không người dân đóng thuế nào lại chấp nhận đồng tiền của mình lại được người đại diện sử dụng theo cách liều lĩnh như thế.
Thời điểm 2010 PVN ra thông báo, “Hợp đồng Junin 2 được đánh giá có tính rủi ro thấp. Trong 7 năm bên góp vốn sẽ hoàn vốn”. Có thể thấy ngay từ đầu PVN đã khẳng định đầu tư vào Junin 2 là hoạt động có mức sinh lời cao, rủi ro thấp. Đó hoàn toàn không phải là một hoạt động đầu tư mạo hiểm, hay vì nhiệm vụ chính trị (nếu có) mà PVN có trách nhiệm phải đảm đương.
Đơn giản đây là một dự án quá hấp dẫn. Điều này cũng có nghĩa, hầu như toàn bộ diễn biến kinh tế-chính trị cũng như khả năng quản trị và nguồn lực tài chính hạn chế của PDVSA, không hoặc ít có tác động đến đánh giá khả năng sinh lợi dự kiến của Junin 2. Thật khó hiểu tại sao lại có suy nghĩ như thế.
PVN đâu phải là quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm?
PVN đâu phải là quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm?
Trong cuốn sách Nghệ thuật suy nghĩ cẩn trọng (The Art of Thinking Clearly), tác giả Rolf Dobelli có một thí dụ xuất sắc về sự ngụy biện của chi phí chìm (sunk cost fallacy) cụ thể thú vị về cuộc chiến tranh Việt Nam. Lý thuyết kinh tế học gọi chi phí chìm là những gì đã chi ra trong quá khứ, và không được tính vào các quyết định đầu tư cho tương lai.
Việc Chính phủ Mỹ vẫn liên tiếp đổ vào cuộc chiến này biết bao tiền của và sinh mạng con người, với lý do là để giảm bớt các thiệt hại đã lỡ xảy ra trước đó. Kết quả nhận được chỉ là tổn thất ngày càng nặng nề hơn. Thí dụ này là điển hình về sự ngụy biện của chi phí chìm.
Về vấn đề này, một nghiên cứu của IMF (2012) về các thủ thuật tài chính trong công nghiệp dầu khí, cho thấy phí hoa hồng là loại chi phí chìm được thiết kế để tối thiểu hóa rủi ro cho chính phủ nước chủ nhà, và áp đặt rủi ro cao cho các nhà đầu tư. PVN giải thích phí hoa hồng là thông lệ quốc tế trong ngành khai thác dầu. Nhưng khảo sát của IMF trong báo cáo trên lại cho thấy chỉ có dưới 20% giao dịch là có phí hoa hồng. Những khỏan phí hoa hồng dầu khí vì vậy phải được cân nhắc thật cẩn trọng trước khi ra quyết định đầu tư.
Rõ ràng nếu PVN được cổ phần hóa, các thông tin đều minh bạch ra truyền thông và mọi việc đều đặt dưới sự giám sát của thị trường, chắc khó có việc các cổ đông đồng ý với phép ngụy biện phí hoa hồng dầu khí, trừ phi đó là một quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm.