Những khoảng lặng
Cho đến nay thế mạnh về xuất khẩu rau quả không chỉ giảm ở những trái cây chủ lực, mà các loại gia vị như ớt, mộc nhĩ, nấm hương… cũng gặp khó. Chẳng hạn thanh long, dưa hấu vẫn bị phơi nắng nơi cửa khẩu. Dứa Lào Cai, lâu nay thương lái bên Trung Quốc sang mua tại ruộng, năm nay xiết chặt tiểu ngạch, lập tức ế ẩm.
Bên cạnh đó, việc phá vỡ quy hoạch diện tích trồng điều phần lớn do trồng ở vùng sâu, vùng xa, không đủ sức chăm bón, phòng chống sâu bệnh, vườn điều bị thu hẹp. Lượng điều thô chỉ đảm bảo 30% năng lực chế biến, phải nhập khẩu mỗi năm trên 1.000 tấn, phần lớn từ châu Phi, trong khi tới đây họ sẽ giữ lại điều thô để chế biến.
Giá xuất khẩu cà phê Việt Nam gần như “đội sổ” khi rẻ hơn nhiều so với cà phê cùng loại của các nước, chủ yếu do chất lượng từ khâu thu hái, năm 2019 giảm sâu nhất 21,2%, làm lung lay vị trí thứ 2 thế giới. Xuất khẩu gạo giảm do các thị trường nhập khẩu gạo lớn giãn ra, trong khi nguồn cung lúa, gạo thế giới sẽ tăng do các nước nông nghiệp lớn đều tăng sản lượng, nước thiếu thì nỗ lực tự túc.
Mô tả ảnh
Nhiều thương lái biết gạo Việt Nam không truy xuất nguồn gốc được nên chỉ trả giá rẻ. 2 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo tăng đáng ngờ vực, nên phải điều tiết nhịp độ. Tuy vậy, sau đó lại xảy ra lùm xùm.
Mặt hàng hồ tiêu vẫn chìm do giá tụt dốc từ 10USD/kg năm 2015, chỉ còn 2USD/kg năm 2019, nên dù tăng 23,4% về lượng song kim ngạch vẫn giảm 4,8%. Lượng cung hồ tiêu toàn cầu mỗi năm tăng 8-10%, trong khi nhu cầu của thế giới chỉ tăng 2-3%/năm. Cao su là 1 trong 2 mặt hàng tăng 10%, song vẫn tồn tại nhiều bất cập.
Cụ thể, một số vùng trồng ngoài quy hoạch, điều kiện tự nhiên khó khăn; diện tích cao su tiểu điền chiếm tỷ lệ khá lớn, chất lượng không ổn định, giá thường thấp so với giá cao su đại điền; tỷ trọng cao su già cỗi ở vùng trồng truyền thống hiện đang ở mức cao; 80% cao su thiên nhiên được xuất khẩu dưới dạng chế biến thô.
Cơ hội vẫn có
Cơ hội vẫn có
Công bằng mà nói, trong những năm qua thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với việc áp dụng những thành tựu mới về công nghệ sinh học… đã đơm những trái ngọt đầu mùa. Việt Nam đã có thương hiệu gạo ST24 ngon nhất thế giới, sẽ làm đầu tầu kéo “hạt gạo làng ta” hãnh diện bước vào phiên mới của chợ gạo quốc tế. Không chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mà Sơn La, Hà Nội cũng có nhãn xuất khẩu. Những lô xoài từ nhiều miệt vườn, sau bước thăm dò sẽ xuất khẩu đại trà tới bến bờ xa.
Hiện tại, Mỹ đã chính thức công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ. Hệ thống này được Mỹ đánh giá đạt mức cao nhất (80%) so với tỷ lệ ủng hộ dành cho Trung Quốc (57%) và Thái Lan (40%). Các hiệp định thương mại tự do (FTA) loại bỏ thuế quan cho nông phẩm sẽ là cơ may lớn để nông phẩm nước ta tiến vào các thị trường, không chỉ là các thị trường truyền thống mà cả những phương trời mới. Đó là thị trường lớn EU, 10 đối tác trong CPTPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Bước vào hiệp định FTA với Hàn Quốc (VKFTA), Việt Nam đã xây dựng được cơ chế trao đổi để giảm thiểu tối đa hàng rào kỹ thuật của Hàn Quốc - trở ngại chính đối với hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Đặc biệt, lần đầu tiên Hàn Quốc mở cửa cho những hàng nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, tôm.
Theo báo cáo của Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, Việt Nam là nước có tỷ lệ tận dụng C/O AKFTA (FTA ASEAN - Hàn Quốc) ưu đãi tốt nhất trong số các nước ASEAN xuất khẩu vào Hàn Quốc. Việt Nam cùng các nước ASEAN khác cùng là thành viên câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hàng dệt may.
Cơ hội sẽ mở ra khi FTA EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, bởi dư địa về sản phẩm nhiệt đới của EU khá lớn và được lượng hóa bằng nhiều mức thuế nhập các loại nông phẩm vào EU sẽ giảm. Hàng hóa chế biến từ nông phẩm có nguồn gốc từ 2 bên cũng sẽ được ưu đãi thuế quan so với các sản phẩm khác nguồn nguyên liệu từ ngoài khối.
EU cam kết giúp Việt Nam xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó điểm nhấn đối với nông nghiệp. Hiệp định còn có cam kết tạo điều kiện cho 2 bên tham gia, mở rộng thương mại, không áp dụng hạn chế liên quan đến số lượng doanh nghiệp tham gia; trị giá giao dịch; tần suất hoạt động; vốn góp của nước ngoài; hình thức của pháp nhân; số lượng thể nhân được tuyển dụng. Điều này, phù hợp với đặc thù “trăm hoa đua nở” của xuất khẩu nông phẩm Việt Nam.
Chìa khóa trong tay
Chìa khóa trong tay
Xây dựng nền nông nghiệp hướng theo CMCN 4.0, không chỉ áp dụng công nghệ cứng (máy móc) mà cả công nghệ mềm, các phương thức kết nối phi truyền thống. Ưu tiên xây dựng hạ tầng nông thôn, cảnh báo sớm về thời tiết, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản công nghệ sinh học. Thực hiện xanh hóa nông nghiệp, phát triển đi đôi với bảo vệ và bồi bổ môi trường. Vinh danh sáng kiến xử dụng nhiều các phụ phẩm, chất thải từ chính cây trồng, vật nuôi; hạn chế dùng các chất vô cơ.
Bên cạnh đó là ứng dụng kịp thời kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Ứng phó với tình hình mới, rà soát sản xuất, hãm tốc độ sinh trưởng của cây trái, giảm bớt loại cây ra quả trái vụ, các diện tích chưa gieo trồng, xem xét chuyển sang cây trồng khác phù hợp với thị trường. Chuyển một phần thực phầm, thủy sản tươi sống sang chế phẩm đông lạnh, đóng hộp, hàng khô. Chế biến nông phẩm xuất khẩu theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực Quốc gia, cấp tỉnh và chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Kết nối giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến - bảo quản - thị trường - xây dựng thương hiệu.
Việc cần làm lúc này là tiếp tục mở rộng thị trường, tận dụng các FTA, đạt được thỏa thuận về công nhận lẫn nhau kết quả kiểm dịch động thực vật, dỡ bỏ rào cản, đảm bảo công bằng trong thương mại. Thoát dần phụ thuộc vào một thị trường, đó là đòi hỏi tất yếu. Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc, chúng ta cần thỏa thuận thêm cửa khẩu được hưởng quy chế luồng xanh, nới rộng thời gian thông quan, nhất là trong thời vụ thu hoạch rộ, đợt hàng tươi sống song song với việc cập nhật, xử lý linh hoạt mọi tình huống.
Doanh nghiệp Việt đã và sẽ biết làm gì để không lỡ chuyến tàu hội nhập, vì chìa khóa đang nằm trong tay chúng ta. Theo đó, đa dạng hóa thị trường nông phẩm để không phụ thuộc vào một thị trường, đồng thời là động lực để tự làm mới nông phẩm Việt Nam. |