
Doanh nghiệp “hiến kế”
Bà Đặng Thị Kim Oanh, đại diện CTCP Địa ốc Kim Oanh, cho biết đã nghiên cứu mô hình NoXH tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Malaysia, Singapore và nhận thấy việc áp dụng mô hình nhà bê tông lắp ghép sẽ giúp rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí và đảm bảo chất lượng công trình.
Theo đó, mô hình nhà lắp ghép được sản xuất sẵn tại nhà máy và chỉ cần lắp đặt tại công trường, giúp tiết kiệm thời gian xây dựng. Hơn nữa, chất lượng công trình được đảm bảo với độ bền trên 50 năm, đồng thời giảm tác động môi trường so với phương pháp xây dựng truyền thống.
Đặc biệt, với thiết kế linh hoạt, các căn hộ có thể có diện tích đa dạng 1-4 phòng ngủ, phù hợp với nhu cầu của nhiều hộ gia đình. Ngoài ra, mô hình này cũng giúp giảm chi phí nền móng nhờ trọng lượng nhẹ, phù hợp với các khu vực có nền đất yếu. Bà Oanh tiết lộ, Kim Oanh đang hợp tác với một DN hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này để triển khai sản xuất nhà lắp ghép ngay tại Việt Nam, nhằm cung cấp giải pháp nhà ở chất lượng với giá cả hợp lý.
Bên cạnh việc đổi mới mô hình xây dựng, chính sách tài chính cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân tiếp cận NoXH. Các DN kiến nghị áp dụng mô hình vay vốn dài hạn với lãi suất thấp, tương tự như cách làm của nhiều nước phát triển.
Đại diện Tập đoàn Becamex cho rằng, chính phủ cần triển khai chương trình cho vay ưu đãi với thời gian dài lên đến 25 năm và lãi suất cố định. Đây là chính sách quan trọng giúp người thu nhập thấp có thể sở hữu nhà ở một cách bền vững, tránh tình trạng biến động lãi suất ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Một điểm đáng chú ý khác là Chính sách phân luồng đối tượng mua nhà theo thu nhập, tương tự mô hình của Singapore. Tùy vào mức thu nhập của người mua, chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính với các mức ưu đãi khác nhau.
Thí dụ, người có thu nhập thấp sẽ được vay lãi suất ưu đãi chỉ 1-2% và hỗ trợ chi phí quản lý, vận hành; trong khi những người có thu nhập cao hơn có thể mua NoXH ở phân khúc giá cao hơn với mức hỗ trợ thấp hơn. Điều này giúp đảm bảo công bằng và tránh tình trạng người có điều kiện kinh tế tốt hưởng ưu đãi của NoXH.
Khai thông thủ tục
Một trong những rào cản lớn đối với phát triển NoXH hiện nay chính là thủ tục pháp lý rườm rà, mất nhiều thời gian. Nhiều DN bất động sản (BĐS) kiến nghị, cần có cơ chế đơn giản hóa thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đại diện Tập đoàn Phú Cường cho biết, một trong những dự án NoXH tại TPHCM của tập đoàn này đã hoàn tất thủ tục chỉ trong 4 tháng và bàn giao nhà trong vòng 2 năm. Đây được xem là dự án có tiến độ nhanh nhất hiện nay. Tuy nhiên, để mô hình này nhân rộng, cần có sự quyết liệt hơn từ phía chính quyền.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea) “hiến kế” hàng loạt giải pháp, nhằm giảm 500 ngày thủ tục cho DN triển khai dự án NoXH. Cụ thể, đề xuất cho phép UBND cấp tỉnh chỉ định chủ đầu tư đối với các dự án NoXH sử dụng quỹ đất do cơ quan Nhà nước quản lý (đất công), mà không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và Luật Đấu thầu.
Ông Châu lý giải, Khoản 1 Điều 84 Luật Nhà ở 2023 quy định, với các dự án NoXH sử dụng vốn nhà nước, việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện theo pháp luật về đầu tư công và xây dựng. Tuy nhiên đối với quỹ đất công, luật lại yêu cầu đấu thầu nếu có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm. Quy trình này có thể kéo dài hơn 500 ngày. Vì vậy, đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm cho phép chỉ định thầu trong các trường hợp này để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Trình các chính sách ưu đãi trong tháng 3
Tại hội nghị về phát triển NoXH vừa qua, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, NoXH được Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách để giảm chi phí, giảm giá thành, nhưng chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn phải bảo đảm; hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, điện nước… phải đồng bộ, thuận lợi.
Phát triển NoXH là một động lực phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay, góp phần tăng đầu tư, tiêu dùng, bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội. Đầu tư cho NoXH là đầu tư cho sự phát triển của đất nước; là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, người dân và DN.
Trước các kiến nghị của DN và bộ ngành, Thủ tướng nêu ra hàng loạt nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các bộ ngành, địa phương. Về thể chế, Bộ Xây dựng chủ trì, rà soát lại thể chế, quy trình, thủ tục vướng mắc ở điểm nào, ai giải quyết, làm trong bao lâu, khi nào có kết quả, “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”. Lĩnh vực ưu đãi phải có chính sách ưu đãi, Thủ tướng yêu cầu việc này phải trình trong tháng 3, chậm nhất trong tháng 4.
Về quy hoạch, các địa phương phải quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch NoXH phù hợp, chậm nhất trong quý II-2025 phải xong, nếu vướng mắc thì đề xuất. Các địa phương có kế hoạch, chủ động giao đất cho các chủ đầu tư; nghiên cứu thu hồi các dự án lãng phí, khu đất bỏ hoang nhiều năm, xử lý vướng mắc, giao cho các chủ đầu tư…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát lại tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức liên quan NoXH như chiều cao, vật liệu xây dựng… Thủ tướng chỉ đạo cần thiết kế mẫu mã phù hợp từng vùng miền, để có thể nghiên cứu việc tiến hành sản xuất hàng loạt, sử dụng các cấu kết lắp ghép để thi công nhanh; giao cho các DN lớn triển khai, góp phần phát triển các ngành công nghiệp phục vụ NoXH như sản xuất cấu kiện thép, bê tông…
Về hạ tầng, các địa phương phải phát triển đồng bộ hạ tầng, đáp ứng yêu cầu, nếu cần thì đầu tư công. Về cơ chế vốn cho dự án NoXH, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mức lợi nhuận phù hợp (hiện 10%), có thể tăng nhưng quan trọng là dự án phải làm nhanh, kịp thời, thay vì thủ tục phải mất 3 năm thì chỉ làm trong 1, 2 tháng sẽ giúp tiết kiệm chi phí tuân thủ, vì nếu dự án kéo dài chi phí tuân thủ cũng tăng lên, gây lãng phí thời gian, công sức, niềm tin. Phải làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
Về huy động nguồn lực, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, hoàn thành việc lập quỹ nhà ở quốc gia trong tháng 3-2025. Thực hiện phê duyệt danh sách người được mua, thuê mua, thuê NoXH trên cơ sở dữ liệu dân cư tích hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí.
Cùng với đó, có cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng của địa phương; huy động nguồn lực xã hội, người dân, hợp tác công tư; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội…
Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước không tính tín dụng cho vay NoXH vào room tín dụng của các ngân hàng. Văn phòng Chính phủ chủ trì, rà soát, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính trong năm 2025.