Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động, tích cực giải quyết các tồn tại, vướng mắc (đặc biệt nhà thầu gói thầu CP3 của Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên), đẩy nhanh hoàn thành thi công các hạng mục còn lại.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành các công việc, nội dung, thủ tục (chạy thử hệ thống, vận hành thử hệ thống, báo cáo an toàn hệ thống, giấy chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, chấp thuận về môi trường, đào tạo nhân sự vận hành và bảo trì, nghiệm thu hoàn thành dự án…) để bảo đảm đưa vào sử dụng tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên vào tháng 12.
Yêu cầu UBND TPHCM rà soát các nguồn vốn và phương án thu xếp, sử dụng vốn vay, sớm làm việc với các nhà tài trợ để hoàn tất các thủ tục gia hạn Hiệp định vay, lập kế hoạch triển khai hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp phối hợp với TPHCM hoàn thành thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên trong tháng 6 và tổng hợp, tham mưu Chính phủ báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án.
Đối với Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM đến năm 2035, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội và UBND TPHCM khẩn trương hoàn thành đề án, xin ý kiến Ban cán sự Đảng UBND TPHCM, Thường trực Thành ủy và gửi Bộ GTVT trước ngày 28-5 để rà soát, tổng hợp; Bộ GTVT chủ trì, phối hợp lấy ý kiến các thành viên tổ công tác, các bộ, cơ quan liên quan và tiếp thu giải trình đầy đủ trước khi trình Thường trực Chính phủ.
Đường sắt đô thị là phương thức vận tải có vai trò rất quan trọng đối với các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM. Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và hai thành phố đã tích cực, nỗ lực triển khai đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đến nay mới có duy nhất tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác năm 2021, bước đầu đã phát huy được hiệu quả của phương thức này.
Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã định kỳ họp, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, trong đó có các công trình, dự án đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội và TPHCM, tuy nhiên các tuyến còn lại đều đang bị chậm tiến độ, phải lùi giãn tiến độ nhiều lần, làm tăng tổng mức đầu tư.
Ngoài các tuyến đang triển khai đầu tư, còn 16 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của Hà Nội và TPHCM chưa thực hiện. Để hoàn thành mục tiêu theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, khối lượng công việc thực hiện trong giai đoạn tới là rất lớn. Đối với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đang triển khai, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc sớm hoàn thành, đưa dự án đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội và dự án đường sắt đô thị TPHCM, đoạn Bến Thành - Suối Tiên vào vận hành khai thác, phục vụ nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.