Mọi đề xuất chỉ thực sự sáng suốt sau khi đã có những đánh giá toàn diện và có căn cứ từ thực tế cuộc sống, trong khi điều đó chỉ có sớm nhất cuối quý I-2020. Từ nay đến đó chúng ta nên xây dựng khung phân tích đánh giá tình hình đồng thời chuẩn bị các kịch bản đối phó nhằm nắm thế chủ động trong mọi tình huống, đặc biệt khi “chiếc hộp pandora” (*) dịch bệnh vẫn ẩn chứa không ít điểm đen thông tin.
Những nội dung trọng tâm
Những nội dung trọng tâm
Thứ nhất, dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến các ngành dịch vụ, nhất là du lịch và vận tải hàng không, chưa kể dịch vụ ăn uống và thương mại hàng hóa. Các chỉ tiêu về biến động khách du lịch cả trong và ngoài nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cũng như lưu lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa, cần được thu thập và phân tích thật chi tiết, kỹ lưỡng, đồng thời phân tích rõ tác động của Covid-19 đến các chỉ tiêu đó.
Ngoài ra, không thể bỏ qua đánh giá tác động của lĩnh vực có liên quan đến dịch vụ, chẳng hạn như bất động sản du lịch, cơ sở hạ tầng thương mại, lao động trong các ngành dịch vụ, vốn đầu tư và dòng tiền của các cơ sở kinh doanh dịch vụ...
Thứ hai, dịch Covid-19 không tác động trực tiếp và nặng nề tới khu vực công nghiệp và nông nghiệp, song ảnh hưởng tiêu cực là không thể phủ nhận. Trước hết, sự đình trệ sản xuất của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng và chưa biết đến bao giờ được phục hồi trở lại.
Theo đó, thương mại và sản xuất kinh doanh toàn cầu nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng, chịu tác động chưa từng thấy so với thời khủng hoảng châu Á 1997-1999 hay khủng hoảng toàn cầu 2008-2009. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nên dịch Covid-19 chính là phép thử khắc nghiệt đối với các nhà sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp Việt Nam.
Biến động mạnh của các yếu tố đầu vào lẫn đầu ra sẽ bộc lộ khi doanh nghiệp và hộ nông dân sử dụng hết hàng hóa vật tư dự trữ sản xuất, hay thực hiện hết đơn hàng đã ký kết. Vì vậy, việc phân tích đánh giá chính xác toàn bộ yếu tố này của nền kinh tế, của từng nhà sản xuất, đặc biệt cần thiết và quan trọng.
Thứ ba, dù Việt Nam mới có 16 ca dương tính với Covid-19 (nay đã chữa khỏi toàn bộ), nhưng nguồn lực và chi phí để phòng chống dịch không thể tách rời cân đối tổng thể phân bổ nguồn nhân tài vật lực của quốc gia năm 2020. Thậm chí, cân đối theo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 cũng cần được xem xét điều chỉnh cho phù hợp, cả phần chi cũng như phần thu, nhất là khi diễn biến dịch trên thế giới và ở Việt Nam vẫn rất phức tạp và khó lường.
Thứ tư, nội dung cơ bản của mỗi kịch bản phát triển kinh tế - xã hội ứng phó với Covid-19 không phải là GDP tăng trưởng bao nhiêu, lạm phát thế nào, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng giảm ra sao, mà là hệ thống chính sách để giảm thiểu thiệt hại do dịch gây ra, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân. Các chính sách đó cần đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và hiệu ứng. Tính nhất quán, đồng bộ cần được xuyên suốt từ chính sách tín dụng, tiền tệ, tài khóa, tỷ giá hối đoái, đến thương mại, đầu tư...
Bài học kinh nghiệm
Bài học kinh nghiệm
Kiểm soát tốt lạm phát năm 2019 để lại nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích cho những năm tiếp theo. Song dấu hiệu lạm phát nóng trở lại từ cuối năm 2019 do yếu tố giá cả thị trường lẫn tiền tệ buộc chúng ta phải hết sức cẩn trọng trong thực hiện CSTT. |
So với tháng trước, CPI tháng 1-2020 lên tới 1,23% sau khi lên đỉnh 1,4% vào tháng 12-2019. Lạm phát không chỉ là kết quả của sự vận động hay/và quản lý điều hành thị trường giá cả, còn là hệ quả tất yếu của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là CSTT.
Hiện nay, Việt Nam vẫn quan tâm tới lạm phát giá cả hơn lạm phát tiền tệ, với thước đo là lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản tháng 12-2019 tăng 0,68% so với tháng trước và tăng 2,78% so với cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2019 tăng 2,01% so với bình quân năm 2018. Sang tháng 1-2020, lạm phát cơ bản tiếp tục tăng 0,76% so với tháng 12-2019 và tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước. Biến động lạm phát cơ bản năm 2019 cho thấy sau giai đoạn bình lặng suốt nhiều tháng, bắt đầu từ tháng 11, nhất là từ tháng 12-2019, lạm phát tiền tệ đã có dấu hiệu tăng mạnh.
Tuy nhiên, CSTT tín dụng thận trọng đã góp phần tích cực vào kiểm soát lạm phát năm 2019. Do đó, mọi đề xuất nới lỏng CSTT trong năm 2020 để kích thích tăng trưởng có thể là con dao hai lưỡi khi tiền tệ đi đôi với lạm phát giá cả như thịt lợn. Chẳng hạn có thể gây ra nguy cơ mất kiểm soát lạm phát - đánh mất những gì đã đạt được trong 2018-2019 nhờ duy trì CSTT tín dụng chủ động và thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, sự ổn định của tỷ giá hối đoái cũng là yếu tố quan trọng trong kiểm soát lạm phát năm 2019, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều tiếp tục tăng với cán cân thương mại hàng hóa thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD. Dòng kiều hối về Việt Nam cũng đạt mốc kỷ lục với 16,7 tỷ USD và dự trữ ngoại hối cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Chỉ số giá USD tháng 12-2019 giảm 0,19% so với tháng trước và giảm 0,77% so với cùng kỳ năm 2018; bình quân năm 2019 tăng 0,99% so với năm 2018.
Như vậy, VNĐ chỉ mất giá khoảng 1% so với USD trong suốt năm 2019, thậm chí cuối năm còn lên giá nhẹ. Nếu so với cùng kỳ, đây là thành công của Việt Nam trong ổn định tỷ giá hối đoái, duy trì giá trị đối ngoại của VNĐ phù hợp với mức lạm phát bình quân năm tương đương các nước công nghiệp phát triển.
---------------
(*) Pandora là một chiếc hộp được thần Zeus tặng nàng Pandora - người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người. Trong chiếc hộp là những điều kỳ bí: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh…
---------------
(*) Pandora là một chiếc hộp được thần Zeus tặng nàng Pandora - người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người. Trong chiếc hộp là những điều kỳ bí: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh…