Mắc kẹt trong "trận chiến" đa phương
Trong khi nỗ lực khắc phục tình trạng “thâm hụt kép” (thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại) vốn đã đeo đuổi nền kinh tế Mỹ nhiều thập niên qua, Mỹ đã bị mắc kẹt trong "trận chiến" đa phương với hầu hết các đối tác thương mại lớn.
Cuối tuần trước, cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã có diễn biến mới khi đám phán giữa Mỹ và Canada rơi vào bế tắc. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán trong tuần này.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ ông đang nhắm đến mục tiêu thực hiện một thỏa thuận mới trong vòng 90 ngày và thỏa thuận này có thể có hoặc không có sự tham gia của Canada.
Theo Bloomberg, nhiều khả năng trong tuần này Mỹ sẽ đánh thuế bổ sung lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu chiêu bài của ông Trump sẽ ra sao, nếu mối đe dọa về cuộc chiến thương mại toàn cầu trở thành hiện thực.
Các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư tỏ ra rất lo ngại về hậu quả đối với kinh tế thế giới nếu Mỹ không thể đạt được sự đồng thuận với các nền kinh tế lớn như châu Âu, Canada và đặc biệt là Trung Quốc.
Theo một số nhà kinh tế học, quan điểm chiến tranh thương mại của ông Trump tập trung vào 2 giả định chính. Thứ nhất, Mỹ có thể hạn chế thâm hụt đang tăng nhanh bằng cách thương lượng lại với các đối tác thương mại lớn. Thứ 2, Mỹ sử dụng biện pháp thuế quan để buộc các nước phải ngồi vào bàn đám phán.
Đầu tháng 8/2018, Tổng thống Donald Trump ám chỉ rằng các biện pháp thuế quan mà ông đưa ra đã đem lại những “kết quả vô cùng lớn”. Ông Trump cho rằng nguồn thu từ thuế quan có thể giúp giảm bớt khoản nợ liên bang. Hiện nợ liên bang của Mỹ đã lên tới 21.000 tỉ USD.
Một số nhà kinh tế cho rằng, quan điểm của ông Trump giống thời kỳ trước kia của nước Mỹ khi mà thuế quan là nguồn thu thuế chính của chính phủ liên bang.
Nhà sử học kinh tế Brian Domitrovic cho biết, cơ cấu thuế quan chiếm tỉ trọng chính ở Mỹ kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Tỉ trọng thuế này đã giảm đi khi Mỹ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Các động thái thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra cú hích nhẹ đối với nền kinh tế Mỹ khi số liệu của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho thấy nước này đã thu thêm hơn một tỷ USD từ thuế nhập khẩu nhôm và thép.
Ông David Wessel, Giám đốc Trung tâm Chính sách Tài khóa và Tiền tệ Hutchins tại Viện Brookings, cho rằng việc Mỹ sử dụng công cụ thuế quan để bù đắp cho khoản nợ liên bang là “điều bất hợp lý”, bởi chi tiêu của chính phủ liên bang không biết bao nhiêu là đủ.
Chuyên gia Wessel cho rằng: “Tổng thống Mỹ có vẻ thích thú với con số ngân sách Mỹ cách đây 100 năm. Thời điểm đó, hầu hết nguồn thu của Chính phủ liên bang đến từ thuế quan, tuy nhiên chính phủ liên bang thời điểm đó có quy mô nhỏ hơn nhiều so với hiện tại và không thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế, an ninh nội bộ hay là các chương trình chi tiêu khác tốn kém lên tới hàng nghìn tỉ USD.”
Thâm hụt - vấn đề nội tại nền kinh tế Mỹ
Cả thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại của Mỹ đều trở nên nghiêm trọng hơn do động thái cắt giảm thuế trong nước mà Mỹ phê duyệt hồi đầu năm nay.
Một mặt, động thái cắt giảm thuế đã kích cầu trong nước, khuyến khích người tiêu dùng Mỹ mua sắm nhiều hơn, cả hàng nội địa và hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, cắt giảm thuế cũng khiến chính phủ liên bang mất đi khoản thu, tác dụng ngược lên thâm hụt chi tiêu của chính phủ và có thể châm ngòi cho khủng hoảng kinh tế.
Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins nhận định: Thâm hụt là vấn đề nội tại nền kinh tế Mỹ. Việc phê chuẩn cắt giảm thuế trong nước của ông Trump hồi đầu năm nay, cùng với việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn một đạo luật chi tiêu khổng lồ, sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang lên trên 1.000 tỷ USD vào năm 2019 và các năm sau đó.
Theo ông Hanke, các chính sách tài khóa hiện nay đang được nới lỏng với chi tiêu chính phủ tăng lên và nguồn thu thuế bị sụt giảm.
Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng hàng nhập khẩu tại Mỹ vẫn tăng. Số liệu của Cơ quan Thống kê Dân số Mỹ cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên 72,2 tỷ USD trong tháng 7/2018, trong đó kim ngạch nhập khẩu của nước này gần gấp đôi kim ngạch xuất khẩu.
Song, vấn đề thâm hụt càng trở nên phức tạp do cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc. Trong bối cảnh thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến gần 400 tỷ USD, Mỹ đã có những biện pháp thuế quan mạnh tay lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy mạnh thực hiện chính sách "thương mại công bằng" nhằm kích thích tiêu dùng hàng nội địa, đồng thời tăng cường áp thuế quan để hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Theo GS. Hanke, nếu hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm, hàng nhập khẩu từ các nước khác sẽ tăng lên. Và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ xấu đi bởi Trung Quốc sẽ không dễ bị "cuốn theo".