Chính sách tín dụng: Nhỏ mà chắc, lớn không bền

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây, hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cùng với tình trạng phải giảm lãi để gia hạn nợ và thu hồi nợ tại các DN lớn đang ngày càng phổ biến, nên nhiều NH có xu hướng tìm giải pháp thích hợp để tiếp cận các DNNVV.
 

Ngại cho vay những ông lớn

 Các NHTM phải đi theo xu hướng chung của các NH trong khu vực và trên thế giới, hướng đến phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, DNNVV, cung ứng dịch vụ chất lượng cao cho DN lớn, phát triển thị trường sản phẩm mục tiêu để đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu.
Theo báo cáo tài chính của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM mới đây, QCG cho biết từ tháng 3-2017 đã hoàn tất việc thanh toán toàn bộ nợ gốc 1.376,7 tỷ đồng và khoản lãi 251,9 tỷ đồng cho BIDV. Báo cáo tài chính nêu rõ, ngày 5-12-2016, QCG đã đệ trình công văn đến BIDV Quang Trung về việc xin giảm lãi và tất toán khoản vay được dùng để tài trợ cho dự án Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM) của công ty.
Theo đó, QCG đề nghị phương án thanh toán toàn bộ khoản nợ vay gốc ngày 31-12-2016, nợ lãi vào trước ngày 31-3-2017 và đề nghị được giảm 50% trên số lãi vay phải trả. 

Ngày 31-12-2016, QCG đã nhận được công văn từ BIDV Quang Trung chấp thuận cho việc đề nghị miễn giảm lãi theo phương án đề nghị trả nợ gốc và lãi như đã nêu trên. Theo đó, khoản lãi phải trả cho BIDV giảm từ 452,6 tỷ đồng xuống còn 251,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, để giảm lãi như trên, BIDV đã yêu cầu QCG phải trả toàn bộ nợ, kể cả các khoản nợ nhà ở xã hội lãi 5%/năm chưa đến hạn và BIDV tuyên bố chấm dứt quan hệ tín dụng với QCG dưới mọi hình thức kể từ đây.

Trước đó, tại ĐHCĐ của VPBank vào tháng 4-2017, tình trạng của khoản nợ hơn 2.000 tỷ đồng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng là một trong những nội dung được cổ đông quan tâm và phía NH cũng đã chia sẻ cụ thể. Lãnh đạo VPBank cho biết, nằm trong chương trình tái cấu trúc của Chính phủ với HAGL, VPBank đã làm việc trong nhiều tháng với cơ quan quản lý và công ty này để tìm ra hướng cấu trúc nợ.
Theo đó, khoản vay hơn 2.000 tỷ đồng được giãn từ 2 lên 5 năm, một phần được cơ cấu ở nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn), một phần ở nhóm nợ 2 (nợ cần chú ý). Như vậy với kế hoạch hoạt động trở lại của HAGL từ tháng 3, trong năm nay dự kiến HGL đã có thể trả nợ một phần và việc trả nợ sẽ tốt hơn trong năm 2018. 

Phía NH đánh giá HAGL mất cân đối vốn do giá nông sản, còn cơ sở cân đối tài sản tương đối tốt. Khoản nợ hơn 2.000 tỷ đồng của HAGL tại VPBank chủ yếu tập trung những lĩnh vực hoạt động thực như nông sản, chăn nuôi, thủy điện, HAGL đang vượt qua giai đoạn khó khăn, các khoản nợ chủ yếu xếp vào nhóm 1 nên rủi ro gần như không có.
Hiện hầu hết các NH đều cho rằng những khoản vay tại DN này không đáng lo ngại vì tài sản của DN này rất lớn, tuy nhiên trong hoạt động cho vay, trường hợp như HAGL cũng tạo áp lực lớn với các NH trong việc bảo toàn vốn, thu hồi nợ.

Xu hướng nhiều NH tìm đến doanh nghiệp nhỏ đủ điều kiện để bơm vốn. 
Ảnh: LONG THANH 

Chính sách tín dụng cho DNNVV

Vài năm gần đây, trường hợp NH gặp khó khăn khi thu hồi nợ đối với các DNNN, DN lớn khá phổ biến, trong khi trước kia việc cấp tín dụng cho các DN này từng là mong muốn của không ít NH. Sau nhiều vụ việc xảy ra, hiện nay có thể thấy khẩu vị của hầu hết NH thay đổi theo hướng thận trọng hơn rất nhiều trong hoạt động cho vay đối với DN lớn và đang có xu hướng quan tâm đến các DNNVV đủ điều kiện ngày càng được mở rộng. Hiện NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các TCTD báo cáo định kỳ hàng quý tình hình cho vay DNNVV tại địa phương, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với DNNVV. 

Mới đây, thông qua Quỹ hỗ trợ DNNVV của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, nhiều DNNVV đã tiếp cận được vốn với lãi suất chỉ 6%/năm, cố định trong suốt chu kỳ 5 năm. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết việc mở rộng tín dụng đối với DNNVV đã và đang nhận được đồng thuận cao. Bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Khối DNNVV ABBank, cho biết NH vừa triển khai dịch vụ NH chuyên biệt cho DNNVV và phát triển danh mục 7 sản phẩm về cho vay thế chấp và cho vay tín chấp, nghiên cứu dựa trên chính các nguyên nhân khiến DNVVN tại Việt Nam không tiếp cận được vốn, tinh chỉnh theo nhu cầu và đặc thù kinh doanh của từng đối tượng DN để các DNVVN đều có cơ hội tiếp cận vốn vay.

Trước đây NH nào cũng sợ rủi ro cho vay DNNVV nên thường tìm khách hàng lớn và chuộng cho vay bất động sản hơn các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, khoản vay đối với các DN lớn, DN bất động sản đang ngày càng có nhiều rủi ro. Như với trường hợp của chủ nợ BIDV và QCG, lãnh đạo QCG khẳng định trong trường hợp BIDV phát mãi nợ xấu cũng sẽ không bán được, vì không ai dám mua với tình trạng dự án dở dang. Khi xảy ra rủi ro, do khoản nợ quá lớn, NH buộc phải chịu “lép vế”, sử dụng các giải pháp như giảm lãi, khoanh nợ, giãn nợ để thu hồi vốn và lãi. 

Một thực trạng của DN Việt Nam là hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay NH, thậm chí có DN còn sử dụng biện pháp đòn bẩy tài chính rất lớn, dựa quá nhiều vào vốn vay hơn là dòng tiền thực tế kinh doanh. Nhu cầu vốn của DN lại tập trung vào phân khúc trung và dài hạn. Những năm trước, tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 75-80% tổng dư nợ tín dụng và hiện nay đã giảm về khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng. Song cơ cấu vốn huy động vốn không có sự thay đổi, vốn huy động trung, dài hạn của toàn hệ thống TCTD chỉ chiếm khoảng 15%. Sự chênh lệch kỳ hạn huy động và cho vay luôn tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống NH.

Các tin khác