Cùng với việc thí điểm cho khách du lịch quốc tế, “cánh cửa” với Việt kiều sắp mở rộng, tạo đà cho hàng không và du lịch hồi phục.
Mong mỏi ngày về
Cuối tháng 9, chị Mai Hương (TP.HCM) quyết định qua Mỹ thăm con. Trong thời gian ở Mỹ, chị Hương luôn canh chính sách mới để đặt chuyến bay về. Dù vậy, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước vẫn phức tạp, bay quốc tế thường lệ chưa chính thức mở lại nên các chuyến bay về đều là hình thức charter hoặc đưa người Việt hồi hương với chi phí khá cao.
May mắn khi đặt được chuyến bay hồi hương ngày 17.11 của Vietnam Airlines, chị Hương đã trải qua hành trình dài gồm nhiều chặng transit từ nơi chị đang ở là Chicago đi Los Angeles, sau đó từ Los Angeles qua Tokyo (Nhật Bản) trước khi về Đà Nẵng để cách ly 7 ngày, rồi bay về lại TP.HCM. Dù chi phí phát sinh rất nhiều, gấp 3 lần chiều đi, song chị Hương vẫn thấy may mắn khi được về nước.
Chị Phương Tú (đang sinh sống và làm việc ở Đức) cũng đang xếp hàng chờ được về nước theo diện các chuyến bay hồi hương. “Sốt ruột lắm rồi mà không biết làm sao. Đã gần 3 năm rồi tôi chưa được về nhà. Ngày nào tôi cũng gọi điện về xem tình hình sức khỏe của mẹ thế nào.
Tháng trước em gái lấy chồng, tôi cũng không có mặt, phải dự đám cưới online. Giờ tôi chỉ tha thiết được về nhà càng sớm càng tốt, mở đường bay thì vé giá cao tôi cũng chấp nhận”, chị Tú xúc động chia sẻ.
Hàng triệu kiều bào VN tại nước ngoài đang ngóng chờ những chuyến bay thương mại về nước |
Theo Bộ GTVT, từ cuối tháng 3.2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19 và nhằm kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, hành khách là công dân VN hoặc người nước ngoài nhập cảnh trên các chuyến bay quốc tế đều phải có văn bản đồng ý của các cấp có thẩm quyền và thực hiện cách ly y tế 7 ngày hoặc 14 ngày.
Tính từ tháng 4.2020 đến tháng 9.2021 đã có 274.200 người nhập cảnh qua đường hàng không. Các hãng hàng không cũng đã tổ chức hơn 400 chuyến bay hồi hương cho hơn 110.000 công dân về nước và gần 150 chuyến bay theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly (combo) với hơn 30.000 công dân.
Tuy nhiên, nhu cầu về nước của Việt kiều cũng như người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh VN làm ăn kinh doanh, đầu tư lớn hơn nhiều con số này. Các hãng hàng không, hãng lữ hành cũng như các chuyên gia đều cho rằng việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ cũng như nới các điều kiện cách ly đang là nhu cầu bức thiết.
Sớm mở cửa cho Việt kiều và khách quốc tế, không chỉ mang tới cơ hội trở về quê hương cho hàng trăm nghìn người Việt xa quê mà còn thúc đẩy sự hồi sinh của hàng không và du lịch.
Cửa sắp mở, vẫn vướng cách ly
Việc nước ta chưa cho bà con sống ở nước ngoài đã tiêm vắc xin được về nước bằng các chuyến bay thương mại mà không cần cách ly là rất vô lý TS Lương Hoài Nam, |
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 18.11, thông tin về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế như thường lệ và kế hoạch nhập cảnh cho kiều bào, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc mở rộng nhóm người được nhập cảnh VN có mang hộ chiếu vắc xin, trong đó có người VN định cư ở nước ngoài và thân nhân về nước để thăm thân, tham quan, du lịch.
Hiện Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất hướng dẫn cụ thể để áp dụng vào thời điểm phù hợp. Bộ GTVT cũng đã báo cáo Chính phủ việc mở lại các đường bay quốc tế thường lệ với 3 giai đoạn, giai đoạn 1 ngay trong quý 1/2022. Tuy nhiên, điều kiện là hành khách tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì cách ly tập trung 7 ngày, khách chưa tiêm đủ cách ly 14 ngày.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, cho rằng hiện có hàng triệu người VN ở nước ngoài muốn về Tổ quốc, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Việc nước ta chưa cho bà con sống ở nước ngoài đã tiêm vắc xin được về nước bằng các chuyến bay thương mại mà không cần cách ly là rất vô lý.
Theo ông Nam, người nhập cảnh từ nước ngoài còn ít rủi ro về dịch hơn người Việt đi lại nội địa vì họ đã tiêm vắc xin, trong khi còn một số người trong nước chưa tiêm. Nếu mọi người được đi lại trong nước tự do thì người Việt ở hải ngoại và người nước ngoài đã tiêm vắc xin cũng cần được tự do về nước.
Hàng triệu người Việt sống và làm việc ở nước ngoài có nhu cầu về nước, về nhà, nhất là khi Tết dương lịch, âm lịch đang đến gần.
Dưới góc độ du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, đánh giá Việt kiều sẽ là đối tượng khách lớn nhất, khả năng lấy khách nhanh nhất, tốt nhất đối với du lịch VN ở giai đoạn bắt đầu mở cửa này.
Ông phân tích VN đang kỳ vọng lượng khách từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc, nhưng đến giờ Trung Quốc vẫn mở rất hạn chế, chưa cho công dân ra nước ngoài, trừ một số đối tượng sang châu Âu. Các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... cũng tương tự. Đối với thị trường khách châu Âu, châu Mỹ, thông thường để lên kế hoạch đi du lịch sẽ mất 3 - 6 tháng.
Hiện đã sát mùa lễ Noel và năm mới, khả năng thu hút khách thị trường xa cho mùa du lịch cuối năm của VN ở mức rất thấp. Trong khi đó, sau 2 năm không thể về nhà thăm thân, hàng triệu kiều bào VN đang có nhu cầu về nước thăm họ hàng, người thân và tiêu tiền.
“Chính phủ đã công nhận hộ chiếu vắc xin, cần nhanh chóng mở đường bay quốc tế, mở rộng đối tượng khách cho Việt kiều về để không bỏ lỡ đối tượng tiềm năng rất lớn này”, ông Kỳ đề xuất.
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mở lại bay quốc tế là nhu cầu cấp thiết. Về quy định bắt buộc cách ly 7 ngày là khắt khe hơn các nước xung quanh. Họ đều đã mở cửa và có quy định cách ly y tế nhẹ nhàng hơn.
Đơn cử như Thái Lan chỉ yêu cầu xét nghiệm 72 tiếng trước đó và sau khi đến Thái Lan, có hộ chiếu vắc xin.
Như vậy, khách đến Thái Lan chỉ nghỉ 1 đêm ở khách sạn, hôm sau có xét nghiệm PCR âm tính là có thể đi khắp nơi. Vì vậy, nếu đã tiêm vắc xin, xét nghiệm âm tính là tương đối an toàn với người xung quanh và không cần cách ly 7 ngày.