Tuy nhiên, dù còn đang dự thảo nhưng xem ra khó khai thông cho vay điện tử khi mà luật vẫn đang tạo rào cản, còn NHNN khó quản lý theo kịp công nghệ đang phát triển như vũ bão.
TCTD muốn nhập làn cho vay trực tuyến
Theo số liệu được công bố trên webiste Sàn kết nối tài chính Tima, từ năm 2017 đến nay đơn vị này đã giải ngân cho vay trực tuyến (online) với tổng số tiền hơn 108.833 tỷ đồng, số người đăng ký vay online đạt trên 9,6 triệu.
Hay trên một nền tảng cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng cho thấy nhu cầu vay tiền nhanh qua kênh online của người dân đang rất lớn. Với sự phát triển như vậy, mô hình dịch vụ tín dụng thông qua các nền tảng trực tuyến đang là thách thức lớn đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), đồng thời kích hoạt tâm lý thay đổi phương thức cho vay từ offline sang online.
Hành trình TCTD thâm nhập xu hướng cho vay online phải kể đến sự tiên phong của FE Credit, khi triển khai ứng dụng cho vay tự động đầu tiên tại Việt Nam $NAP vào tháng 8-2018. Ứng dụng này tiếp nhận hồ sơ, xác minh và phê duyệt khách hàng tự động, ký hợp đồng điện tử, người vay sẽ nhận ngay trong ngày qua tài khoản NH hoặc bưu điện. Sau đó, các công ty tài chính khác cũng nhập cuộc.
Trước xu hướng đó, một số NH lớn như BIDV, VietinBank đã đề xuất NHNN cho phép triển khai cho vay trực tuyến nhưng cơ quan quản lý chưa có câu trả lời. Trong lúc chờ đợi, nhiều nhà băng đã triển khai cho vay online trên kênh NH số, song chỉ giới hạn ở sản phẩm vay thấu chi sổ tiết kiệm online.
Nay NHNN đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, trong đó có bổ sung quy định về cho vay qua phương tiện điện tử.
Theo NHNN, quy định này xuất phát từ đề nghị của TCTD và cũng để phù hợp với chủ trương chuyển đổi số ngành NH đến năm 2025, định hướng đến 2030 của Thống đốc NHNN tại Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11-5-2021. Nếu quy định này được thông qua, các TCTD sẽ có cơ hội tăng trưởng dư nợ rất lớn. Vì khi đó, nhà băng có thể phục vụ lượng lớn khách hàng chỉ thông qua các quy trình tự động, xét duyệt hồ sơ nhanh chóng với chi phí rẻ hơn.
Khó có thể phủ rộng
Khó có thể phủ rộng
Trước đây, cơ quan điều hành đã cho phép các TCTD sử dụng hướng dẫn về định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC) trong mở tài khoản thanh toán của cá nhân, phát hành thẻ. Thế nhưng trong hoạt động cho vay, TCTD phải tuân thủ Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong khi thông tư này không có quy định về áp dụng eKYC.
Hiện vấn đề này đã được giải quyết tại dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016 nói trên, mở cửa hoạt động cho vay qua phương tiện điện tử, tháo gỡ một phần khó khăn việc số hóa hoạt động cho vay. Dự kiến, cho vay tiêu dùng sớm được NH thực hiện trực tuyến và bùng nổ trong thời gian tới. Song số hóa hoạt động cho vay trong tương lai vẫn đối mặt với nhiều vấn đề lớn.
Đầu tiên là các giao dịch điện tử trong lĩnh vực NH không chỉ liên quan đến thẩm quyền NHNN, còn phải chấp hành Luật Giao dịch điện tử. Luật này ban hành từ năm 2005, đến nay công nghệ phát triển với tốc độ vũ bão, nhiều quy định trở nên lạc hậu.
Hiện Bộ Thông tin - Truyền thông đang trong quá trình hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), nhằm xây dựng một luật thống nhất, tạo hành lang pháp lý để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả ngành, lĩnh vực. Nếu luật này hoàn thiện và có quy định liên quan phù hợp với môi trường hiện tại, bao quát cả những thay đổi của tương lai, TCTD mới có thể khai thông cho vay trực tuyến như mong đợi.
Tiếp đến, cho vay trên nền tảng số đối mặt với nhiều vấn đề như an ninh mạng khi NH vẫn là đích ngắm của tội phạm mạng. Điều dễ thấy là hiện nay thông tin cá nhân như căn cước công dân, nhận diện khuôn mặt rất dễ dàng bị đánh cắp. Đây là thách thức rất lớn, cần có vành đai bảo vệ chắc chắn để tránh xảy ra rủi ro, cũng như những quy định về pháp luật để giải quyết quyền lợi, trách nhiệm trong trường hợp xảy ra rủi ro.
Bên cạnh đó, phải có những quy định để xử lý các trường hợp ứng dụng phát sinh sự cố, hoặc các tranh chấp giữa NH và khách hàng khi giao dịch trên kênh này.
Điểm cơ bản nữa, NHNN tuy đã nói đến rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào thực hiện chấm điểm tín dụng cá nhân cho toàn dân. Hiện các NH triển khai hệ thống riêng để chấm điểm khách hàng của họ, còn Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) chưa phủ rộng việc chấm điểm toàn dân. Đây là các vấn đề kỹ thuật cần phải có nếu muốn đẩy mạnh cho vay qua phương tiện điện tử.
Bởi CIC chỉ lập ra hồ sơ khách hàng có giao dịch vay vốn, tín dụng với NH, không đưa ra điểm tín dụng cho toàn bộ cá nhân. Dĩ nhiên, không có hệ thống chấm điểm tín dụng, NH vẫn có thể cho vay dựa trên hệ thống chấm điểm nội bộ hoặc trên tài sản đảm bảo nhưng rủi ro nợ xấu sẽ cao hơn.
Thí dụ, ở Mỹ người dân có chỉ số an sinh xã hội, chính phủ có thể theo dõi thu nhập cũng như xác định các quyền lợi người dân được hưởng. Họ có 3 công ty chấm điểm tín dụng cá nhân. Mức điểm chuẩn của mỗi người dân 800 điểm, sau đó 3 công ty này dựa vào bộ tiêu chí của họ để tính điểm và tất cả NH cho vay gửi thông tin cho các công ty này. Đó là cơ sở để chấm điểm tín dụng.
Người có nợ xấu, công việc không ổn định hoặc có những vi phạm sẽ bị trừ điểm. Người có điểm tín dụng thấp sẽ không được vay hoặc vay với lãi suất cao, qua đó họ sẽ tự siết kỷ luật để cải thiện điểm tín dụng của mình.