Kích thích tiêu dùng
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Chính phủ yêu cầu NHNN quan tâm phát triển các sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng và tài chính vi mô, đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hạn chế tín dụng đen.
Về nội dung này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết việc Chính phủ chỉ đạo ngành NH đẩy mạnh CVTD nhằm kích thích tiêu dùng nội địa. Bởi thực tế hiện nay tín dụng vẫn đang tập trung vào xuất khẩu và không kích tiêu dùng nội địa. Thời gian qua cho vay mua nhà tăng đã giúp thị trường bất động sản tốt lên, nếu CVTD đối với hàng hóa, sản phẩm trong nước tăng cũng sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa lâu nay vẫn bị lơ là.
Ngoài doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng là thành phần quan trọng cung cấp hàng hóa cho nền kinh tế, đồng thời là đối tượng sử dụng vốn đáng kể để kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường chính thức mới đáp ứng được một phần nhu cầu vốn và thiếu các khoản vay có giá trị nhỏ để đáp ứng nhu cầu hiện có. Vì thế, mở rộng CVTD không chỉ giúp cầu tiêu dùng tăng, còn thu hẹp quy mô tín dụng ngầm trong nền kinh tế hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
CVTD được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1995 nhưng mới phát triển mạnh trong khoảng gần 10 năm trở lại đây và luôn giữ đà tăng trưởng cao. Trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, việc dịch chuyển dòng vốn tín dụng sang khu vực hộ gia đình được xem là phù hợp trong trung hạn cho bài toán duy trì tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), CVTD có nhiều tác động tích cực cho người dân và hộ kinh doanh. Cụ thể, người dân có cơ hội được mua các hàng hóa, dịch vụ trước và trả tiền sau. Bên cạnh đó, nguồn tín dụng này còn đáp ứng vốn kinh doanh, tạo ra cơ hội sản xuất, phân phối hàng hóa cho người dân và hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh cũng tiếp cận vốn vay mua nhà, sửa chữa, mở rộng nhà ở để tăng tài sản cố định, từ đó có điều kiện phát triển hơn.
Cần hiệu quả và an toàn
Cần hiệu quả và an toàn
Năm 2018, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH ở mức thấp, nhưng cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng vẫn có tốc độ tăng trưởng đáng kể. Cụ thể tính đến cuối tháng 12-2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 13,93% so với cuối 2017.
Trong đó, 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, với mức tăng trưởng lên tới 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong cơ cấu cho vay phục vụ đời sống, dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng tới 78%. Riêng dư nợ CVTD của 12 công ty tài chính đến cuối 2018 đạt 89.384 tỷ đồng.
Nhưng xét về cơ cấu dư nợ, cho vay mua và sửa chữa nhà ở vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn (50%), mua hàng hóa tiêu dùng như tivi, tủ lạnh chiếm 24%, mua phương tiện như ô tô, xe máy chiếm 15%, mua hàng điện tử, công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ 1% và phục vụ học tập, du lịch, chữa bệnh chiếm khoảng 3%.
Về hoạt động, hiện nay CVTD của các NH vẫn tập trung ở nhu cầu nhà ở, phương tiện giao thông. Trong khi đó, các công ty tài chính hướng tới các khoản cho vay dưới chuẩn với giá trị nhỏ nhưng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng hơn. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bán lẻ. Một số báo cáo đưa ra gần đây cho thấy cùng với các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu các khoản lớn cho du lịch, mua sắm, bảo hiểm y tế.
Do đó, nếu mở rộng CVTD, các TCTD cần tăng cường đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng, cũng như nhu cầu vay mượn để hoạt động học tập, du lịch và chữa bệnh, thay vì chỉ tập trung cho vay mua nhà ở như hiện tại.
Tuy nhiên, để CVTD an toàn hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm. Theo ông Nguyễn Tú Anh, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đã cao hơn 25% GDP. Do đó các rủi ro vĩ mô, hệ thống có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế và các TCTD.
Thí dụ, nếu cho vay mua nhà ở tăng, cộng với giá đất tăng, có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ bất động sản. Sự cạnh tranh khốc liệt trong CVTD cũng dễ đưa đến rủi ro đạo đức, rủi ro hoạt động. Vì vậy, phát triển CVTD phải kèm theo hệ thống cảnh báo, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo ngăn ngừa các rủi có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty FE Credit, kiến nghị NHNN hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định phù hợp với hoạt động CVTD, giảm các thủ tục không cần thiết, như người đi vay phải liệt kê từng nhu cầu vốn tiêu dùng thiết yếu, chứng minh mục đích sử dụng vốn…
Đồng thời, trong vấn đề thu hồi nợ, luật pháp bảo vệ người bị hại không chỉ là người đi vay mà còn là bên cho vay, trong trường hợp người vay vi phạm pháp luật, vi phạm cam kết với người cho vay. Đối với nợ xấu, nợ khó đòi trong CVTD cũng cần có những quy định riêng, thủ tục tố tụng rút gọn để xử lý hiệu quả.