Chọn lọc đầu tư cho DNNN đủ tầm

(ĐTTCO) - Có một nghịch lý là hiện nay trong nhiều lĩnh vực đang có khoảng trống mà doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chưa vào, trong khi DN nhà nước (DNNN) có nhiều lợi thế và làm được nhưng lại không được phép làm, nên nguồn lực của đất nước chưa được sử dụng một cách hiệu quả nhất. 
Chọn lọc đầu tư cho DNNN đủ tầm
Do vậy nhiều ý kiến cho rằng để phát triển nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của DNNN - lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, là phải mở hơn nữa cho DNNN nhưng có chọn lọc. 
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cho biết trong nhiều lĩnh vực phải thúc đẩy và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn thì lại đang có khoảng trống đầu tư. Đơn cử như phát triển năng lượng tái tạo, DNTN ngại đầu tư vì đây là những lĩnh vực khó, đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao, đầu tư lớn; trong khi đó DNNN đang có nhiều lợi thế hơn, nhưng không được làm vì vướng quy định về đầu tư ngoài ngành. Vì thế nguồn lực của DNNN không được phát huy, nguồn lực của đất nước cũng chưa được phân bổ hiệu quả. 
Đúng là hiện nay DNNN vừa phải đảm đương các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, vừa phải thực hiện cả các nhiệm vụ chính trị, xã hội để thực hiện các chính sách vĩ mô, điều tiết kinh tế. Do vậy DNNN có rất nhiều tầng lớp kiểm soát, phải xin nhiều ý kiến nên mất nhiều thời gian, không theo kịp diễn biến thị trường, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của DN.
Đã không ít lần những người đứng đầu các DNNN thổ lộ họ mơ có được cơ chế như DN ngoài nhà nước, được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của DN, được đánh giá công bằng và khách quan. Còn hiện nay giống như khoác lên mình nhiều chức năng, nhiều mục tiêu và làm những việc mà DN khác không làm.
Một minh chứng là  giai đoạn đại dịch Covid-19 xảy ra, những lúc chuỗi cung gián đoạn hay khan hiếm xăng dầu vừa qua, sẽ thấy rõ vai trò và cái khó của DNNN, dù lỗ, dù giá đầu vào tăng cao, DNNN vẫn phải neo giá bán ổn định đời sống Nhân dân, của nền kinh tế, của DN, trong đó có có cả DNTN và DN FDI. 
Chính vì thế nên hiện nay Đảng, Nhà nước muốn khu vực DNNN sẽ tập trung vào lĩnh vực quốc phòng, an ninh và những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đồng thời củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, để hình thành nên những con “sếu đầu đàn”. 
Để có được những con “sếu đầu đàn” tỷ USD như PVN, Viettel, SCIC…   có vai trò dẫn dắt và vươn xa ra thị trường thế giới, thì nguồn lực của DNNN cần được giải phóng, cần có được sự tự chủ, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước… Theo đó đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền để DNNN tham gia vào phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, mang tính mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra thị trường khu vực, thế giới. Bên cạnh cơ chế tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động, người quản lý, điều hành DNNN phải được đổi mới để giữ được người tài, thu hút được người giỏi.  
Bên cạnh đó phải phân tích đánh giá hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với các nhiệm vụ khác và phải được thể chế hóa. Nếu DNNN hoạt động sản xuất kinh doanh phải đánh giá trên nguyên tắc hiệu quả. Nếu DNNN làm nhiệm vụ công ích mà giá thành 10 đồng thì 10 đồng đó Nhà nước trả cho DN, chứ không phải cách trả tính dưới giá thành như hiện nay.
Khi thể chế rõ như vậy, Nhà nước muốn hỗ trợ cho cộng đồng dân cư yếu thế thì Nhà nước phải đưa tiền ra cho người dân để họ trả đúng giá của DN khi bán ra theo giá thành. Tách bạch như vậy mới rõ ràng hiệu quả, minh bạch hoạt động DNNN, còn cách làm hiện nay vừa xóa nhòa hiệu quả của DN làm tốt nhưng cũng là cái cớ để DN làm không tốt bao biện cho hiệu quả.  

Các tin khác