Chống đầu cơ không thể cào bằng

(ĐTTCO) - Việc Bộ Tài chính vừa đưa ra dự kiến đánh thuế lên tài sản với tên gọi “Luật Thuế tài sản” chỉ mới để lấy ý kiến các cơ quan liên quan, chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, chứ chưa phải là dự thảo, nhưng cũng đã bị dư luận phản ứng gay gắt. 
Những nội dung cơ bản chỉ là bước đi đầu tiên, bởi dự luật này sẽ còn phải trải qua nhiều bước đi khác như gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học và nhân dân. Sau khi nhận được ý kiến góp ý, bộ sẽ tổng hợp, hoàn thiện dự luật, gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, rồi trình Chính phủ, Quốc hội để xin đưa vào chương trình xây dựng luật. Nếu được Quốc hội thông qua Bộ Tài chính mới xây dựng dự thảo cụ thể.
Đây là sắc thuế mới được xây dựng trong bối cảnh nguồn thu ngân sách trong lĩnh vực nhập khẩu ngày càng giảm do lộ trình giảm thuế về 0%.
Sắc thuế này cũng phù hợp với những yêu cầu tại Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công; Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020…
Và theo Bộ Tài chính hiện có khoảng 174/193 nước trên thế giới thực hiện đánh thuế tài sản, để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, chống đầu cơ  đất đai… 
Thế nhưng, điều gây băn khoăn nhất chính là các điều khoản cụ thể. Theo phương án của Bộ Tài chính, nhà có giá trị trên 700 triệu đồng sẽ chịu thuế suất 0,4%; thuế đất ở 0,4%. Nếu dự định này được thông qua sẽ có tác động mạnh đến người dân, đặc biệt là đối với những người ở trên mảnh đất có giá trị lớn nhưng không có nhiều thu nhập để đóng thuế.
Chẳng hạn, không ít người sống ở đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM có giá trị nhà có thể dưới 700 triệu đồng, nhưng giá trị đất lên một vài tỷ đồng (kể cả khi tính theo bảng giá đất UBND địa phương công bố), trong khi hàng ngày họ vẫn phải buôn bán rau quả, xe ôm kiếm sống… Giả sử họ ở mảnh đất đó có giá trị 1 tỷ đồng, mức thuế phải nộp: 1.000.000.000 đồng x 0,4% = 4.000.000 đồng/năm. Đó là con số không nhỏ!
Đó là với đối tượng mà nhiều người quen gọi có “nhà mặt đất”. Còn với những người sống ở chung cư, mức độ “quét” của sắc thuế này còn “khủng khiếp” hơn. Ngoại trừ nhà xã hội, những căn chung cư có giá trị 1 tỷ đồng trở lên tại đô thị lớn hiện nay rất phổ biến.
Đối với đất: Giả sử cá nhân sở hữu căn chung cư 70m2 (mức tầm trung phổ biến), giá công bố của địa phương cho thửa đất xây chung cư 10 triệu đồng/m2, giá để tính thuế đất: 70m2 x 10.000.000 đồng x 0,2 (hệ số với diện tích để ở) = 140.000.000 đồng/năm. Số thuế đất phải nộp: 140.000.000 đồng x 0,4% (thuế suất dự kiến) = 560.000 đồng/năm. 
Đối với nhà: Giả sử căn hộ chung cư từ 20 đến 25 tầng, suất vốn đầu tư 10.810.000 đồng (theo Quyết định 706/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng), giá tính thuế với căn hộ: 70m2 x 10.810.000 đồng = 756.700.000 đồng. Với ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng, số thuế phải nộp: 56.700.000 x 0,4% (thuế suất nhà dự kiến) = 226.800 đồng/năm. Như vậy tổng số thuế phải nộp cho căn chung cư 70m2: 560.000 đồng + 226.800 đồng = 786.800 đồng/năm. Với một người không có nhiều thu nhập, lại phải trả nợ do vay ngân hàng khi mua nhà, số tiền trên sẽ tạo một áp lực lớn.
Để chống đầu cơ trên thị trường bất động sản, chống hoang hóa, Bộ Tài chính từng nghiên cứu việc đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi, nhưng sau đó ý định này được rút lại. Lý do không đảm bảo công bằng với những người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà mỗi nhà 50m2 lại bị đánh thuế; khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế vì hệ thống văn bản, giấy tờ, áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế, nên khó xác định cá nhân, tổ chức sở hữu nhà thứ 2 trở đi…
Song, việc tính toán đánh thuế theo kiểu “đại trà” như trên chỉ có lợi cho cơ quan hành thu, gây khó cho người nộp thuế khi sắc thuế “quét” hầu như tất cả đối tượng giàu, nghèo. 
Dư luận phản ứng cũng có cái lý, bởi không chỉ Luật Thuế tài sản mà thời gian qua hàng loạt các đề xuất của Bộ Tài chính như tăng mức thu thuế bảo vệ môi trường, tăng thuế suất giá trị gia tăng… đã gây sốc. Rõ ràng dù biết sẽ gây nhiều phản ứng với dư luận, song điều này cho thấy phần nào bức tranh ngân sách đang gặp khó khăn nhất định. Bởi lẽ, với những khó khăn mà Bộ Tài chính đang gặp phải mấu chốt của vấn đề hiện nay chính là chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên chưa có nhiều cải thiện.
Chẳng hạn năm 2018, tỷ lệ chi thường xuyên giảm so với năm 2017 (từ 64,9% giảm xuống 64,1%), nhưng con số tuyệt đối vẫn tăng tới 80.000 tỷ đồng. Hay như theo Kiểm toán Nhà nước, trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, cơ quan kiểm toán phát hiện thừa 57.175 người trong năm 2017… Áp lực thu có lẽ là lý do để Bộ Tài chính tìm mọi cách để tận thu!

Các tin khác