Chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất

(ĐTTCO) - Sân bay Tân Sơn Nhất là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Nam. Sân bay nằm trong nhóm 50 sân bay có lượng khách nhiều nhất thế giới, cũng là nơi hoạt động chính của tất cả hãng hàng không Việt Nam. Thế nhưng, mấy năm gần đây, chuyện ngập nước sân bay Tân Sơn Nhất cứ diễn ra triền miên sau mỗi cơn mưa lớn như điệp khúc khó chấp nhận. Điều gì đang xảy ra ở đây?

Vấn nạn ngập nước do đâu 
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 5 khu vực thường xuyên úng ngập (các vùng tô đen đánh số trên sơ đồ) mỗi khi mưa lớn ở các vị trí, gồm khu vực ngập số 1 cuối 2 đường băng sân bay, giáp đường Trường Chinh. Đây là vùng thấp nhất sân bay. Khu vực ngập số 2: góc đường vành đai C.2 phía Bắc - Tây Bắc sân bay ngay đầu cống ngầm kênh Hy Vọng. Đây là vùng tương đối thấp với cao trình trung bình thấp hơn code nền sân bay. Khu vực ngập số 3: lưu vực thoát nước mương A.41 phía Nam thuộc khu dân cư phường 4 Tân Bình. Khu vực ngập số 4: bãi đỗ máy bay phía Nam sân bay, giáp khu Hải quan air cargo và logistics. Khu vực ngập số 5: dọc sân đỗ A75 đầu mương Nhật Bản do khẩu độ cống nhỏ, đáy cao.
Chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 1
Thật ra, sân bay Tân Sơn Nhất có vị trí địa hình gần như cao nhất TPHCM, với cao độ nền 10m, quá cao thoáng so với cao độ nền thủy chuẩn phổ biến (trên 65% diện tích) toàn thành là 1,5m, tính ra sân bay này chỉ bị ngập khi toàn TP ngập sâu. Qua nhiều cuộc khảo sát, cho thấy chuyện ngập nước sân bay là tình huống úng ngập cục bộ do ách tắc đường thông thoát nước và chỉ xảy ra khi trời mưa lớn. Thủ phạm ở đây là con người với việc phát triển xây dựng bừa bãi, tùy tiện, xả rác gây ô nhiễm ùn ứ kênh mương thoát nước khu vực sân bay.
Sân bay Tân Sơn Nhất có 3 hướng thoát nước chính, gồm (1) Hướng thoát nước phía Bắc qua kênh Hy Vọng hòa chảy ra kênh Tham Lương, dài 1,8km; (2) Hướng thoát phía Nam qua mương A41, dài 2km, qua đường Phan Thúc Duyện ra đường Cộng Hòa chảy ngầm dưới đường Út Tịch thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (nhánh mương A41 này tiêu thoát cho khu vực sân đỗ máy bay Tân Sơn Nhất); (3) Hướng thoát phía Đông - Đông Nam ra mương A75 chảy ra mương Nhật Bản hòa cùng hệ thống thoát nước đô thị với cống hộp đoạn đường Nguyễn Kiệm đổ về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hiện cả 3 hướng thoát nước đều đang khốn khổ vì rác thải cùng phế liệu xây dựng, sinh hoạt gây tắc nghẽn, ngập úng, nhất là hướng mương A41 đang là “nút thắt” lớn nhất và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ngập cục bộ một số sân đỗ, đường lăn trong sân bay.
Chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 2
Cụ thể, tuyến cống từ khu vực xăng dầu Tân Sơn Nhất qua mương Nhật Bản có nhiều đoạn thoát nước quá kém do vướng phế liệu xây dựng, trong đó đoạn mương hở phía sau VASCO đang xuống cấp, sạt lở. Tuyến mương A.41 đoạn dài gần 900m từ đường Phan Thúc Duyện xuyên qua khu dân cư phường 4 Tân Bình, bờ và lòng mương trước đây 8m và 6m, sâu 3,5m, nay có chỗ rộng chưa đến 0,5m. Kênh Hy Vọng ở phía Bắc do đoạn kênh hở dài hơn 1km từ đầu đường Tân Sơn ra kênh Tham Lương giữa địa bàn dân sinh, nên hứng chịu rác thải, phế liệu bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là đoạn chảy qua đường Phan Huy Ích đã trở thành “rốn ngập” của TP.

Đề xuất phương án khả thi
Trong thời gian qua TPHCM đã triển khai nhiều công trình thi công phòng chống ngập trong và ngoài sân bay. Tuy nhiên, mọi chỉnh sửa lớn nhỏ vẫn xoay vòng như đèn cù trong điệp khúc động tác vét nạo, đặt cống trên khu vực bị ngập nặng… chưa có biện pháp hiệu quả để chống ngập. Chúng tôi đề xuất nhóm giải pháp mang tính kết hợp giữa thoát nước trong và ngoài, giữa hạ tầng hiện hữu với các bổ sung mới, trong mối cân đối giữa mục tiêu ưu tiên và lâu dài. Phương án này sử dụng hệ thống thoát nước cưỡng bức đồng hành với cơ sở hạ tầng có sẵn để giải quyết triệt để tình trạng úng ngập với cách thức nhanh chóng, dễ làm, tiết kiệm, hiệu quả, không phải lâu lắc tốn kém đền bù, đầu tư lớn mà dàn trải quá nhiều đầu mối công việc.   
Chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 3
Để thực hiện phương án này, biện pháp bố trí điểm thu nước, chọn điểm đặt thiết bị động lực là bước quan trọng tiền đề. Theo đó, cần bố trí 4 trạm bơm trên các bể thu nước ở các khu vực ngập (1) Hồ điều tiết cuối sân bay; (2) Cửa xả số 1 ở đầu kênh Hy Vọng; (3) và (4) Khu vực sân đỗ máy bay đầu kênh A.41; (5) Khu A75 đầu mương Nhật Bản, lắp ống thoát từ các vị trí đó theo hướng thoát nước sẵn có, rải 9 hố thu nước dọc 3 mương M1, M2, M3, mỗi kênh 3 cái cách nhau 1.000m, trên mỗi hố thu là 1 bơm xả tăng áp. Đó là mạng lưới thiết bị bố trí cho việc thoát nước tức thời sân bay trong mọi tình thế.
Mạng lưới các trạm bơm sẽ được triển khai, như bơm chính tăng áp lưu lượng 3.000m3/giờ đặt ở bể thu cuối của 3 mương chính cho bơm thoát nước ra cửa xả 1 kênh Hy Vọng. Bơm lưu lượng 1.000m3/giờ cho xả nước từ hồ điều tiết (khu ngập 1 trên sơ đồ) cuối sân bay ra ra cửa xả kênh Hy Vọng. 3 bơm cưỡng bức lưu lượng 1.000m3/giờ mỗi cái đặt đầu 3 mương chính M1, M2, M3 để đẩy thoát nước trong 3 đường ống chính dọc mương. Tổ hợp 9 module bơm lưu lượng 300m3/giờ bơm nước từ 9 bể thu nước trải dọc theo 3 đường mương M1, M2, M3 sân bay đặt cách nhau 1km mỗi trục. Nước bể thu mỗi trục mương sẽ bơm vào đường ống thoát chính của trục, cùng ra cửa xả kênh Hy Vọng.
Nguyên lý hoạt động toàn hệ thống thoát nước đồng hành này: (1) Khi trời mưa, nước tràn ngập sẽ được thu gom xuống các bể thu; (2) Nước sẽ chảy tràn về các mương thu và cống tiếp nhận hiện hữu; (3) Nước thoát tự nhiên theo 3 mương dẫn như cũ, nước thu từ các bể chứa sẽ được bơm đẩy vào ống áp lực chính trên 3 tuyến mương; (4) Nước từ hồ điều tiết được bơm thẳng ra bể thu chính cuối cùng gần cửa xả số 1; (5) Nước thu ở bể chính từ đường băng và hồ điều tiết sẽ được bơm qua cửa xả số 1 ra kênh Hy Vọng; (6) Nước thu từ 2 bể thu A.41 và A.75 được bơm thoát ra kênh A.41 và mương Nhật Bản. Trong cơ chế hoạt động này, các bể thu nước phải có thể tích được tính toán đủ cấp nước cho máy bơm hoạt động liên tục 100% công suất. 
 Quy hoạch giai đoạn 2020-2030 ngoài vấn đề ga hành khách, đường băng, đường tránh, hệ thống kiểm soát - cảnh báo, chỗ đậu máy bay… còn đồng thời giải quyết vấn nạn ngập nước sân bay Tân Sơn Nhất.

Các tin khác