Chủ động ứng phó, bám sát thị trường Mỹ

(ĐTTCO) - Đa dạng hóa thị trường là vấn đề được nhiều người nhắc đến trong các giải pháp ứng phó với các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ. Thế nhưng, thực tế doanh nghiệp (DN) vẫn phải cố bám trụ, bởi Mỹ vẫn là thị trường quá lớn của DN Việt.

Mỹ vẫn là thị trường lớn của ngành dệt may.
Mỹ vẫn là thị trường lớn của ngành dệt may.

Tình hình vẫn ổn

Nói về tình hình đơn hàng của các DN trong ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết hầu hết các DN đều có đơn hàng đến hết quý II, hoạt động sản xuất tương đối ổn định và ngành may vẫn kỳ vọng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Các chính sách thuế của Mỹ tính đến thời điểm này chưa tác động trực tiếp đến chúng ta, nhưng về gián tiếp nhà sản xuất Việt Nam sẽ có những thuận lợi. Bởi khi thuế đánh vào các thị trường cạnh tranh như Trung Quốc, đơn hàng sẽ có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

“Tất nhiên bên cạnh dịch chuyển đơn hàng cũng sẽ có dịch chuyển sản xuất. Cái DN cần lưu tâm lúc này chính là phải thận trọng để không vi phạm các quy tắc xuất xứ” - ông Hồng nhấn mạnh. Thậm chí ông Hồng còn kỳ vọng với mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ, dệt may cũng như nhiều ngành khác sẽ không nằm trong tầm ngắm đánh thuế của Tổng thống Donald Trump.

Cũng giống như dệt may, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, cho biết DN vẫn đang xuất khẩu tôm sang Mỹ bình thường. Cũng theo ông Lực, vừa qua Tổng thống Mỹ có nhiều tuyên bố về thuế đối ứng khiến thương mại thế giới bất an, nhưng Việt Nam có nằm trong vùng rủi ro hay không vẫn chưa thể nhận định được.

Nhìn vào bức tranh rộng hơn của ngành thủy sản, phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, thuế quan và bất ổn thương mại Mỹ - Trung là cơ hội cho thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần tại Mỹ. Theo đó, các DN Mỹ có thể chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản, thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc. Ngoài ra, các DN Mỹ và cả các thị trường khác như Nhật Bản, Canada… cũng sẽ tìm kiếm đối tác gia công chế biến thủy sản ở Việt Nam để đưa hàng sang Mỹ.

Đây là cơ hội tốt cho các DN thủy sản Việt Nam. “Tuy nhiên khuyến nghị các DN luôn đảm bảo tốt chất lượng và quy trình sản xuất, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc phải minh bạch” - đại diện VASEP nhìn nhận.

Mới đây, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Marc E. Knapper cho biết, 2025 là năm kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Mong muốn của phía Mỹ năm 2025 sẽ là năm bản lề để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới.

Mỹ đánh giá cao và đề nghị Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp trong vấn đề chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, để đảm bảo quyền lợi cho DN cả hai nước.

Chuẩn bị phương án ứng phó

Mặc dù tình hình xuất khẩu hiện tại của các DN vẫn ổn và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng có chia sẻ tích cực, nhưng DN cũng hiểu rõ rằng chính sách của Tổng thống Mỹ là điều khó lường trước, nên chuẩn bị tâm thế, phương án là điều không thể lơ là.

Theo ông Hồng, các phương án các DN đang triển khai hiện nay là kết nối chặt chẽ với các khách hàng để nắm thông tin thị trường, đồng thời tìm ra phương án nếu có bất cứ tình huống mới nào xảy đến. Trong đó, phương án đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng sang thị trường khác là điều DN hiểu rõ. Lâu nay, các DN cũng đã và đang duy trì tốc độ xuất khẩu tốt vào các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các nước khối CPTPP. Đây đều là các nước có các FTA với Việt Nam.

Thế nhưng, việc chuyển hướng cũng không đơn giản, bởi Mỹ vẫn là thị trường lớn của ngành dệt may (chiếm khoảng 40% thị phần xuất khẩu). Đồng tình với ông Hồng, một DN trong ngành gỗ cũng cho biết, Mỹ hiện chiếm thị phần lớn trong ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam (từ 55-60%), nên khó có thể tìm thị trường thay thế trong thời gian ngắn. Tính đến hết tháng 1, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 9,8 tỷ USD. Hiện Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của nhiều DN, nhóm ngành.

Thực tế, việc kết nối chặt với các đối tác tại Mỹ được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả. Còn nhớ trong lần trao đổi với các DN phía Nam hồi cuối tháng 11-2024, ông Tô Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao (Bộ Ngoại giao), nguyên Tham tán, trưởng phòng kinh tế Đại sứ quán Việt Nam tại Washington DC, đã có những chia sẻ về những việc DN nên chuẩn bị.

Theo ông Tuấn, các DN, hiệp hội ngành hàng của Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các DN, hiệp hội Mỹ vì chính quyền D. Trump luôn bảo vệ lợi ích của DN Mỹ. Ngoài ra cũng cần tăng cường quan hệ với các công ty tư vấn, công ty luật tại Mỹ vì các công ty này có ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách của Mỹ.

Cùng với các giải pháp bên ngoài, DN cũng phải nâng cao nội lực và tuân thủ các quy định của Mỹ. Như với ngành thủy sản, khi bàn về cơ hội VASEP cũng không quên nói đến những chuẩn bị của DN trong bối cảnh mới. Theo đó, DN cần chủ động nắm bắt và bứt phá nếu nguồn cung ứng nguyên liệu tốt về cả khối lượng và chất lượng.

Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thay đổi liên tục, DN cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Cần xây dựng các kênh cung ứng bền vững và linh hoạt, bao gồm nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu nguyên liệu khi cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt.

Đặc biệt, DN luôn phải đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu, tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc hiệu quả để giữ uy tín và tăng thị phần tại các thị trường tiềm năng trong năm 2025.

Tuy nhiên, cũng có một số DN tìm cách mở rộng thêm thị phần ở những thị trường sẵn có. Như câu chuyện của Sao Ta, ông Lực cho biết để giảm rủi ro từ thị trường Mỹ, DN tìm cách tăng thị phần tại các thị trường DN đang có mặt như Nhật Bản, châu Âu. Tất nhiên để làm tốt DN phải có uy tín, thương hiệu từ trước.

Về những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ thời gian gần đây, Đại sứ Marc E. Knapper cho biết việc áp thuế trong thời gian qua không nhắm tới Việt Nam. Mỹ muốn duy trì mối quan hệ song phương, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

Các tin khác