Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc này, bởi Việt Nam đang tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), để gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa.
Hàng Việt liên tục bị điều tra
Ngày 26-11, Cục PVTM (Bộ Công Thương) thông tin Canada khởi xướng điều tra chống lẩn tránh đối với sản phẩm sơ mi rơ moóc nhập khẩu từ Việt Nam. Chỉ một ngày sau đó, Cục PVTM tiếp tục thông tin Canada khởi xướng rà soát đối với sản phẩm ghế bọc đệm nhập khẩu từ Việt Nam.
Tính riêng trong tháng 11 này, các sản phẩm của Việt Nam đã đối mặt với 8 vụ việc, trong đó Canada là 2 vụ, Mỹ 3 vụ, các nước ASEAN 3 vụ.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, tính đến thời điểm này Việt Nam đã đối mặt với hơn 260 vụ điều tra PVTM. Đáng chú ý, điều tra PVTM không chỉ đến từ các thị trường lớn, mà ngay cả các thị trường như Australia cũng có tới 19 vụ việc với Việt Nam, hay trong khối ASEAN gồm 4 nước Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc PVTM với hàng hóa của Việt Nam.
Bộ Công Thương nhìn nhận, nguyên nhân chính khiến các nước tăng điều tra PVTM với hàng Việt là do Việt Nam đã tận dụng các FTA, mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, sự gia tăng về lượng và quy mô hàng hóa Việt Nam đã gây sức ép cạnh tranh với sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu.
Do đó, các nước này tăng điều tra và áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Đáng chú ý hơn, không chỉ số lượng vụ việc tăng, mà phạm vi điều tra sản phẩm ngày càng đa dạng, không chỉ dừng lại ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà cả những mặt hàng có giá trị và lượng xuất khẩu nhỏ cũng trong tầm ngắm điều tra.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết hàng dệt may hiện chịu khá nhiều áp lực khi xuất khẩu. Ngoài những tiêu chuẩn xanh ở châu Âu thì các rào cản thương mại như điều tra PVTM cũng rất nhiều. Có những quốc gia dệt may Việt Nam mới chỉ xuất vài chục triệu USD, cũng đã bắt đầu dựng hàng rào chống bán phá giá (CBPG).
Trước thực tế này, câu hỏi được quan tâm nhất là DN cần làm gì để ứng phó với kiện PVTM đang ngày một nhiều hơn. Hiện nay phía Cục PVTM thường có thông tin cảnh báo sớm tới DN về khả năng có thể phải đối diện với vụ việc điều tra PVTM.
Dưới góc nhìn của mình, LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, đưa ra một vài lưu ý với DN như: cần hiểu rõ các quy trình điều tra PVTM như CBPG, chống trợ cấp (CTC), và đặc biệt là các biện pháp chống lẩn tránh các biện pháp PVTM. Việc nắm rõ các quy định này sẽ giúp DN phản ứng kịp thời khi đối mặt với các vụ kiện.
Để làm điều này, các DN có thể hợp tác với các cơ quan pháp lý hoặc các tổ chức hỗ trợ về PVTM. Ngoài ra, các DN nên tăng cường hợp tác với Chính phủ và các hiệp hội. Chính phủ có thể hỗ trợ DN thông qua các chương trình đào tạo, cung cấp thông tin về luật thương mại và giúp đỡ về thủ tục trong các vụ kiện PVTM.
Đặc biệt cần có sự chuẩn bị về tài chính, bởi các vụ kiện PVTM thường kéo dài và tốn kém. Do đó, DN nên có kế hoạch tài chính dự phòng và hợp tác với các chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để chuẩn bị sẵn sàng đối phó.
Bảo vệ DN trên “sân nhà”
Thực tế, không chỉ có hàng hóa Việt Nam được hưởng lợi về thuế khi xuất khẩu, mà ở chiều ngược lại hàng hóa của các nước có FTA với Việt Nam cũng hưởng lợi khi xuất vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi hàng Việt phải đối mặt với hơn 260 vụ điều tra PVTM, ở chiều ngược lại tính đến tháng 9 năm nay, Việt Nam mới tiến hành 30 cuộc điều tra PVTM và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu.
Khi chúng ta áp dụng biện pháp PVTM với hàng nhập khẩu thì lợi ích đã được DN, hiệp hội nhìn nhận rõ. Tại diễn đàn PVTM lần thứ nhất được tổ chức hồi đầu tháng 10, ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết sau khi áp dụng các biện pháp PVTM, tình hình sản xuất của các DN có sự cải thiện đáng kể, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động cũng như hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Từ đó, sức cạnh tranh của ngành thép cũng được nâng lên.
Vậy tại sao số vụ điều tra PVTM tại Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn? Lý do được nhắc đến nhiều là bởi các hiệp hội, DN chưa có kinh nghiệm trong việc thu thập số liệu điều tra, lập luận chuẩn xác gửi lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chính vì thế, theo LS Hà, một trong những yếu tố quan trọng là việc nâng cao nhận thức về các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ quyền lợi DN trong nước, từ đó chủ động trong việc phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp. DN cần xây dựng các chiến lược bảo vệ quyền lợi hợp pháp, bao gồm việc đăng ký nhãn hiệu, sáng chế và các quyền sở hữu trí tuệ khác để tránh tình trạng bị xâm phạm hoặc sao chép sản phẩm.
Ông Hà cho biết thêm, trong luật quản lý ngoại thương, các hiệp hội và ngành hàng hoàn toàn có thể khởi xướng các biện pháp PVTM để bảo vệ thị trường trong nước. Bởi thị trường Việt Nam với 100 triệu dân, GDP sắp đạt 500 tỷ USD là một thị trường rất lớn.
Để hỗ trợ thêm cho DN, phía Cục PVTM cho biết vừa hoàn thành việc triển khai sửa đổi, xây dựng nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP, đến nay đang được Bộ Tư pháp thẩm định và sẽ sớm trình lên Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý tốt để triển khai bảo vệ ngành sản xuất trong nước một cách minh bạch và rõ ràng. Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hóa cho DN.
Đến nay, Cục PVTM đã hỗ trợ DN xuất khẩu ứng phó để chấm dứt gần 50% số vụ việc PVTM của nước ngoài, như Australia chấm dứt lệnh áp thuế đối với nhiều vụ việc điều tra CBPG/CTC; hay Ấn Độ, Malaysia, Indonesia lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra CBPG đối với ván gỗ MDF, thép mạ hợp kim nhôm kẽm, nhựa PET, tôn lạnh của Việt Nam.