Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore những năm qua phát triển tích cực. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn duy trì trao đổi đoàn, thư/điện mừng/thăm hỏi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; hợp tác kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội không ngừng được mở rộng. Hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp song phương (đặc biệt là cơ chế họp tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hằng năm).
Về hợp tác thương mại, mặc dù chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Ước tới tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư, tính đến tháng 2/2022, Singapore đầu tư tại Việt Nam với 2.860 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư bình quân 1 dự án là trên 23 triệu USD, cao hơn mức đầu tư trung bình là 11,9 triệu USD/dự án. Đáng chú ý, trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Về đầu tư của Việt Nam sang Singapore, hiện có 118 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 498 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực: Khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, thông tin truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh bất động sản.
Hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Về quốc phòng-an ninh, hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế đối thoại và hợp tác thường niên hiện có. Về giao thông vận tải, Singapore là một trong những thị trường hàng không có tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam với dung lượng hành khách đến Việt Nam đứng thứ 6 (theo số liệu năm 2019). Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam-Singapore đã khôi phục chuyến bay thương mại thường lệ chở khách giữa hai nước với tuần suất thỏa thuận là 14 chuyến/tuần cho mỗi bên (tần suất khai thác thực tế trong thời gian tới theo nhu cầu mỗi nước). Hợp tác trên các lĩnh vực khác như tài chính-ngân hàng, giáo dục-đào tạo, tài nguyên-môi trường giữa hai nước tiếp tục được tăng cường.