Chiều 8-12, kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.
Rà soát hoàn thiện đề án thay thế nhà trên và ven kênh rạch
Tại phần chất vấn, ĐB Tăng Hữu Phong đặt vấn đề, giữa tháng 10-2021, ngay khi TPHCM kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch Covid-19, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) lần thứ 9 mở rộng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo: Tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội để xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Có thể nói, đây là một chương trình rất nhân văn, nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, sự mong đợi của công nhân, người lao động, viên chức, thầy cô giáo và giới doanh nhân; là nền tảng cho sự phát triển bền vững tiếp theo của thành phố.
Câu chuyện xây dựng nhà ở xã hội sau đó liên tục được nhắc đến trong các hội nghị, cuộc họp của thành phố và các buổi làm việc của lãnh đạo thành phố với các địa phương. Ngày 24-6-2022, tại buổi giám sát UBND TPHCM của HĐND TPHCM về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp tục khẳng định, chương trình phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội là công việc lớn của TPHCM và UBND TPHCM sẽ tập trung làm tốt hơn nữa.
Và, mới đây nhất, ngày 30-11, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI lần thứ 19 mở rộng, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên một lần nữa nhấn mạnh đến yêu cầu phải tập trung xây dựng nhà ở xã hội.
Từ những yêu cầu và chủ trương nhất quán, xuyên suốt nêu trên, ĐB Tăng Hữu Phong đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM có thông tin cho đồng bào, cử tri thành phố rõ và yên tâm. Cụ thể, thành phố đã, đang và sẽ triển khai Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 như thế nào? "Liệu chúng ta có đạt được mục tiêu đặt ra là phát triển 1 triệu căn nhà, trong đó có 100.000 nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân? Trong đó, riêng giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ xây dựng 35.000 căn?", ĐB Tăng Hữu Phong nêu ý kiến.
Trả lời nội dung này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, chương trình nhà ở xã hội đã được HĐND TPHCM thông qua chương trình đến năm 2030 và kế hoạch nhà ở đến năm 2025 đã được thông qua với mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Sở Xây dựng đang tham mưu tập trung triển khai 18 dự án, rà soát hoàn thiện đề án thay thế nhà trên và ven kênh rạch với số lượng 20.000 căn và phát triển nhà lưu trú công nhân, trong đó có nhà cho thuê, nhà ở xã hội…
“Lãnh đạo TPHCM sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu giải pháp đã đề ra. Đây cũng là một nội dung đăng ký dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
4 nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm
ĐB Trần Quang Thắng đặt câu hỏi, năm 2023 dự kiến sẽ cần 71.000 tỷ đồng cho đầu tư công, trong đó vốn địa phương 55.000 tỷ đồng. Để đạt GRDP 7,5-8% thì từ bây giờ có giải pháp gì để đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%?
Trả lời ĐB Trần Quang Thắng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM là địa phương tự cân đối nguồn lực, Trung ương giao số tiền thì TPHCM phải tìm đủ số tiền đó để chi. TPHCM được phân bổ số vốn đầu tư công khá lớn, Trung ương giao cho TPHCM 55.000 tỷ đồng, TPHCM rà soát cân đối có thể có được 45.000 tỷ đồng, còn “thiếu” 10.000 tỷ đồng thì có thể cân nhắc ở một số lĩnh vực, như rà lại đấu giá nhà đất, vay nợ chính quyền địa phương, hay tăng nguồn thu từ các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách đặc thù của thành phố.
Về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 2022 chậm có 4 nguyên nhân chính. Đó là chuẩn bị hồ sơ các dự án, nhất là các dự án từ nhiệm kỳ trước chuyển sang. Nên các dự án tới đây sẽ phải chuẩn bị kỹ hồ sơ, từ nay đến hết quý 1/2023 sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ, để thấy đơn vị nào có thể hoàn thành.
Nguyên nhân về giải phóng mặt bằng, là câu chuyện quy hoạch, phối hợp giữa các sở ngành địa phương, thẩm định giá để hoàn thiện, tinh thần là sẽ phối hợp chặt chẽ, rà soát ngay từ đầu để thực hiện cho tốt. Năm 2022 đến nay mới chỉ đạt 21% số tiền giải ngân cho giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết vướng mắc từng dự án cụ thể; nguyên nhân về trách nhiệm của chủ đầu tư. Năm 2022 đã nói việc điều chuyển vốn, nhưng chưa thực hiện được nhiều.
Về các tổ công tác, UBND TPHCM đã lập 3 tổ công tác. Đó là tổ ODA, tổ dự án có vốn lớn, tổ giải phóng mặt bằng. Tổ giải phóng mặt bằng hoạt động hàng tuần, làm việc với các địa phương có diện tích giải phóng mặt bằng lớn như TP Thủ Đức để triển khai. Các dự án ODA đến nay rất khó khăn dù chúng ta đã nỗ lực. Thủ tục với các nhà tài trợ, bộ ngành Trung ương… trên cơ sở tháo gỡ vướng mắc của năm 2022, ngay từ đầu năm phải có kế hoạch tiến độ, xác định trách nhiệm. Năm 2023 sẽ khắc phục những hạn chế của năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ.
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú đặt vấn đề, trong chống dịch TPHCM đã có những quyết sách rất kịp thời, nhưng đến nay kinh phí hỗ trợ cho người dân khó khăn cho Covid-19 vẫn chưa hoàn thành. ĐB Nguyễn Thị Việt Tú cũng đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM trả lời về tình trạng sau khi Nghị quyết HĐND TPHCM đã ban hành thì UBND TPHCM rất chậm ban hành kế hoạch hướng dẫn, thực hiện.
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Việt Tú, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận, dịch Covid-19 đã kết thúc một năm mà chưa giải quyết được hết chính sách, thật ra cũng là quá trễ. Chính sách cho lực lượng tham gia chống dịch có chậm, nhưng cơ bản cũng đã giải quyết, còn phần phát sinh khoảng 57 tỷ đồng, thành phố đã thống nhất phương án bổ sung kinh phí để hỗ trợ. Khi thực hiện gói hỗ trợ số 2, do yêu cầu lúc đó rất khẩn trương, nên UBND đã báo cáo để thực hiện, nhưng do tình thế cấp bách, phải làm, nên việc xây dựng dự toán và thủ tục chưa được đầy đủ. Đồng chí kiến nghị HĐND TPHCM thông qua từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để chi gói này. Về gói hỗ trợ thứ 3 chủ yếu còn ở Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh khoảng 849 tỷ đồng. Đã hơi trễ, nhưng sẽ tiếp tục thực hiện.
Về việc chậm triển khai Nghị quyết HĐND TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi nhận khuyết điểm trước HĐND TPHCM trong việc chậm chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết này và khẳng định sẽ rút kinh nghiệm để triển khai thời gian tới.
Quan tâm về việc xây dựng chính quyền đô thị, ĐB Trần Quang Vinh đặt vấn đề làm thế nào để dân hiểu và tham gia cùng xây dựng, người dân được gì từ mô hình này?
Trả lời ĐB Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND TPHCM tiếp thu ý kiến đặt ra và cho biết, khi triển khai mô hình này, thành phố đã triển khai tuyên truyền rộng rãi, nhưng qua phản ánh của ĐB có thể thấy việc tuyên truyền chưa đạt được mức độ mọi người cùng hiểu chung một cách.
Thời gian qua cũng có một số bất cập, trong đó có việc cấp quận, phường không chủ động được ngân sách. UBND TPHCM đã nhận thấy điều này và dùng gói điều hành kinh tế xã hội cho các quận, đề xuất cơ chế cho quận, phường vẫn được thực hiện như một cấp ngân sách.