Chủ tịch UBND TPHCM: Tập trung nguồn lực để xử lý những dự án trì trệ

(ĐTTCO) - Đó là những ý kiến chia sẻ của Chủ tịch UBND TPHCM tại Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 sáng 15-7.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Cụ thể, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới, TP sẽ tập trung nguồn lực xử lý hiệu quả những dự án trì trệ nhiều năm như dự án chống ngập TP, dự án khu đô thị Thủ Thiêm, khu Bình Quới - Thanh Đa... TPHCM sẽ tập trung quy hoạch kinh tế xã hội, rà soát điều chỉnh quy hoạch chung, tạo không gian phát triển mới (nhất là không gian ngầm, không gian sông - biển).

Trong đó, TPHCM là đô thị trung tâm của vùng. Ngoài ra, trong nội bộ TP sẽ tiếp tục phát triển đô thị đa trung tâm với Thủ Đức là đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam (Bình Chánh) là cửa ngõ với ĐBSCL và đô thị Tây Bắc (Củ Chi - Hóc Môn).

Một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị này là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống metro với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) theo Nghị quyết 98. Song song đó, TPHCM sẽ tái cấu trúc kinh tế với định vị trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thương mại quốc tế, hội chợ triển lãm quốc tế, khoa học đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, TP sẽ tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi, nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm, kinh tế ven sông - hướng biển. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 98. Tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công nhằm hỗ trợ các đơn vị thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động và chất lượng phục vụ.

Chủ tịch Phan Văn Mãi phân tích thêm, bối cảnh và tình hình có tác động đến kết quả lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội nửa đầu nhiệm kỳ. Cụ thể, kinh tế có lúc đạt tăng trưởng 2 con số, cao 1,5-1,6 bình quân chung cả nước, nhưng đã suy giảm dần trong 10 năm qua và đã "chạm đáy" vào quý I-2023. Đó cũng là thời điểm bộc lộ rõ những tồn tại tích tụ trong nhiều năm, do cơ cấu kinh tế chậm tái cơ cấu và thể chế quản lý đô thị bất cập. Việc triển khai chậm và thiếu đồng bộ những công trình, dự án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển không gian và hạ tầng đô thị, không những chưa mang lại nhiều hiệu quả, mà trong nhiều trường hợp còn tích tụ thêm khó khăn.

"Vị trí vai trò đầu tàu của TPHCM đang trên xu hướng giảm dần, nhưng có một số tiền đề như các cơ chế chính sách cho thấy vị trí này có khả năng phục hồi trong giai đoạn mới", ông Phan Văn Mãi nhận định.

Các tin khác