Chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

(ĐTTCO) - Ngày 9-8, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tổ chức phiên họp thứ nhất năm 2023 để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Công đoàn đề xuất tăng 5%-6%

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết, trong bối cảnh hiện nay, đời sống người lao động (NLĐ) gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn 1 năm qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao so với trước đây.

Ông Quảng thông tin, trước phiên họp này, tổ chức công đoàn đã khảo sát gần 3.000 NLĐ tại các loại hình doanh nghiệp ở 4 vùng lương tối thiểu, cho thấy: có 17,3% NLĐ được khảo sát phải thường xuyên vay nợ, cuộc sống rất khó khăn, nhiều lo lắng.

Mặc dù thu nhập trung bình của NLĐ được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/người/tháng, nhưng có 24,5% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập của họ chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; còn lại 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ thu nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu; chỉ có 8,1% NLĐ có dư tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% NLĐ không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp, họ phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: “Đây là thời điểm cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, NLĐ cũng cần được điều chỉnh tiền lương để bù đắp phần trượt giá, cải thiện một phần đời sống”. Theo ông Lê Đình Quảng, cần điều chỉnh lương theo chỉ số giá tiêu dùng để tiền lương thực tế của NLĐ không bị giảm sút. Vì vậy, mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 5%-6% là mong muốn của tổ chức công đoàn.

Nhiều doanh nghiệp đang chồng chất khó khăn

Tuy nhiên, nêu ý kiến tại phiên họp này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng cho biết, doanh nghiệp rất quan tâm và coi NLĐ là tài sản vô giá. Song, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp đang khó khăn. Nhu cầu tối đa của NLĐ là được đi làm và doanh nghiệp mong muốn tìm thật nhiều việc làm cho NLĐ.

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, nhiều doanh nghiệp đang chồng chất khó khăn vẫn gồng mình duy trì việc làm cho NLĐ. “Khi bàn về lương tối thiểu vùng, chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh. Nhưng, điều chỉnh ngay lúc này thì không thể”, ông Phòng nêu ý kiến.

Giờ ăn trưa của công nhân Công ty Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên. Ảnh: QUANG PHÚC

Giờ ăn trưa của công nhân Công ty Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Phó Chủ tịch VCCI, tăng lương tối thiểu sẽ tác động đến nhiều chính sách, như liên quan cân đối, tính toán quỹ công đoàn, quỹ bảo hiểm xã hội... Khi tăng lương tối thiểu vùng thì mức đóng các quỹ này chắc chắn sẽ tăng theo, trong khi các doanh nghiệp còn đề xuất giảm mức đóng các quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. “Chúng ta chưa nên quyết định điều chỉnh ngay tiền lương tối thiểu vùng trong phiên họp này. Xem xét tăng lương cần phải có độ trễ, sẽ được quyết định căn cứ vào các thông số sắp tới”, đại diện VCCI đề xuất.

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất sẽ họp bàn và đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vào tháng 11-2023. Theo thông lệ từ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 1-1 hàng năm. Từ năm 2020 đến giữa năm 2022, việc này tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lần điều chỉnh gần nhất là vào ngày 1-7-2022, với mức tăng 240.000-260.000 đồng tùy từng vùng.

Các tin khác