Chưa có giải pháp đảm bảo trật tự ở cà phê đường tàu

(ĐTTCO) - Nhằm đảm bảo du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài hạn chế vào khu vực đường tàu, chốt trực và đẩy đuổi vẫn là phương án được duy trì trước mắt.
Cà phê đường tàu tái diễn hoạt động.
Cà phê đường tàu tái diễn hoạt động.

Trước đó ngày 1/2, Báo Điện tử VOV đã phản ánh “Cà phê đường tàu ở Hà Nội vẫn nhộn nhịp đón khách”. Theo đó, khu phố cà phê đường tàu thuộc phường Hàng Bông và Cửa Đông, Hà Nội diễn ra tình trạng lực lượng chốt trực hạ dây xích để chủ quán đón khách vào cà phê đường tàu dù nơi đây đã có lệnh cấm hoạt động.

Trả lời vấn đề này, theo ông Lê Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, qua rà soát, Cửa Đông có 42 hộ dân sinh sống ở khu phố cà phê đường tàu. Các hộ dân ở đây đều là công nhân cũ của ngành đường sắt và có giấy phân nhà của xí nghiệp đường sắt. Trên địa bàn hơn nửa hộ dân đã chuyển đổi ngành nghề sinh sống, chỉ có 6 hộ vẫn còn duy trì hình thức kinh doanh dịch vụ, ăn uống ở khu phố cà phê đường tàu.

Theo ông Huấn, thời gian qua, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán, xuất hiện tình trạng người dân vẫn đón khách vào phố cà phê đường tàu là do lực lượng tại chốt mỏng nên các chủ quán lợi dụng tình hình đó đón khách vào quán của mình. Thêm vào đó, khi chủ nhà nói với trực chốt rằng đó là khách của họ vào thăm, chơi nên xảy ra tình trạng người được vào, người không được vào.

“Trực tại lối lên xuống cà phê đường tàu gồm lực lượng tổ bảo vệ dân phố và 3 đồng chí công an phường luân phiên trực. Thế nhưng khi đến ngày lễ hay có sự kiện đặc biệt, lực lượng công an phải xử lý các công việc khác trên địa bàn. Khi thiếu bóng lực lượng chủ chốt, nên một vài trường hợp người dân lợi dụng tình thế đó đưa khách vào nhà mình”, ông Huấn cho biết.

Cũng theo ông Lê Quang Huấn, hiện tại, phường Cửa Đông vẫn duy trì phương án chốt trực và đẩy đuổi, để đảm bảo du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài hạn chế vào khu vực đường tàu.

Tại phường Hàng Bông, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch phường, địa bàn rộng cộng với lực lượng tại chốt mỏng nên khó tránh khỏi tình trạng người dân qua mặt lực lượng chức năng dẫn khách vào phố cà phê đường tàu.

“Hiện tại tổ trật tự chỉ có 4 người, tổ tự quản 11 người trong khi đó chỉ tiêu là 15 người. Bởi vì lương thấp và yêu cầu hộ khẩu Hà Nội nên rất khó tuyển được lực lượng này. Trong khi địa bàn Hàng Bông rất rộng, nên chúng tôi cũng đã huy động thêm cả ban bảo vệ tổ dân phố làm nhiệm vụ túc trực tại lối lên cà phê đường tàu”, ông Hoàng Anh cho biết.

Về phương án lâu dài để không tái diễn cà phê đường tàu cũng như đảm bảo cuộc sống cho người dân, theo ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông, chỉ có giải phóng người dân ra khu vực khác để an cư thì đó mới là giải pháp căn cơ.

“Trong cuộc họp với Cục Đường sắt, tôi đã có ý kiến nếu dự án đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi triển khai thực hiện thì sớm GPMB để người dân có thể đến khu vực khác sinh sống, mà người dân cũng rất muốn được chuyển đến khu vực khác ở. Lúc đó, phường sẵn sàng phối hợp với phía đường sắt để vận động người dân cũng như trong công tác đo đạc diện tích ở đấy" ông Linh cho biết.

Các tin khác