Chưa khai thác đúng mức du lịch sinh thái

Ở các nước, hình thức du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng, nhận được sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những du khách có nhu cầu tham quan du lịch và khám phá đời sống. Du lịch sinh thái không chỉ góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng, giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên để khai thác du lịch mà còn mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho địa phương, tạo thêm việc làm cho người dân, nhất là ở các vùng sâu vùng xa.

Ở các nước, hình thức du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng, nhận được sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những du khách có nhu cầu tham quan du lịch và khám phá đời sống. Du lịch sinh thái không chỉ góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, văn hóa cộng đồng, giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên để khai thác du lịch mà còn mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho địa phương, tạo thêm việc làm cho người dân, nhất là ở các vùng sâu vùng xa.

Nhằm hướng đến hình thức du lịch xanh này, ngành du lịch Việt Nam đã khai thác nhiều tour đường sông, du lịch sinh thái rừng, du lịch cộng đồng. Tiếp nối tinh thần đó, những năm qua, tại khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp (DN) bắt tay đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên và nhân viên để phục vụ du khách. Theo đánh giá ở các công ty lữ hành, đây là vùng đất có thể khai thác mạnh các tour du lịch sinh thái do đặc điểm mang tính vùng miền rất riêng và độc đáo.

Chẳng hạn như tại tỉnh Cần Thơ có thể khai thác các tour sông nước như thăm quan chợ nổi Cái Răng, vườn cò Bằng Lăng, khu du lịch cồn Ấu, vườn du lịch Cái Sơn, làng du lịch Mỹ Khánh, khu du lịch Giáo Dương Phong Điền và rất nhiều danh thắng như nhà cổ Bình Thủy, bến Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ...

Tỉnh Bạc Liêu với bờ biển dài có nhiều khu nuôi tôm công nghiệp, các ruộng muối, làng chài cùng khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim, các vườn nhãn gần 100 năm tuổi, rừng sinh thái ngập mặn, phủ thờ dòng họ Cao Triều theo kiến trúc cổ Á Đông, khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu…

Sóc Trăng lại có ưu thế về chùa chiền, đặc biệt là 2 ngôi chùa được xem là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực miền Tây là chùa Dơi và chùa Đất Sét, cùng với các lễ hội văn hóa phong phú, hấp dẫn của người Khmer. Tỉnh Bến Tre có tiềm năng về du lịch vườn dừa, vườn trái cây với nhiều loại trái cây ngon nổi tiếng…

Với tiềm năng phong phú như vậy, du lịch sinh thái khu vực ĐBSCL đã được rất nhiều du khách quan tâm. Song thực tế, những địa điểm này vẫn chưa đáp ứng được trọn vẹn mong mỏi của du khách. Do chưa quen với việc làm du lịch nên các ngành du lịch ở khu vực này xây dựng những mô hình giống nhau mà chưa biết khai thác những lợi thế đặc biệt riêng có để tạo bản sắc văn hóa cũng như sản phẩm đặc trưng.

Cho đến nay, hầu hết các tỉnh chỉ phát triển mô hình du lịch vườn trong khi những nơi có lợi thế về rừng, biển lại chưa mở đường để thiết kế các tour đi sâu. Đáng chú ý là có nhiều khu du lịch sinh thái đã bị xuống cấp do thiếu sự đầu tư và tái đầu tư bài bản. Điều này đã khiến cho nhiều du khách khi trở lại miền Tây cảm thấy chán nản do sản phẩm du lịch hiện nay vẫn không thay đổi so với những năm trước.

Mặc dù đề án phát triển du lịch ĐBSCL đã được ban hành, song nếu muốn thay đổi theo đúng nhu cầu, ngoài việc tự cải tạo, các DN làm du lịch sinh thái ở khu vực này cần phối hợp với nhà vườn đầu tư hạ tầng theo yêu cầu của du khách, cùng nhà vườn xây dựng sản phẩm mới trên cơ sở chia sẻ lợi nhuận kết hợp tư vấn về dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực tạo điểm đến lý tưởng phục vụ du khách và DN lữ hành.

Ngoài ra, các DN cũng nên chủ động liên kết với các hãng lữ hành lớn tại TPHCM để khảo sát, xây dựng các tour hợp lý nhằm khai thác triệt để tiềm năng du lịch hấp dẫn và phong phú ở khu vực này.

Các tin khác