Tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD
Theo kết quả nghiên cứu, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xây dựng mới để khai thác riêng tàu khách với tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD. Dự án có điểm đầu nằm tại ga Hà Nội, điểm cuối ở ga Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) và kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị thành phố.
Đường sắt tốc độ cao sẽ sử dụng công nghệ động lực đoàn tàu phân tán (EMU) và tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng vô tuyến điện, tốc độ khai thác ban đầu 200km/giờ, có thể đạt tối đa 320km/giờ. Do tổng mức đầu tư lớn, dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu, dự án sẽ triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác 2 đoạn là Hà Nội - Vinh (dài 282,65km) và Nha Trang - TPHCM (dài 362,15km) vào năm 2030.
Trong giai đoạn 2, đoạn Vinh - Nha Trang sẽ được xây dựng để nối thông tuyến vào năm 2040 hoặc 2045. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, giá vé giai đoạn đầu sẽ bằng 50% vé máy bay, vé loại cao nhất bằng 75% giá vé máy bay.
Theo đại diện đơn vị tư vấn, để vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, cần thành lập 1 công ty đầu tư - quản lý hạ tầng và thành lập 1 công ty vận tải riêng.
Nhà nước cần bù lỗ bao nhiêu?
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, để thực hiện dự án này, nguồn vốn nhà nước cần tối thiểu 80% tổng mức đầu tư, nguốn vốn tư nhân huy động từ các nhà tài trợ khoảng 20%, sử dụng cho mua đầu máy, toa xe và các thiết bị khác, sau đó tư nhân sẽ khai thác hoàn vốn đã đầu tư.
Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu thêm khả năng huy động vốn ngoài ngân sách từ việc xã hội hóa đầu tư đối với các công trình nhà ga tại các đô thị lớn, có lợi thế thương mại thông qua khai thác quỹ đất và phát triển dịch vụ, trung tâm thương mại.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dự án có tổng mức đầu tư quá lớn nhưng phương án tài chính của dự án vẫn còn sơ sài, nếu không tập trung làm rõ thì rất khó thuyết phục được các đại biểu Quốc hội và người dân. Với số vốn này, nếu phải đi vay 100% sẽ khiến nợ công vượt trần, nợ gốc và lãi hàng năm phải trả cao, gây áp lực lên nền kinh tế.
TS Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Khoa Đầu tư Học viện Chính sách phát triển, cũng bày tỏ băn khoăn khi báo cáo chưa đưa ra bài toán so sánh với các nước có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam mà chủ yếu so với một số nước đã đi trước về kinh tế, khoa học công nghệ.
Theo Thứ trưởng GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, khi vận hành, thời gian đầu dự án sẽ bị lỗ, Nhà nước phải hỗ trợ 10-12 năm qua chi phí duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, mức bù lỗ bao nhiêu vẫn chưa được báo cáo làm rõ.
Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, hiệu quả kinh tế dự án đạt khoảng 7,5%, hiệu quả tài chính đạt 1,9% (riêng phần vốn tư nhân đạt 14%) như tính toán của đơn vị tư vấn là thấp bởi bình quân hiệu quả kinh tế của các dự án hiệu quả đầu tư công thường đạt 8%-12%.
- Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.545km, trong đó cầu chiếm khoảng 60%, hầm chiếm khoảng 10%, đường chiếm khoảng 30%.
- Đường sắt tốc độ cao được thiết kế đường đôi khổ 1.435mm điện khí hóa, bao gồm 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.
- Báo cáo tiền khả thi cuối kỳ sẽ được hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019. Năm 2024 bắt đầu được thi công và thành lập công ty quản lý và khai thác. Năm 2026 thành lập học viện đào tạo chuyên ngành. Năm 2028 hoàn thành vận hành thử. Năm 2030 bắt đầu chạy chính thức.