Chứng khoán Mỹ trồi sụt; Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong năm

(ĐTTCO) – Chỉ số S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp vào ngày thứ Tư (7/12) khi các nhà giao dịch cân nhắc khả năng xảy ra suy thoái kinh tế và khả năng Cục Dự trữ Liên bang có chu kỳ tăng lãi suất dài hơn dự kiến. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, xóa sạch đà tăng kể từ khi Nga tấn công vào Ukraine làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng toàn cầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Ảnh minh họa. @CNBC
Ảnh minh họa. @CNBC

S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P giảm 0,19%, khép phiên ở mức 3.933,92. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1,58 điểm, gần như không đổi, để đóng cửa ở mức 33.597,92. Nasdaq Composite giảm 0,51%, kết thúc ở mức 10.958,55.

Lợi suất trái phiếu cũng giảm, với lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm có thời điểm chạm mức thấp 3,402%.

Chứng khoán Mỹ dao động giữa tăng và giảm trong phiên giao dịch đầy biến động, với chỉ số S&P tăng tới 0,41%. Ở mức đáy trong phiên, chỉ số này đã giảm 0,47%.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng này cho đến khi các nhà đầu tư nhận được thông tin rõ ràng hơn từ cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 11.

Tuần tới, ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Mặc dù mức nâng này sẽ nhỏ hơn so với bốn lần tăng lãi suất trước đó, nhưng những lo ngại đang xoay quanh việc liệu Fed có thể thiết kế cái gọi là “hạ cánh mềm” (làm chậm nền kinh tế mà không gây ra suy thoái) trong khi kiềm chế lạm phát thành công hay không.

Những lo lắng về suy thoái kinh tế vào năm 2023 đã khiến một số nhà đầu tư hoảng sợ trong những ngày gần đây.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế trong tuần này để biết thêm manh mối về những gì có thể mong đợi từ Fed, với dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp sẽ được công bố vào thứ Năm (8/12). Chỉ số giá sản xuất của tháng 11 và dữ liệu sơ bộ về tâm lý người tiêu dùng cho tháng 12 dự kiến sẽ được công bố vào thứ Sáu (9/12).

Cổ phiếu đang trên đà giảm hàng tuần, với chỉ số Dow giảm 2,42%. S&P và Nasdaq lần lượt giảm 3,38% và 4,39%.

Dầu từ bỏ mức tăng của năm

Dầu đã vọt lên gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022, gần với mức cao kỷ lục chưa từng có, sau khi triển khai cái mà Moscow gọi là “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine.

Thị trường đã giảm dần trong những tháng cuối năm khi các nhà kinh tế chuẩn bị cho sự suy giảm tăng trưởng trên toàn thế giới một phần do chi phí năng lượng cao. Các khoản lỗ hôm thứ Tư được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh hơn dự kiến trong các kho dự trữ nhiên liệu của Hoa Kỳ.

Khép phiên, giá dầu Brent tương lai sụt 2,18 USD, tương đương 2,8%, xuống 77,17 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ đầu năm 2022. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ mất 2.24 USD, tiếp tục giảm so với phiên ngày thứ Ba, xuống 72.01 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Sự sụt giảm gần đây đã đi ngược lại với những gì nên là một bối cảnh hỗ trợ cho giá dầu. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã công bố những thay đổi sâu rộng nhất đối với chế độ chống COVID của họ kể từ khi đại dịch bắt đầu. Dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao nhất trong 10 tháng.

Các quốc gia G7 đã bắt đầu áp đặt mức trần giá để hạn chế xuất khẩu của Nga, điều này có thể khiến quốc gia này giảm sản lượng trong năm tới.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, dự trữ sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng 6,2 triệu thùng, vượt xa ước tính tăng 2,2 triệu thùng. Tồn kho xăng tăng 5,3 triệu thùng so với kỳ vọng tăng 2,7 triệu thùng.

Dự trữ nhiên liệu tăng cao hơn đã lấn át mức giảm 5,2 triệu thùng của dự trữ dầu thô tại Mỹ. Viện Dầu khí Hoa Kỳ đã báo cáo dự trữ dầu thô giảm khoảng 6,4 triệu thùng.

Trong khi đó, ít nhất 20 tàu chở dầu xếp hàng ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với nhiều sự chậm trễ hơn để đi từ các cảng Biển Đen của Nga đến Địa Trung Hải khi các nhà khai thác đua nhau tuân thủ các quy tắc bảo hiểm mới của Thổ Nhĩ Kỳ được bổ sung trước mức trần giá G7 đối với dầu của Nga.

Nhật báo Vedomosti đưa tin vào ngày thứ Tư rằng Nga đang xem xét các lựa chọn bao gồm cấm bán dầu cho một số quốc gia để chống lại mức trần giá mà phương Tây áp đặt. Tuy nhiên, những cảnh báo từ các ngân hàng lớn của Mỹ về khả năng suy thoái vào năm tới vẫn gây áp lực.

Các tin khác