Dow giảm gần 500 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones trượt 497,57 điểm, tương đương 1,45%, xuống 33.849,46. S&P 500 mất 1,54% xuống 3.963,94. Nasdaq Composite kết thúc sụt 1,58% đóng cửa ở mức 11.049,50.
Việc bán tháo hôm thứ Hai được thúc đẩy bởi các cuộc biểu tình nổ ra ở Trung Quốc đại lục vào cuối tuần khi mọi người trút sự thất vọng của họ với chính sách zero-Covid của Bắc Kinh. Các chính quyền địa phương đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát Covid khi số ca nhiễm gia tăng, mặc dù đầu tháng này, Bắc Kinh đã điều chỉnh một số chính sách cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đường mở cửa trở lại.
Diễn biến này đã ảnh hưởng đến các thị trường toàn cầu vào ngày thứ Hai, với hợp đồng dầu WTI tương lai tích tắc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Cổ phiếu của các công ty có cơ sở sản xuất lớn ở Trung Quốc chịu nhiều áp lực. Apple giảm 2,6% sau khi Bloomberg báo cáo rằng tình trạng bất ổn tại một nhà máy ở Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc sản xuất iPhone Pro trong năm nay có thể ít hơn 6 triệu chiếc.
Các nhà quan sát thị trường dự đoán sẽ có nhiều biến động phía trước khi các nhà đầu tư tiếp nhận một loạt dữ liệu kinh tế đến vào cuối tuần này sẽ cung cấp thêm thông tin về tình trạng nền kinh tế của Hoa Kỳ. Các dữ liệu quan trọng bao gồm báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân công bố vào ngày thứ Năm (01/12) – một thước đo lạm phát chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – và báo cáo việc làm tháng 11 của Mỹ công bố vào ngày 02/12.
Nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức ngân hàng trung ương khác để tìm kiếm gợi ý về việc nâng lãi suất trong tương lai khi Fed tiếp tục cố gắng hạ nhiệt lạm phát.
Dầu thô chuyển biến tích cực, Brent giảm lỗ
Khép phiên, hợp đồng dầu WTI tiến 1.05 USD, tương đương 1.38%, lên 77.33 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22/12/2021 là 73.60 USD/thùng.
Trong khi, hợp đồng dầu Brent lùi 23 xu, tương đương 0.28%, xuống 83.40 USD/thùng, sau khi đã giảm hơn 3% xuống 80.61 USD/thùng hồi đầu phiên, mức thấp nhất kể từ ngày 04/01/2022.
Cả 2 hợp đồng dầu, vốn đã chạm mức thấp nhất trong 10 tháng, đều ghi nhận 3 tuần giảm liên tiếp.
Matt Smith, nhà phân tích dầu hàng đầu tại Kpler cho biết: “Có tin đồn rằng OPEC+ đã bắt đầu đưa ra ý tưởng về việc cắt giảm sản lượng vào Chủ nhật. Điều đó đã giúp đảo ngược những tổn thất gây ra chỉ sau một đêm bởi các cuộc biểu tình của Trung Quốc.”
Các nhà phân tích tại Eurasia Group đã nhấn mạnh trong một lưu ý hôm thứ Hai rằng nhu cầu suy yếu từ Trung Quốc có thể thúc đẩy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) tiếp tục cắt giảm sản lượng sau khi đã thống nhất giảm nguồn cung trong tháng 10/2022.
OPEC+ sẽ nhóm họp vào ngày 04/12/2022. Hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã thống nhất giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày đến năm 2023.
Những tin đồn về khả năng cắt giảm mạnh hơn lấn át đợt bán tháo trước đó khi các cuộc biểu tình phản đối phong toả Covid-19 bước sang ngày thứ 3 và lan sang một số thành phố khác.
Trung Quốc vẫn mắc kẹt với chính sách Zero-Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình ngay cả khi phần lớn thế giới đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao của nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về mức trần giá dầu Nga ở khoảng 65 – 70 USD/thùng, với mục đích hạn chế doanh thu tài trợ cho các cuộc xung đột quân sự của Moscow ở Ukraine mà không làm gián đoạn thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tuy nhiên, chính phủ các nước EU đã bị chia rẽ về mức trần giá dầu Nga. Việc áp trần giá dầu Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 05/12 khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga cũng có hiệu lực.