Chứng khoán toàn cầu tăng mạnh nhờ niềm tin

(ĐTTCO)-Bất chấp dữ liệu kinh tế ảm đạm, các chỉ số chính trên các thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đã khép lại 2 tháng gần đây với thành quả tốt nhất trong nhiều thập niên. Yếu tố nào đã kéo dòng tiền quay lại TTCK, giúp các chỉ số CK toàn cầu hồi phục mạnh, bất chấp những dự báo u ám?
Chứng khoán toàn cầu tăng mạnh nhờ niềm tin
Tăng bất chấp, khó hấp dẫn vốn dài hạn
Đà tăng mạnh trong tháng này chủ yếu nhờ vào những hy vọng về việc tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến và phương pháp điều trị Covid-19 thành công. Bên cạnh đó là các biện pháp hỗ trợ thanh khoản của ngân hàng trung ương (NHTW) các nước.
Đà leo dốc của tháng 4 là hình ảnh phản chiếu cho hành động của thị trường trong tháng 3, khi có nhiều thị trường lớn đã phải “rút phích”: Chỉ số S&P 500 đánh dấu tháng tăng mạnh thứ 3 kể từ sau Thế chiến II, với mức tăng 12,68%, cũng là tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 1987.
Dow Jones đánh dấu tháng tăng mạnh thứ 4 sau thế chiến II với đà tăng 11,08%, thành quả tốt nhất trong 33 năm. Nasdaq Composite vọt 15,5%, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 6-2000. Các thị trường ở châu Á cũng có mức phục hồi mạnh. Thống kê cho thấy chỉ số CK toàn cầu có tháng 4 đầy ấn tượng với 10,58%, là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2009. 
Về định giá, chỉ số P/E của TTCK toàn cầu đang ở mức khá cao (đạt 26,5x). Thời điểm hiện tại, mức P/E này vẫn cao hơn rất nhiều so với mức P/E đỉnh các chu kỳ trước đó, tức thị trường đang ở vùng định giá cao.
Bên cạnh đó, chỉ số vốn hóa TTCK toàn cầu/GDP đang ở mức 85% - mức cao sau chu kỳ tăng trưởng 10 năm qua. Chính vì vậy, thị trường hiện tại khó lòng hấp dẫn dòng vốn đầu tư dài hạn.
Trong đó, quỹ Berkshire Hathaway đang ngồi trên núi tiền mặt khổng lồ 137 tỷ USD, vì không tìm thấy công ty nào để mua với giá hấp dẫn. Trong khi đó, “cú sập” do Covid-19 đã khiến quỹ lỗ 50 tỷ USD trong quý I và thanh lý toàn bộ cổ phiếu hàng không.
Bất chấp những dự báo kém khả quan, cộng với yếu tố lịch sử của tháng “Sell In May”, TTCK toàn cầu, đặc biệt là TTCK Mỹ tiếp tục leo dốc trong tháng 5. Cụ thể, S&P 500 và Dow Jones tăng lần lượt 4,5% và 4,2%.
Thậm chí, Nasdaq Composite tăng vọt 6,7% bất chấp sự bùng phát dữ dội của các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Nhờ mức tăng này, S&P 500 đã tăng 38% so với mức đáy hồi tháng 3. Thậm chí, chỉ số này chỉ thấp hơn 10% so với mức cao kỷ lục đã xác lập vào tháng 2, thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Niềm tin trở lại, hết lo Covid-19?
Vậy yếu tố nào đã giúp TTCK hồi phục mạnh bất chấp số liệu kinh tế ngày càng u ám? Thời gian qua, chính sách kích thích mạnh tay của các nước đã góp phần kéo thị trường lên, nên nhiều NĐT nghi ngờ khả năng các TTCK duy trì được đà tăng.
Đà tăng vừa qua rõ ràng không dựa trên các yếu tố nền tảng, mà nhờ vào sự hỗ trợ thanh khoản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các công ty đang được bơm tiền mặt để tồn tại. 
Hay như nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2021, là một trong những lý do TTCK tỏ ra khá bình tĩnh trước những biến động gần đây, bất chấp thị trường dầu mỏ chao đảo dữ dội, bên cạnh các thông điệp suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.
Điều này tạo nên sự đứt gãy giữa TTCK và nền kinh tế, khi mọi số liệu được công bố đều hết sức u ám. Từ giá nhà, doanh số bán lẻ, việc làm cho tới sản xuất công nghiệp đều cho thấy mọi hoạt động kinh tế lao dốc, ngay cả khi các gói kích thích tiền tệ và tài khóa chưa từng có tiền lệ với con số khổng lồ đã được tiến hành.
Tuy nhiên, kinh tế quý I rất kém tích cực và bức tranh kinh tế thế giới sẽ còn trở nên u ám hơn trong quý II. Có thể thấy đà phục hồi của thị trường trong tháng 4 và tháng 5 đã không dựa trên những yếu tố cơ bản hiện tại, thay vào đó phần lớn phản ánh yếu tố cung tiền hỗ trợ của các NHTW và niềm lạc quan của NĐT về sự tái mở cửa hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó là niềm tin nền kinh tế có thể tự định hướng giữa đại dịch, tìm thấy ánh sáng phía cuối đường hầm trong nửa cuối năm, khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, nhiều người tiêu dùng quay lại với những hoạt động kinh tế thông thường hơn. 
Tuần cuối cùng của tháng 3, Fed, NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật Bản (BOJ) đều tổ chức họp chính sách. 3 NHTW lớn này đã triển khai những biện pháp trái thông lệ để gia tăng thanh khoản và ổn định các thị trường tài chính. Cụ thể, Fed vẫn duy trì mục tiêu lãi suất trong khoảng 0-0,25% đúng như kỳ vọng của thị trường.
ECB giữ nguyên lãi suất tiền gửi chính ở mức thấp kỷ lục âm 0,5% và tái khẳng định kế hoạch mua hơn 1.000 tỷ EUR trái phiếu của mình để vực dậy các thị trường tài chính.
Còn BOJ áp dụng thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung, với thông báo xóa bỏ hạn mức 80.000 tỷ yen (JPY) đối với hoạt động mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản. 
Như vậy, có thể khẳng định rủi ro lớn nhất với TTCK không đến từ Covid-19, mà đến từ căng thẳng địa chính trị. Trước hết, diễn biến phức tạp của tình hình chính trị trên thế giới, căng thẳng Mỹ - Trung đang có dấu hiệu leo thang trở lại, biểu tình diễn ra rầm rộ ở Mỹ và các nước châu Âu.
Hiện tại, leo thang căng thẳng Mỹ - Trung chưa dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực lên việc đàm phán thỏa thuận thương mại của 2 nước, ít nhất trong tháng 6. Dù vậy, với các bất đồng ngày càng nhiều, quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn là yếu tố NĐT cần quan sát chặt chẽ, đặc biệt sau những tuyên bố thách thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thực tế, sự hồi phục của TTCK trong 2 tháng vừa qua sẽ là tiền đề cho sự mở cửa trở lại của nền kinh tế toàn cầu. Trong đó tốc độ mở cửa phụ thuộc vào điều kiện y tế mỗi địa phương và xu hướng giảm tỷ lệ lây nhiễm bệnh dịch của mỗi quốc gia.
Nó cũng sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi hành vi của mọi người và doanh nghiệp, khi họ tái định hướng bản thân để nối lại hoạt động kinh tế trong bối cảnh đại dịch sẽ còn tiếp diễn cho đến khi tìm được thuốc điều trị hoặc vaccine.  

Các tin khác