Khẳng định đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững, và là nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.
Có chuyên gia đã nhìn nhận, Nghị quyết 68 là nghị quyết của sự “tự phê bình cấp cao”, dũng cảm xóa bỏ định kiến. Bởi trong nghị quyết này, Bộ Chính trị thẳng thắn chỉ ra những rào cản đã và đang kìm hãm khu vực tư nhân, bao gồm định kiến, cơ chế “xin - cho”, chi phí tuân thủ cao, và sự bất bình đẳng trong tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực, công nghệ.
Lần đầu tiên, Đảng nêu rõ yêu cầu “xóa bỏ triệt để định kiến”, “xem doanh nhân là chiến sĩ mặt trận kinh tế”, và “trao quyền sở hữu, quyền cạnh tranh thực chất cho kinh tế tư nhân”. Những cụm từ này không chỉ là ngôn từ chính trị, mà là lời hiệu triệu mạnh mẽ với chính hệ thống chính quyền và công luận.
Và cũng lần đầu tiên, Nghị quyết 68 khẳng định không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, cho phép các doanh nghiệp và cá nhân tự khắc phục hậu quả trước khi áp dụng luật để xử lý, điều này hiện được xem là “cởi trói” cho kinh tế tư nhân bung ra và phát triển.
Ở bình diện rộng hơn, Nghị quyết 68 được xem là một trong những nội dung quan trọng nhất, căn cơ nhất để “dọn đường”, tạo cơ sở cho sửa đổi Hiến pháp 2013 sắp tới, và sau đó là sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, thậm chí ban hành thêm một số luật mới cho phù hợp với thực tế.
Nghị quyết 68 có thể được xem là sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, định hướng về kinh tế của Việt Nam, có thể xem là cách để Việt Nam “chuyển đổi mềm” sang một kỷ nguyên mới, xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hoàn chỉnh.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, nguồn lực sẽ không thể phân bổ hiệu quả nếu thiếu cơ chế thị trường, và hạt nhân của kinh tế thị trường chính là cạnh tranh cùng hoạt động của khu vực tư nhân. Trong quá khứ, khu vực đầu tư nước ngoài, nhất là FDI, từng đóng vai trò quan trọng, nhưng những năm gần đây, nguồn lực này đang dần suy giảm.
FDI dự báo giảm trong các tháng đầu năm, ít nhất đến khi nhà đầu tư cảm thấy yên tâm về chính sách thời kỳ “Trump 2.0”. Năm 2024, vốn giải ngân FDI đạt mức cao nhất kể từ năm 2020, với 25,4 tỷ USD, tăng 9,4%, nhưng tổng vốn cam kết đã giảm 3%, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư quốc tế trước sự bất định chính sách và biến động địa chính trị toàn cầu.
Thêm vào đó, kể từ sau Đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã trưởng thành, nhưng chưa thực sự lớn mạnh để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững. Khối này chỉ đóng góp trên dưới 10% GDP. Các doanh nghiệp tư nhân lớn chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng, R&D còn mờ nhạt.
Giá trị thương hiệu Việt Nam vẫn đi sau các nước trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu nhưng có vị thế yếu trong chuỗi giá trị.
Cách đây gần hai mươi năm, Việt Nam đã từng ước vọng xây dựng được những tập đoàn, công ty lớn mạnh như của Hàn Quốc, Nhật Bản và vươn ra thế giới, tự “định danh” mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên khi đó đã dồn nguồn lực tập trung cho các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, kết quả đã không đạt được như kỳ vọng. Giờ đây, khát vọng đó lại được tiếp tục ở lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân.
Có thể, thời gian tới, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua kết quả thị trường phản ánh, phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hỗ trợ R&D và chuyển giao công nghệ cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, những công ty/tập đoàn tốt nhất cũng có thể nhận các đơn đặt hàng của Nhà nước qua một quá trình đánh giá, thẩm định có tính cạnh tranh và đo lường được.
Tất nhiên, quá trình này cũng đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân phải thực sự có khát vọng và khả năng dấn thân.