Tạo cộng hưởng giữa FDI với khu vực tư nhân

(ĐTTCO) - Việt Nam đang tích cực hội nhập đa phương và thiết lập quan hệ song phương với nhiều quốc gia, hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI. Để tận dụng lợi thế từ hội nhập, cần tạo sự cộng hưởng giữa doanh nghiệp (DN) FDI và tư nhân trong nước.

Nếu không tạo được sự cộng hưởng giữa FDI và DN nội địa, thì khu vực DN nội tiếp tục trì trệ.
Nếu không tạo được sự cộng hưởng giữa FDI và DN nội địa, thì khu vực DN nội tiếp tục trì trệ.

DN nội đứng ngoài chuỗi cung ứng FDI

Trong hơn 3 thập niên qua, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI như một trụ cột quan trọng của quá trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, là mức độ lan tỏa từ FDI sang khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực DN tư nhân vẫn còn rất hạn chế.

Tình trạng “đứng ngoài chuỗi” của các DN nội địa đang khiến Việt Nam khó tận dụng hết tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các FTA mang đến nhiều cơ hội, từ mở rộng thị trường xuất khẩu đến tiếp cận các tiêu chuẩn quản trị và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, hội nhập không tự động dẫn đến phát triển, nếu nội lực quốc gia không đủ mạnh để tiếp nhận, khai thác và làm chủ các cơ hội này.

Trong nhiều trường hợp, FDI vào Việt Nam đã hoạt động như những “ốc đảo” tách biệt, nơi công nghệ, quản trị và chuỗi cung ứng khép kín trong nội bộ DN FDI, mà không có sự kết nối sâu với khu vực kinh tế nội địa. Các DN Việt, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều rào cản để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, từ hạn chế về năng lực sản xuất, thiếu tiêu chuẩn quốc tế, đến rào cản về vốn, kỹ thuật và thông tin.

Nguyên nhân của tình trạng FDI hoạt động tách biệt với khu vực kinh tế nội địa đến từ 3 yếu tố: năng lực hạn chế của DN trong nước, chiến lược khép kín của các DN FDI, và bất cập trong chính sách điều phối. DN nhỏ và vừa chưa đủ năng lực sản xuất, tiêu chuẩn quốc tế, vốn và công nghệ để tham gia chuỗi cung ứng của FDI.

Trong khi đó, các DN FDI thường ưu tiên nhà cung cấp từ hệ thống toàn cầu sẵn có, và ngại rủi ro khi hợp tác với đối tác trong nước. Mặt khác, chính sách thu hút FDI của Việt Nam lâu nay vẫn tập trung vào số lượng vốn, thiếu cơ chế thúc đẩy liên kết với DN nội địa để lan tỏa, chia sẻ công nghệ, và chưa đầu tư đồng bộ vào hạ tầng hay tổ chức trung gian nhằm hỗ trợ kết nối 2 khu vực kinh tế.

Thực tế này dẫn đến nghịch lý, đó là Việt Nam đứng thứ hạng cao về thu hút FDI, nhưng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, ô tô, cơ khí vẫn ở mức thấp.

Các DN nội thường chỉ tham gia vào các khâu phụ trợ đơn giản như cung cấp bao bì, linh kiện không quan trọng, hoặc dịch vụ logistics, đây là những phân khúc có giá trị gia tăng thấp và dễ bị thay thế. Trong khi đó, các khâu then chốt như thiết kế, R&D, quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu với giá trị cao chủ yếu do DN FDI nắm giữ.

Thiết lập mối quan hệ cộng hưởng

Thực trạng này đặt ra câu hỏi cấp thiết, làm thế nào để FDI trở thành một động lực thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân trong nước? Câu trả lời nằm ở việc thiết lập mối quan hệ cộng hưởng bền chặt giữa FDI và DN nội địa. Trong đó cả 2 cùng chia sẻ lợi ích, cùng phát triển và bổ sung cho nhau. Mối quan hệ này cần được xây dựng trên các trụ cột chính.

Thứ nhất, quy hoạch lại chuỗi các ngành kinh tế theo hướng phân vai rõ ràng giữa FDI với DN nội địa. Việc phân định này giúp xây dựng chính sách thu hút đầu tư phù hợp, đồng thời định hướng hỗ trợ có trọng tâm cho khu vực tư nhân. Đặc biệt, cần đánh giá và nâng cao khả năng kết nối giữa FDI và DN nội địa trong từng mắt xích của chuỗi giá trị, từ đó hình thành các cụm liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ mang tính hệ thống.

Thứ hai, xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn và sàng lọc DN FDI ngay từ khâu thu hút. Thay vì chỉ ưu tiên các dự án có quy mô vốn lớn hoặc công nghệ cao trên danh nghĩa, cần tập trung vào các tiêu chí thực chất như mức độ sẵn sàng liên kết với DN nội địa, kế hoạch nội địa hóa chuỗi cung ứng, cam kết lan tỏa và chia sẻ công nghệ, đào tạo nhân lực và đóng góp vào nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Các tiêu chí này không chỉ giúp tăng chất lượng FDI, mà còn tạo tiền đề để khu vực tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có thể tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Thứ ba, kết nối chuỗi cung ứng và sản xuất. Cần khuyến khích và tạo điều kiện để các DN FDI sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ DN nội thông qua chính sách ưu đãi có điều kiện, chẳng hạn như: miễn giảm thuế hoặc ưu tiên tiếp cận đất đai, tín dụng, chỉ áp dụng khi FDI đạt tỷ lệ nội địa hóa hoặc tỷ lệ hợp tác với nhà cung ứng trong nước nhất định.

Song song đó, cần xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu tập trung về các nhà cung ứng trong nước, có phân loại theo ngành nghề, năng lực sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng và mức độ sẵn sàng hợp tác, giúp các DN FDI dễ dàng tiếp cận và tìm kiếm đối tác phù hợp.

Chỉ khi DN trong nước đủ năng lực và cơ chế khuyến khích hợp tác rõ ràng đối với DN FDI, thì mối liên kết mới được hình thành một cách thực chất, tạo ra hiệu ứng lan tỏa công nghệ và giá trị gia tăng trong toàn nền kinh tế.

Thứ tư, thúc đẩy lan tỏa và chia sẻ công nghệ và hợp tác đổi mới sáng tạo. Đây là yếu tố then chốt để DN nội địa chuyển mình mạnh mẽ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cần có các trung tâm hỗ trợ công nghệ, các mô hình hợp tác trong nghiên cứu phát triển giữa FDI, DN nội và viện/trường.

Những trung tâm này sẽ đóng vai trò là cầu nối kỹ thuật, nơi các DN FDI và nội địa có thể cùng thử nghiệm, chuyển giao, nội địa hóa và hoàn thiện công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Song song đó, cần hình thành các mô hình hợp tác R&D giữa DN FDI, DN nội địa và các viện/trường nhằm chia sẻ nguồn lực và tạo ra sản phẩm mới.

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chung. Một lực lượng lao động chất lượng cao, có khả năng thích nghi với công nghệ và văn hóa DN quốc tế, là điều kiện tiên quyết để tạo cầu nối giữa 2 khu vực. Các chương trình đào tạo nghề, đào tạo quản trị, kỹ năng số… cần được thiết kế đồng hành cùng nhu cầu thực tế của FDI và định hướng dài hạn của khu vực DN nội.

Hơn thế nữa, cần tạo điều kiện cho người lao động và nhà quản lý được luân chuyển, học hỏi giữa 2 khu vực thông qua các chương trình thực tập, hợp tác đào tạo và học bổng chuyển giao kỹ năng.

Nếu không tạo được sự cộng hưởng, nền kinh tế sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ “2 tầng”, trong đó khu vực FDI hiện đại, năng động nhưng hoạt động biệt lập, còn khu vực DN nội tiếp tục trì trệ, phụ thuộc, dễ tổn thương.

Các tin khác