Việc chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, nâng tầm vị thế.
Đây cũng là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội thảo: Phát triển thị trường cho doanh nghiệp Thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/11 tại Hà Nội.
Nhận diện những rào cản
Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng Đông Nam Á năm 2021 cho thấy, có 44% người dân lần đầu tiên mua sắm qua Internet trong năm 2021 và 84% người tiêu dùng đã chấp nhận thanh toán không tiền mặt
Dù vậy, theo đại diện Công ty Sendo, sản phẩm thương hiệu Việt chỉ chiếm 17% tốp mặt hàng được tìm mua trên sàn Thương mại điện tử mùa dịch trong khi thương hiệu từ nước ngoài chiếm tới 83%.
Một trong những nguyên nhân chính theo đại diện doanh nghiệp này đó là việc đầu tư cho thương mại điện tử còn thiếu bài bản; trong đó nhiều đơn vị chưa được trang bị tư duy kinh doanh trên nền tảng số, thiếu dữ liệu vận hành trên nền tảng số và đặc biệt là bài toán chi phí đầu tư vận hành...
“Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần thúc đẩy, tạo làn sóng tích cực cho Thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt nhất là định hướng phát triển nền tảng thanh toán không tiền mặt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ,” ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Sendo nói.
Còn theo đại diện Công ty Teko, dù chuyển đổi số là một giải pháp hữu hiệu trong đại dịch COVID-19, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai hiệu quả do chưa có kế hoạch chuyển đổi số rõ ràng, thậm chí là do năng lực đối tác công nghệ hoặc do chính vấn đề của nền tảng cũ, hệ thống ứng dụng vận hành cũ, không dễ dàng để thay đổi, nâng cấp và tích hợp.
Trong khi đó, dẫn kết quả báo cáo thực hiện đầu năm nay về ngành thương mại điện tử Việt Nam của Nielsen, đại diện Công ty Cổ phần iCheck thông tin về mức độ hài lòng của người dùng Việt Nam đối với việc mua sắm trực tuyến vẫn còn nhiều điểm cần được khắc phục, nhất là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được giao bán trên một số trang thương mại điện tử.
Từ dẫn chứng này, đại diện iCheck khuyến nghị các doanh cần đảm bảo cơ sở niềm tin cho người tiêu dùng, cụ thể là việc minh bạch thông tin của sản phẩm hàng hóa...
Sức mạnh từ chuyển đổi số
Có thể thấy, thương mại điện tử hiện đang trở thành một giải pháp kinh doanh hữu hiệu, điều này càng thể hiện rõ rệt trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% đạt 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. Đến năm 2030 nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa, đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia.
Đáng chú ý, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với 55% trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu tiếp tục đổ vào. Hoạt động thương vụ, đầu tư tăng vọt trong nửa đầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục 1,37 tỷ USD, vượt qua các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đầu tư vào các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số trong lĩnh vực thương mại điện tử (e-commerce), tài chính (fintech), sức khỏe (healthtech) và giáo dục (edtech).
Từ điểm nhấn trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt việc ứng dụng sâu rộng các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh.
“Theo đánh giá của các chuyên gia, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn,” ông Tân nói.
Để phát triển thị trường cho doanh nghiệp Thương mại điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đang xem xét đề nghị xây dựng các văn bản luật mới liên quan lĩnh vực giao dịch điện tử, công nghệ thông tin...
Cùng với đó, Thủ tướng đã có Quyết định số 645/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; đồng thời thực hiện nhiệm vụ Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.”
Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng nhấn mạnh khởi nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trẻ.
Ông khẳng định, đây là một xu hướng kinh doanh đang phát triển mạnh ở trên thế giới và đặc biệt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử phát triển sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi, mua bán hàng hoá trực tuyến.
“Tại Đề án 844, Bộ cũng đã định hướng hỗ trợ cho những đề xuất giải pháp giúp phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới việc đưa sản phẩm ra thị trường trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam,” Thứ trưởng Trần Văn Tùng thông tin thêm.