Đây cũng là chủ đề được Báo ĐTTC phối hợp với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) và Khoa Tài chính Trường Đại học Kinh Tế TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “CĐS trong lĩnh vực TC-NH: Kinh nghiệm của Hàn Quốc” vào cuối tuần qua.
Cơ sở triển khai đã có, nhưng quy định chưa rõ, chưa đồng bộ
Phát biểu rất ngắn gọn tại tọa đàm, nhưng TS. Trương Văn Phước, Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã có một đề xuất thẳng thắn khi nhìn toàn cảnh CĐS trong lĩnh vực TC- NH hiện nay: “Đây là vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải đưa ra thảo luận trong chương trình họp Quốc hội một cách đến nơi đến chốn. Bởi lẽ các nước đã thực hiện và đi rất nhanh, trong khi Việt Nam lại chưa đi thẳng vào vấn đề. Đồng thời, các bộ, ngành cần xem xét sửa lại luật nghiêm chỉnh, công khai minh bạch, không để ai chịu rủi ro trong câu chuyện này”.
TS. Phước nói vui: “Hãy xem CĐS như chiếc xe đò đang chở đông người, ban đầu người ngồi rất khó chịu nhưng rồi đâu sẽ vào đó. Điều này hàm ý, chúng ta cứ ngại luật không theo kịp để quản lý nên cứ từ từ xem xét, trong khi hãy để cho xe chạy rồi điều chỉnh dần cũng sẽ ổn”.
Về mặt cụ thể, TS. Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện CĐS trong lĩnh vực TC-NH có 3 xu hướng: (1) các NH áp dụng công nghệ số để cải tiến quy trình của mình; (2) các công ty công nghệ tài chính (fintech), các công ty công nghệ thông tin lớn (bigtech) tham gia cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính; (3) NH số hoàn toàn. Vậy Việt Nam đang nằm ở xu hướng nào trong dòng chảy số hóa của lĩnh vực TC- NH thế giới?
Và TS. Quốc Anh chia sẻ, xu hướng mạnh nhất ở Việt Nam vẫn là các NH ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa hoạt động. Đã có những kết quả khả quan khi báo cáo của NHNN cho thấy, giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số đối với dịch vụ thanh toán đã chiếm tỷ lệ hơn 90%, giải ngân các món nhỏ của các công ty tài chính cũng chiếm đến 70%. Hạ tầng cũng có sự chuyển biến đáng kể.
Trước đây, một ngày chỉ có khoảng 50.000 giao dịch thanh toán qua NH, hiện nay lên đến 8 triệu giao dịch/ngày, với giá trị giao dịch lên đến 40 tỷ USD. Các NH và trung tâm thanh toán kết nối liên thông, tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp, nhờ đó gần như miễn phí dịch vụ. Cùng với NH, fintech phát triển rất nhanh và hiện đã có những công ty rất lớn. Vậy mà Việt Nam lại chưa có NH số và NHNN chưa có định hướng cấp phép cho NH số đúng nghĩa.
Nguyên nhân cũng được TS. Quốc Anh chỉ ra hàng loạt khó khăn trên con đường số hóa lĩnh vực TC-NH. Thứ nhất, khó khăn về nhân lực, vì để số hóa đòi hỏi phải có một lực lượng cán bộ giỏi về công nghệ thông tin (CNTT) và cũng phải hiểu biết tài chính.
Thứ hai, chi phí đầu tư và vận hành số hóa rất lớn, hiện 10 NH lớn đang có hoạt động số hóa mạnh trên thị trường chi khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm, tức trung bình mỗi NH chi khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Hiện Việt Nam có hơn 30 NH nên khoảng 20 NH khó theo kịp chi phí này. Thứ ba rất quan trọng chính là vấn đề pháp lý.
TS. Quốc Anh phân tích, thực ra cơ sở để fintech và NH số hóa đang có rất nhiều. Chẳng hạn Chính phủ đã có “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, rồi Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (eKYC) phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Riêng NHNN cũng có Quyết định 810/2021, phê duyệt “Kế hoạch CĐS ngành NH đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ qua eKYC, ban hành tiêu chuẩn chung về thẻ chip, QR Code, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo trình cho Quốc hội sửa Luật Giao dịch điện tử 2005.
Vậy nhưng, các quy định cho số hóa trong lĩnh vực TC- NH chưa rõ, chưa đồng bộ. Một số quy định về thủ tục dù số hóa nhưng vẫn yêu cầu giao dịch trực tiếp, chưa có nguồn dữ liệu xác định khách hàng qua kho dữ liệu dân cư. Các quy định về hợp đồng điện tử, chữ ký số, tài sản số chưa bắt kịp với quá trình CĐS. Các quy định liên quan đến tố tụng, sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng. Và một khó khăn nữa liên quan bảo mật thông tin khách hàng, bởi vừa qua các vụ lộ lọt thông tin làm cho nhiều người dân lo lắng.
Vẫn hoạt động trong “vùng xám”
Vẫn hoạt động trong “vùng xám”
GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho biết trên thế giới luật lệ cho số hóa có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, cơ quan quản lý áp đặt các quy định và các NH số, fintech áp dụng theo. Nhiều nước xung quanh Việt Nam đã đi qua giai đoạn này từ rất lâu.
Giai đoạn 2 đó là sự phát triển của công nghệ dẫn tới áp lực đi từ dưới lên, tức các công ty công nghệ đổi mới nhanh và cơ quan quản lý không theo kịp. Điều này không hẳn là xấu dù vẫn có thể có đổ vỡ, chẳng hạn cho vay ngang hàng tại Trung Quốc đã đổ vỡ. Nhưng cho đến nay các đổ vỡ đó không gây ra rủi ro hệ thống, vì họ đi vào nhiều phân khúc nhỏ với hàng triệu người dùng, không cho vay lớn đến các tập đoàn.
Giai đoạn 3 thế giới đang tiến là giai đoạn hỗn hợp, tức kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên. Giai đoạn hỗn hợp có ba động lực đổi mới là các fintech, tổ chức tài chính truyền thống, các cơ quan quản lý. Ba động lực này tương tác với nhau để hoàn thiện luật lệ. Nhưng Việt Nam vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn 1, chưa có quy định rõ ràng nên các NH số, fintech hoạt động trong “vùng xám” đầy rủi ro.
Theo GS. Thơ, sự phát triển của công nghệ là vô biên, không thể nắm bắt được ngày mai công nghệ như thế nào để có cách tiếp cận mới. Và chúng ta hiện nay đang băn khoăn “Quy định sự đổi mới hay đổi mới các quy định. Điều tiết cho công nghệ hay dùng công nghệ để điều tiết”. Và GS.Thơ cũng nhấn mạnh, có rất nhiều rủi ro và không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng các nghiên cứu cho thấy dùng công nghệ quản lý rủi ro tốt hơn bằng con người.
Nói về kinh nghiệm phát triển NH số ở Hàn Quốc, GS.Thơ cho biết họ rất tạo điều kiện cho lĩnh vực này phát triển, khi bước đầu triển khai họ có những quy định về vốn điều lệ chỉ bằng 1/4 NH truyền thống, chỉ áp dụng Basel I. Những quy định đối với lĩnh vực NH số của Hàn Quốc vừa chặt nhưng vừa tạo điều kiện đổi mới, và cân bằng tinh tế là một trong những nội dung có thể học hỏi để giải quyết những trăn trở trong CĐS lĩnh vực TC-NH tại Việt Nam.
Định hướng nào cho tương lai?
Định hướng nào cho tương lai?
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, CĐS đối với nền kinh tế và đặc biệt là lĩnh vực TC-NH là sống còn, nếu ko sẽ bị loại khỏi cuộc chơi vì thế giới đi nhanh. TS. Kiên nhận định, Việt Nam vẫn đang theo kiểu số hóa các hoạt động truyền thống của các tổ chức tín dụng (TCTD), nên chưa đề cập việc hình thành NH số hoàn toàn mới. Như vậy, cần phải gọi khái niệm CĐS hiện nay chỉ mới là số hóa.
Về mục tiêu dài hạn, TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nhiệm vụ mới đặt ra đối với CĐS phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phải tập trung nhóm các khách hàng mà TCTD truyền thống chưa với tới là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể. Đó là dư địa để phát triển.
Đặc biệt, phải tích hợp được cái cũ và cái mới, cập nhật từng bước một cho phù hợp với người tiêu dùng, với doanh nghiệp và với các văn bản pháp lý, với sự phát triển của công nghệ thế giới. Các quy định liên quan cần thuận tiện cho người dân cũng phải thuận tiện cho cơ quan nhà nước giám sát. Và quan trọng là đảm bảo “miếng bánh” phát triển, tức số hóa phải phát triển khách hàng hơn nữa, đi vào những lĩnh vực mới, nơi nào NH truyền thống khó tiếp cận thì công nghệ đi vào.
Trước đà phát triển của thế giới, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ thanh toán NHNN, đã có một số khuyến nghị chính sách đối với cấp phép, quản lý mô hình NH số trong dài hạn. Thứ nhất, nghiên cứu, xem xét và đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật NHNN, Luật TCTD theo hướng bổ sung thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy phép của NHNN đối với mô hình NH số như một loại hình TCTD mới, riêng biệt. Cùng với đó là điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục cấp, thu hồi Giấy phép NH số. Từ đó mới có thể làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản, quy định pháp lý hướng dẫn triển khai Luật.
Thứ hai, cần nghiên cứu, xây dựng đề xuất về cơ chế cấp Giấy phép NH số với một số tiêu chí, điều kiện cấp phép. Cụ thể, các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn hoạt động, quản trị rủi ro, quản trị hoạt động NH số phải tương đương với yêu cầu, tiêu chuẩn của các NH truyền thống hiện hữu; đặc biệt chú trọng các quy định, yêu cầu tuân thủ về phòng, chống rửa tiền, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin... Các điều kiện, tiêu chuẩn mới về vốn pháp định/vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu và điều kiện năng lực tài chính của các cổ đông sáng lập; giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cơ cấu, yêu cầu đối với thành phần cổ đông nước ngoài…
Thứ ba, xem xét quy trình cấp phép theo giai đoạn, giai đoạn 1 (từ 2-3 năm) là giai đoạn thử nghiệm với những điều kiện hạn chế hơn; giai đoạn 2 (từ 3-5 năm nhiều hoặc hơn) là giai đoạn cấp phép hoạt động NH số chính thức để cơ quan quản lý có thể quản lý, giám sát chặt chẽ, thận trọng đối với các tổ chức được cấp phép. Thứ tư, điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, giám sát hoạt động các mô hình/nền tảng NH số nói chung và giám sát các NH số sau khi được cấp phép nói riêng.
Ở một góc độ khác, TS. Lê Đạt Chí, Phó Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, nêu khó khăn của việc số hóa dịch vụ tài chính là ai tham gia vào dịch vụ này. Đơn cử, đầu ra của các công ty fintech là giới trẻ, là người tiêu dùng, họ chuyển đổi rất nhanh chóng, thích nghi với các sản phẩm tài chính mới này. Nhưng các công ty fintech lại vất vả trong quá trình kết nối hệ sinh thái đầu vào sản phẩm của mình. Vậy nên, trọng tâm CĐS không chỉ trong lĩnh vực TC-NH, mà chính các doanh nghiệp cũng cần CĐS nhanh chóng.
Theo số liệu tổ chức nghiên cứu nguồn nhân lực về CĐS ở châu Âu, ước tính năm 2020 các doanh nghiệp châu Âu chi 271 tỷ EUR để CĐS, vì họ ý thức rằng nếu không CĐS sẽ khó tồn tại, phát triển. Vì vậy nên phải đặt thêm một vế nữa là doanh nghiệp nhanh chóng CĐS trong nền kinh tế và phải tăng tốc.
Trong vấn đề số hóa Việt Nam đi rất sớm, nhưng trong vấn đề hình thành khuôn khổ pháp lý Việt Nam đang tụt lại phía sau. Đây là điều rất đáng tiếc. Và nếu cứ ở tình thế này sẽ tự triệt tiêu đổi mới, không đưa đổi mới vào nền kinh tế thực. |